Thành lập bản đồ hướng lan truyền ô nhiễm khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, Hà Nội thể hiện ở tỷ lệ 1: 2.000 trên cơ sở tài liệu đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên và cảm ứng điện từ
21/11/2023TN&MTTrong bài báo này, tập thể tác giả trình bày kết quả thành lập bản đồ hiện trạng ô nhiễm môi truòng gần mặt đất và bản đồ hướng lan truyền ô nhiễm khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, Hà Nội trên cơ sở các tài liệu mặt cắt đo sâu điện trường tự nhiên và cảm ứng điện từ (độ dẫn điện). Kết quả đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, Hà Nội cho thấy: tại khu vực này tồn tại các dập vỡ sâu hơn 100 mét so với mặt địa hình. Các dập vỡ này lại trùng với cống thoát nước rác rò rỉ từ bãi bác trực tiếp ra bên ngoài thông với suối Hai. Kết quả đo cảm cứng điện từ cho thấy: tại khu vực nghiên cứu có dấu hiệu ô nhiễm và bị ô nhiễm thông qua vùng có giá trị > 50mS/m, vùng này trùng với cống số 1 đến cống số 3 phía Tây Bắc bãi rác. Tổng hợp tài liệu, tập thể tác giả đã thành lập được bản đồ hiện trạng ô nhiễm môi trường gần mặt đất và bản đồ hướng lan truyền ô nhiễm khu vực Tây Bắc bãi rác.
Mở đầu
Cách đây hơn 20 năm, UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt dự án Khu Xử lý chất thải Xuân Sơn nằm trên địa phận xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, với tổng diện tích là 150,78 ha. Tuy nhiên, phần lớn bãi rác thuộc xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.
Hiện nay, nước rác thải bãi rác này đang trong tình trạng quá tải, nhất là mỗi khi mùa mưa đến. Nước rác rò rỉ ra môi trường xung quanh làm ô nhiễm nguồn nước gần bãi rác. Một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học [1, 2, 3] đã chứng minh nguồn nước quanh bãi rác có sự ô nhiễm và có khả năng ô nhiễm nặng hơn theo thời gian.
Trong bài báo này, tập thể tác giả sử dụng: 1. Kết quả đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên (02 đợt: tháng 11 năm 2021 và tháng 5 năm 2022); 2. Kết quả đo theo diện số liệu cảm ứng điện từ (tháng 5 năm 2022). Từ kết quả đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên và cảm ứng điện từ nói trên, tập thể tác giả đã thành lập bản đồ hiện trạng ô nhiễm gần mặt đất và thành lập bản đồ hướng lan truyền ô nhiễm khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, Hà Nội.
Kết quả đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên
Công tác thực địa đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên được tiến hành 2 đợt vào ngày 16/11/2021 đến ngày 17/11/2021 và đợt hai vào ngày 12 đến 13/5/2022. Tuyến đo thứ nhất và tuyến thứ 2 (L01S500 (TN1) và L02S500 (TN2), Hình 1).
Hình 1. Sơ đồ tuyến đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên khu nghiên cứu
Phân tích số liệu chúng tôi thành lập mặt cắt đo sâu điện trường tự nhiên nhằm tìm ra các đới dập vỡ, đới chứa nước, sét. Kết quả được thể hiện trên các Hình 2 đến Hình 5 phía dưới. Kết quả phân tích và xử lý trong phòng cho thấy (Hình 2 đến Hình 5): Các lớp đất đá ở phía Tây Bắc khu bãi rác biến đổi phức tạp. Lớp phong hóa triệt để tại phía Tây Bắc khu bãi rác biến đổi từ -10 đến -20 mét. Lớp bán phong hóa biến đổi từ -25 đến -45 mét, cá biệt tại cuối tuyến còn lên đến trên -60 mét. Ở đây tồn tại các dập vỡ, vì vậy vào mùa mưa nước thẩm thấu qua các dập vỡ này xuống sâu. Tính từ đầu tuyến đến mét 220 trên tuyến L01S150, nơi cống 3 xả nước ra, bắt đầu xuất hiện dập vỡ sâu và cũng nhận thấy nước mặt đã xâm nhập xuống phía dưới theo các dập vỡ.
Hình 2. Mặt cắt đo sâu điện trường tự nhiện dọc theo tuyến L01S150 (TN1) khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội (mùa khô) (a). đường cong các tuyến đo theo độ sâu; b). mặt cắt cấu trúc
Hình 3. Mặt cắt đo sâu điện trường tự nhiện dọc theo tuyến L01S150 (TN1) khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, TP. Hà Nội (mùa mưa); (a). đường cong các tuyến đo theo độ sâu; b). mặt cắt cấu trúc)
Hình 4. Mặt cắt đo sâu điện trường tự nhiện dọc theo tuyến L02S150 khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, TP. Hà Nội; (a). trên là đường cong các tuyến đo theo độ sâu; b). dưới là mặt cắt cấu trúc)
Dựa trên bản đồ phân bố không gian độ dẫn điện chúng ta có thể thấy rằng, độ dẫn điện trong vùng nghiên cứu có xu hướng tập trung cao ở vùng giữa của bản đồ, giá trị độ dẫn điện cao 50 - 100 mS/m, còn ở khu vực hai đầu phía bắc và phía Nam của bản đồ giá trị tương đối thấp 10 - 40 mS/m. Độ dẫn điện của nước rỉ rác thường cao hơn nhiều so với độ dẫn điện của nước mặt, nước ngầm tự nhiên. Nước rỉ rác thường nó lẫn chất hữu cơ, kim loại nặng và một số chất muối tồn tại trong rác. Sự ô nhiễm trong môi trường đất, nước được phát hiện qua sự thay đổi giá trị độ dẫn điện của các chất thải phân hủy bão hòa với nước rỉ rác.
Tại khu vực phía ngoài bãi rác Xuân Sơn khu vực khảo sát đã phát hiện ra hai đường ống nước rỉ rác dẫn ra ngoài. Giá trị độ dẫn điện trên bề mặt cho thấy, đất dưới bề mặt và nước mặt trong khu vực khảo sát đã bị ô nhiễm bởi nước rỉ rác, dường như đã di chuyển và rò rỉ ra ngoài khu vực bãi chôn lấp.
Về kết quả khảo sát đo độ dẫn điện (EM) khu vực bên ngoài bãi rác Xuận Sơn cho thấy, môi trường đất tại khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm và bị ô nhiễm thông qua vùng có giá trị > 50 mS/m.
Tổng hợp kết quả thành lập bản đồ hiện trạng ô nhiễm và bản đồ hướng lan truyền ô nhiễm, thể hiện ở tỷ lệ 1:2.000
Từ kết quả đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên và kết quả phân tích độ dẫn điện nói trên, tập thể tác giả đã thành lập được bản đồ hiện trạng ô nhiễm gần mặt đất và bản đồ hướng lan truyền ô nhiêm cho khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, Hà Nội (Hình 5 và Hình 6).
Hình 5. Bản đồ hiện trạng ô nhiễm môi trường cấu trúc gần mặt đất theo tài liệu đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiêm và cảm ứng điện từ khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, Hà Nội (thu nhỏ từ tỷ lệ 1:2.000)
Hình 6. Bản đồ hướng lan truyền ô nhiễm theo tài liệu đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiêm và cảm ứng điện từ khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, Hà Nội (thu nhỏ từ tỷ lệ 1:2.000)
Kết quả minh giải tài liệu EM
Kết luận
Theo kết quả đo sâu mặt cắt điện trường tự nhiên, tại khu vực Tây Bắc bãi rác Xuân Sơn, Hà Nội tồn tại các đới dập vỡ đến -100 mét so với bề mặt địa hình. Các đới này ngậm nước. Nhất là khi mùa mưa tới, nước xuống dưới sẽ mang theo nước rác thải rò rỉ từ bãi rác ra ngoài theo công thoát. Như vậy, khả năng các chất ô nhiễm sẽ đi sâu vào nguồn nước ngầm là rất lớn.
Bản đồ hướng lan truyền ô nhiễm cho ta thấy, các chất ô nhiễm sẽ theo nước suối Hai lan ra môi trường xung quanh.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Văn Dũng, Cao Đình Trọng, Nguyễn Bá Duẩn, Phùng Thị Ngọc Anh, Trịnh Hải Tuấn, Nguyễn Quang Dũng, kỳ 1/11/2022. Xác định ô nhiễm môi trường gần mặt đất tại bãi rác chôn lấp Xuân Sơn, Hà Nội bằng các phương pháp địa vật lý. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, trang 31-34;
2. Cao Đình Trọng, Lê Văn Dũng, nnk, 2022. “Đánh giá mức độ ảnh hưởng ô nhiễm môi trường gần mặt đất bằng tổ hợp các phương pháp Địa vật lý đối với các bãi chôn lấp rác thải”. Báo cáo tổng kết dự án BVMT năm 2021-2022, 112 trang;
3. Vũ Đức Toàn, 2012, Đánh giá ảnh hưởng của bãi chôn lấp rác thải Xuân Sơn, Hà Nội đến môi trường nước và đề xuất giải pháp. Khoa học Thủy lợi và Môi trường, số 39 (tháng 12/2012); trang 28 đến 33.
LÊ VĂN DŨNG1, VŨ MINH TUẤN1, VŨ TUẤN HÙNG2,
NGUYỄN QUANG DŨNG3, PHÙNG THỊ NGỌC ANH1
1. Viện Vật lý địa cầu; 2. Viện Địa chất; 3. Viện Địa lý tài nguyên TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4 (Kỳ 2 tháng 2) năm 2023