Thanh Hóa: Báo động tình trạng sạt lở sông Chu
13/04/2022TN&MTTình trạng sạt lở 2 bên bờ sông Chu đoạn qua địa bàn huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã và đang xảy ra hết sức nghiêm trọng. Trong khi chờ cơ quan chức năng xác định nguyên nhân sạt lở do yếu tố địa chất hay bắt nguồn từ hoạt động khai thác cát lòng sông, người dân địa phương vẫn đang phải sống trong tâm lý thấp thỏm, lo lắng sợ mất đất canh tác.
Sạt lở bờ sông Chu đoạn qua xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa)
Bờ sông nham nhở
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Chu đoạn qua Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đang trở thành nỗi bất an đối với người dân địa phương. Nhiều diện tích đất canh tác sản xuất nông nghiệp, hoa màu của người dân biến mất chỉ trong thời gian ngắn.
Tại địa phận thôn 1, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tình trạng sạt lở bờ sông đã và đang diễn biến phức tạp trên chiều dài hơn 800m. Cung sạt đã lấn vào một phần diện tích là đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, tạo thành vách đứng, hàm ếch cao khoảng 10-15m, nhiều vị trí đất bở, xốp đang có dấu hiệu tiếp tục trượt sạt. Đất canh tác, hoa màu và những rặng tre ven sông của người dân nằm ngổn ngang dưới dòng sông Chu.
Đoạn sạt kéo dài hàng trăm mét
Chị N.V.L. (thôn 1, xã Tân Châu) lo lắng kể lại: Trước đây, lòng sông hẹp, đất bờ rộng kéo dài mênh mông, khoảng 3 năm nay tình trạng sạt lở trở nên phức tạp, ăn sâu vào đất của người đân. Gia đình tôi có khoảng 700m2 đất nông nghiệp đang canh tác cũng đã bị lở, trôi hơn 100m2. Bụi tre của làng tồn tại đã hàng trăm năm nay đã nằm trơ trọi một góc dưới lòng sông khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Tương tự tại thôn Nguyên Thịnh, xã Thiệu Nguyên có tới 2 điểm sạt lở rất lớn và nghiêm trọng, vị trí sạt lở kéo dài hàng trăm mét. Tại thôn Trấn Long, xã Thiệu Hợp cũng ghi nhận gần 100m đất ven sông bị sạt nham nhở, đất bờ rạn nứt, nhiều vị trí tạo thành hàm ếch, các điểm sạt lở tạo vách cao từ 3-5m.
Sông Chu đoạn qua địa bàn huyện Thiệu Hóa có nhiều điểm sạt lở
Cũng theo một số người dân: Hoạt động khai thác cát tại đại phương diễn ra phức tạp, các tàu hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm, đưa tàu cắm vòi hút sát bờ khiến tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng. Khi khai thác cát trái phép họ thường cử 1-2 người đứng trên đê để cảnh giới, di chuyển tàu đến vị trí khác nếu phát hiện lực lượng chức năng.
Ông Lê Thế Ái, Trưởng Phòng TN&MT huyện Thiệu Hóa: Hiện nay có tình trạng sạt lở bờ sông Chu xảy ra tại một số xã trên địa bàn huyện, trong đó điểm sạt tại xã Tân Châu bị khoét sâu vào nhất, phòng TN&MT đang phối hợp với các xã kiểm tra các vị trí sạt lở, thống kê diện tích đất, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng, tham mưu cho UBND huyện Thiệu Hóa báo cáo tỉnh về vấn đề này.
Tỉnh yêu cầu làm rõ nguyên nhân
Trước tình trạng trên, ngày 1/4/2022, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra tình hình sạt lở khu vực bãi sông Chu thuộc địa bàn huyện Thiệu Hóa. Qua kiểm tra cho thấy, vị trí thôn 1, xã Tân Châu đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đáng chú ý, phía đối diện khu vực sạt lở khoảng 250m là điểm mốc số 1 đến số 5, mỏ cát số 2 đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thanh Tâm theo Giấy phép số 136/GP-UBND, ngày 13/4/2017.
Đối diện khu vực sạt lở xã Tân Châu khoảng 250m là mỏ cát số 02 của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Thanh Tâm
Tại điểm xảy ra sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hóa cho lắp ngay camera để quan sát khu vực xảy ra sạt lở. Làm hàng rào chắn, biển báo cảnh giới để cảnh báo Nhân dân tránh xa khu vực sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng. Yêu cầu làm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở khu vực bãi sông phía bờ hữu sông Chu, xã Tân Châu nói riêng và một số điểm sạt lở trên địa bàn huyện nói chung.
Chỉ đạo huyện Thiệu Hóa phối hợp với lực lượng Công an tìm hiểu, xác minh, làm rõ vấn đề có hay không việc thỏa thuận, mua bán đất ngầm giữa các hộ dân và đơn vị, cá nhân khai thác cát tại khu vực xảy ra sạt lở. Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tác động của hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đối với tình trạng sạt lở bờ sông.
Đóng cọc, căng dây cảnh báo tình trạng sạt lở
Ông Phan Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu cho biết: Theo thống kê sơ bộ xã có khoảng hơn 10 hộ có đất canh tác bị sạt lở. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở là do các tàu khai thác cát hút quá sâu ở giữa dòng, hoặc lợi dụng thời điểm tổ giám sát thay ca, ban đêm, các tàu tiến sát vào bờ để hút cát.
Ông Hoàng Trọng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: Chúng tôi đã giao Công an huyện lập chuyên án điều tra nguyên nhân gây tình trạng sạt lở khu vực bãi phía bờ hữu sông Chu, xã Tân Châu nói riêng và một số điểm sạt lở trên địa bàn huyện nói chung. Xác minh việc thỏa thuận, mua bán đất ngầm giữa hộ đân và chủ mỏ khai thác cát là có hay không. Bên cạnh đó, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định thời gian khai thác cát không được hoạt động vào ban đêm, do đó huyện đã yêu cầu các xã lắp đặt thêm các hệ thống camera giám sát, duy trì các tổ trực 24/24, tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, không để tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở.
Hiện cơ quan chức năng đang xác minh nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở
Theo Khoản 3, Điều 15, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định: Yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: Trường hợp đang khai thác mà có hiện tượng sạt, lở bờ tại khu vực khai thác, thì phải tạm dừng việc khai thác, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có hoạt động khai thác để kiểm tra, xác định nguyên nhân, mức độ tác động tới lòng, bờ, bãi sông, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Sỹ Tùng