Tham vấn ý kiến cộng đồng trong xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Bến Tre
10/11/2023TN&MTPhát triển kinh tế là một trong những nguyên nhân gây sức ép lên tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường không khí. Chất lượng môi trường không khí tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến 183 hộ gia đình, 54 cơ quan, đơn vị quản lý, 89 doanh nghiệp, cơ sở phát sinh khí thải trên địa bàn tỉnh để lấy ý kiến về hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí và mức sẵn lòng chi trả cho các giải pháp bảo vệ môi trường không khí tỉnh Bến Tre. Qua đó, nghiên cứu đã sử dụng phần mềm SPSS để xử lý 326 phiếu phỏng vấn này. Kết quả cho thấy, ô nhiễm không khí có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân. Công tác quản lý và xử lý ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan quản lý quan tâm, phối hợp với các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt.
Sự phát triển ngành công nghiệp, giao thông là nguyên nhân chính gây ONMTKK tại tỉnh Bến Tre, làm suy giảm chất lượng môi trường đô thị, gây tác động xấu đến sức khỏe của con người [2]. Vì vậy, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của các bên liên quan nhằm đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu tiến hành thu thập và phỏng vấn người dân địa phương, cơ quan quản lý và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Việc thu thập ý kiến của các bên liên quan giúp mang lại hiệu quả cao trong việc đề xuất giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật, giúp cộng đồng có trách nhiệm thực hiện và triển khai các giải pháp sau khi được cơ quan quản lý ban hành.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập, kế thừa số liệu: Nghiên cứu thu thập và tổng hợp tài liệu, số liệu từ các báo cáo, đề tài nghiên cứu đã được công bố trong và ngoài nước có liên quan đến ONMTKK và các báo cáo, các số liệu thống kê về môi trường không khí từ năm 2017 đến năm 2022 tại tỉnh Bến Tre [3].
Phương pháp điều tra xã hội học: Nghiên cứu thu thập ý kiến từ 326 phiếu phỏng vấn của các bên liên quan nhằm đánh giá hiện trạng ONKK tại khu vực nghiên cứu.
Thu thập ý kiến của người dân với tổng số phiếu là 183 phiếu; thu thập ý kiến của cơ quan quản lý với tổng số phiếu là 54 phiếu; nghiên cứu tiến hành phỏng vấn tại 18 đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác BVMT; thu thập ý kiến của các cơ sở sản xuất, phát sinh khí thải trên địa bàn tỉnh với tổng số phiếu khảo sát là 89 phiếu.
Bên cạnh việc đánh giá hiện trạng ONMTKK, mục đích của việc điều tra, khảo sát còn đánh giá khả năng áp dụng các giải pháp giúp giảm thiểu ONMTKK. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu định tính, nên việc thu thập thông tin chỉ dừng lại khi lượng thông tin đạt bão hòa để có thể trả lời các các mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu. [4]
Phương pháp xử lý số liệu
Phần mềm SPSS là một chương trình phân tích thống kê, được sử dụng vào năm 1968 bởi SPSS Inc. Phần mềm được tạo ra với mục đích phân tích dữ liệu và ứng dụng vào các lĩnh vực khoa học xã hội.
Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS để thực hiện các phương pháp phân tích: Thống kê tần số; thống kê mô tả; độ tin cậy; nhân số khám phá; phân tích tương quan giữa các biến độc lập với nhân tố phụ thuộc; phân tích hồi quy (kiểm định mô hình nghiên cứu sau khi chạy một loạt các phân tích Cronbach's Alpha, EFA, Correlations để chọn lựa những biến độc lập thỏa mãn điều kiện cho yêu cầu hồi quy).
Kết quả và thảo luận
Kết quả khảo sát người dân: Thông qua kết quả khảo sát, tham vấn ý kiến của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong đó có 81 nam và 102 nữ, độ tuổi từ 17 đến 81 tuổi; làm việc ở các nhóm ngành nghề khác nhau và khu vực sinh sống khác nhau. Các câu hỏi đều quan tâm đến vấn đề về chất lượng môi trường không khí tại nơi sinh sống.
Hình 1: Tổng hợp ý kiến khảo sát người dân về nguồn và tần suất ô nhiễm
Việc lấy ý kiến của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre được thực hiện với 3 nhân tố chính và 10 biến quan sát:
H1: Ý kiến của cộng đồng về hiện trạng chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.
H2: Kiến thức của cộng đồng về tác động của ô nhiễm không khí.
H3: Ý thức của cộng đồng về việc bảo vệ môi trường không khí.
Kết quả phân tích nhân tố cho các biến độc lập và phụ thuộc (gồm 10 biến quan sát) được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1: Kết quả phân tích nhân tố cho các biến độc lập và biến phụ thuộc
Nghiên cứu đã tiến hành lược bỏ các biến có hệ số tương quan tổng bé hơn 0.3 và giữ lại các yếu tố có khả năng thể hiện chất lượng không khí tại khu vực nghiên cứu, kết quả cho thấy còn lại 7 nhân tố phù hợp.
Kết quả kiểm định chỉ số KMO = 0,588 (0,5 ≤ KMO ≤ 1) và hệ số Sig. = 0,000 (<0,05) cho thấy các biến có liên hệ với nhau, vì thế, việc sử dụng phân tích nhân tố gom nhóm các biến là thích hợp. Từ kết quả trên cho thấy, chất lượng không khí tại khu vực nghiên cứu có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và được người dân quan tâm.
Đánh giá cảm nhận về sức khỏe của người dân: Kết quả phân tích Anova với mức ý nghĩa là 0,000 (<0,05), cho thấy người dân đánh giá sức khỏe của mình phụ thuộc rất nhiều vào ô nhiễm không khí và phần lớn nguồn gây ô nhiễm do bụi gây ra (62,8%). Với mức ô nhiễm không khí càng lớn thì càng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
Nghiên cứu tiến hành kiểm định tương quan giữa các biến trong yếu tố ý kiến của cộng đồng về hiện trạng chất lượng môi trường không khí:
Bảng 2: Kết quả phân tích tương quan giữa các biến độc lập
Kết quả phân tích tương quan ở Bảng 2 cho thấy, hệ số tương quan giữa các biến độc lập khá mạnh, điều này cho thấy nguồn gây ô nhiễm không khí, mức độ ô nhiễm, tần suất xảy ra ô nhiễm và sự cố môi trường được người dân đánh giá cao và các yếu tố này phụ thuộc lẫn nhau và tác tác động đến cuộc sống của người dân.
Kết quả khảo sát cơ quan, đơn vị quản lý
Hình 2: Tổng hợp phiếu khảo sát cơ quan, đơn vị quản lý
Kết quả phỏng vấn 53 cá nhân thuộc đơn vị quản lý cho thấy trên địa bàn tỉnh Bến Tre có hơn 50% cơ quan ban ngành có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý môi trường không khí. Hiện nay, các cơ sở/doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã thực hiện tốt công tác xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, một số các cơ sở sản xuất than thiêu kết tại Phú Hưng, Phong Nẫm và một số các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ khác vẫn chưa thực hiện tốt việc xử lý khí thải.
Qua kết quả khảo sát và nguồn cung cấp thông tin trực tiếp tại các cơ quan quản lý tại địa phương cho thấy: nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh chủ yếu là từ hoạt động giao thông, chăn nuôi, sản xuất thạch dừa, xơ dừa, than thiêu kết, than gáo dừa, từ rác thải KCN, sản xuất nông nghiệp, quá trình đô thị hóa, thiên tai (bão, cháy rừng), đốt rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, bãi chôn lấp và nhà máy xử lý rác tại địa phương,...
Có thể thấy, cơ quan quản lý tỉnh Bến Tre đã phối hợp và triển khai thực hiện tốt trong công tác BVMT không khí trên địa bàn tỉnh, quan tâm đến tình hình phát sinh khí thải tại các KCN, làng nghề tại địa phương và có các văn bản triển khai kịp thời trong công tác bảo vệ môi trường không khí tại địa phương
Kết quả khảo sát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
Hình 3: Tổng hợp ý kiến khảo sát doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
Nghiên cứu tiến hành phân tích tương quan giữa 2 biến độc lập: Biến các cơ sở kinh doanh có phát sinh khí thải và Biến các cơ sở phát sinh khí thải có thực hiện các biện pháp xử lý khí thải cho thấy: 2 biến này có mối quan hệ tương quan với nhau (Sig. ≤ 0,05).
Mặc dù có rất ít cơ sở sản xuất xảy ra sự cố môi trường (chỉ chiếm 6% trong tổng số các cơ sở điều tra khảo sát), tuy nhiên đa số các cơ sở đều có quy trình hạn chế, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (53,9%).
Đa số các cơ sở đều sẵn lòng chi trả chi phí môi trường (79,8%) và đồng ý chi trả ở mức từ 3 đến 25 triệu/năm, một số ý kiến cho rằng sẽ chi trả theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng thực hiện tốt trong công tác BVMT không khí như việc tiến hành quan trắc giám sát chất lượng môi trường định kỳ và gửi báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Hằng năm, các cơ sở phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho cán bộ công nhân viên về bảo vệ môi trường không khí. Bên cạnh đó, các cơ sở còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương cập nhật, tuyên truyền kiến thức và kỹ thuật cho chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về biện pháp xử lý, đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao, giảm thiểu khí thải ra môi trường. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất còn thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên (hơn 50% cơ sở) với tần suất khám định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm/lần.
Kết luận
Nghiên cứu tham vấn ý kiến cộng đồng để đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Bến Tre nhằm mục đích định hướng cho công tác quản lý và BVMT, góp phần vào sự phát triển bền vững KT-XH của tỉnh Bến Tre trong thời kỳ CNH-HĐH. Nhìn chung, qua kết quả tham vấn cho thấy: ONKK có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân; công tác quản lý và xử lý ONKK trên địa bàn tỉnh được cơ quan quản lý quan tâm, phối hợp và triển khai thực hiện tốt.
Nghiên cứu đã xác định những vấn đề cấp bách liên quan đến môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó, làm tiền đề cho các nghiên cứu sau này về đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm BVMT không khí trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2025.
Nghiên cứu cũng đề xuất các nội dung, chương trình thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý môi trường không khí; đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và thiết bị xử lý thải nhằm hạn chế phát sinh khí thải; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đi đôi với BVMT; tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030.
Tài liệu tham khảo
1.UBND tỉnh Bến Tre, 2022, “Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”;
2.Cục thống kê tỉnh Bến Tre, 2021, “Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre 2021”;
3. Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, 2021, “Báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường tỉnh Bến Tre 2016 - 2020”;
4.Marshall, B.; Cardon, P.; Poddar, A.; Fontenot, R. Does, 2013, Sample Size Matter in Qualitative Research?: A Review of Qualitative Interviews in is Research. J. Comput. Inf. Syst. 2013, 54(1), 11-22;
5.W. Hair, J., Anderson, R., Tatham, R. and Black, 1988, Multivariate data analysis, 5th ed. Prentice Hall, Englewood Cliffs, New Jersey.
PGS.TS. TÔN THẤT LÃNG, ĐẶNG THỊ KIM THI, LÊ MAI NGỌC ÁNH
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
ThS. VÕ VĂN NGOAN, ThS. HUỲNH LÊ DUY ANH
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 3 (Kỳ 1 tháng 2) năm 2023