Sứ mệnh mới của truyền thông là tạo ra tri thức và sự thấu hiểu
25/09/2023TN&MTSứ mệnh mới của truyền thông là tạo ra tri thức và sự thấu hiểu từ thông tin, qua đó trao thêm sức mạnh cho con người, giúp họ tự tin, làm chủ vận mệnh và hạnh phúc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai mạc AMRI 16
Việt Nam rất hân hạnh là nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI -16). Chúng tôi chào đón các quý vị đại biểu tại thành phố Đà Nẵng, một thành phố nằm ở giữa Việt Nam. Thành phố này hướng ra ra biển. Biển là biểu tượng cho hợp tác, giao lưu. Mà hợp tác, giao lưu chính là cốt lõi của ASEAN. Và cũng chính nhờ tinh thần này mà ASEAN đã và đang trở thành tâm điểm tăng trưởng của thế giới. Và chúng ta, các nước thành viên ASEAN, tự hào về điều đó.
Chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của mình dựa trên công nghệ số, giữ vững sứ mệnh cốt lõi của truyền thông.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực thông tin và truyền thông của chúng ta đang có những thay đổi mang tính cách mạng. Chính công nghệ số đã tạo ra sự thay đổi này. Tương lai bây giờ không còn nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Và chúng ta phải sáng tạo ra tương lai mới của mình dựa trên công nghệ số.
Cách làm, cách tiếp cận thì phải đổi mới, nhưng vẫn phải giữ vững sứ mệnh cốt lõi của truyền thông: cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, phổ biến tri thức, trao thêm sức mạnh cho con người, phục vụ cho phát triển, tăng cường hiểu biết và đoàn kết giữa các dân tộc, các nước thành viên ASEAN và quảng bá hình ảnh, giá trị của ASEAN ra thế giới.
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị quá tải về thông tin. Con người có thể bị nhấn chìm bởi quá nhiều thông tin. Chúng ta đang bị “béo phì thông tin” bởi tiêu thụ thông tin liên tục, bất kể đó là thông tin thật hay tin giả. Một ngày, mỗi chúng ta dành không dưới 6 giờ để tiêu thụ lượng thông tin này. Thông tin thì quá nhiều nhưng tri thức và sự thấu hiểu thì lại đang có xu thế ít đi. Rất ít người hiểu được cái gì ở phía sau dòng lũ thông tin kia. Rất ít người tìm ra được tri thức, tạo ra được giá trị từ đó. Theo báo cáo của United Nations Economist Network, chỉ có một phần rất nhỏ thông tin (năm 2015 là 0,5%) là được xử lý.
Chúng ta đang bị “béo phì thông tin” bởi tiêu thụ liên tục, bất kể đó là thông tin thật hay tin giả.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Trong một thế giới đầy biến động và khó lường như hiện nay, quá nhiều thông tin còn có thể gây tâm lý hoang mang, bất an, nghi ngờ, mất niềm tin. Truyền thông lúc này cần mang đến những tri thức mới để thích ứng nhanh, để sử dụng công nghệ mới cho mục tiêu phát triển và hợp tác, mang lại năng lượng tích cực, nuôi dưỡng niềm tin vào một tương lai hòa bình và thịnh vượng của ASEAN và thế giới.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 2023 tổ chức tại Indonesia vào ngày 5/9 vừa qua, đã thông qua Tuyên bố về sự phát triển bền vững và có khả năng chống chịu, khẳng định sự cần thiết “vượt qua các thách thức thông qua chia sẻ tri thức và thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, huy động nguồn lực và triển khai các sáng kiến nâng cao năng lực”.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông phải chuyển đổi từ việc cung cấp thông tin, tin tức đơn thuần sang cung cấp tri thức và sự thấu hiểu cho người dân để giúp họ tồn tại trong một thế giới biến động, khó lường, phức tạp và mơ hồ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN năm nay đã thống nhất lựa chọn chủ đề: Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN phản ứng nhanh và có khả năng chống chịu”. Muốn phản ứng nhanh với sự thay đổi thì phải nhanh chóng tìm ra được tri thức mới từ sự thay đổi. Muốn có khả năng chống chịu và hồi phục sau một sự va chạm lớn, sau một thảm hoạ thì phải được trang bị tri thức mới.
Bởi vậy, lĩnh vực thông tin và truyền thông của chúng ta phải chuyển đổi từ việc cung cấp thông tin, tin tức đơn thuần sang cung cấp tri thức và sự thấu hiểu cho người dân để giúp họ tồn tại trong một thế giới biến động, khó lường, phức tạp và mơ hồ.
Các mạng xã hội hiện nay đang là các nền tảng để tạo ra và chia sẻ thông tin. Các nền tảng số mới cần phải trở thành nền tảng để tạo ra và chia sẻ tri thức hữu ích cho con người. Các mạng xã hội phải trở thành mạng xã hội của thông tin, của tri thức và sự thấu hiểu. Công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, đã sẵn sàng cho việc tạo ra tri thức và sự thấu hiểu từ thông tin. Tuy nhiên, chúng ta, những nhà lãnh đạo về thông tin và truyền thông ASEAN, phải dẫn dắt tiến trình này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Malaysia Fahmi Fadzil. Việt Nam và Malaysia đang đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình
Tri thức và sự thấu hiểu vẫn là cái tinh hoa nhất của con người. Công nghệ số đã giúp tạo ra thông tin nhiều hơn, nhưng với sự ra đời của công nghệ học sâu, nó cũng có thể giúp tạo ra tri thức và cả sự thấu hiểu thông tin. Tri thức và sự thấu hiểu sẽ tạo ra một ASEAN hoà bình, phát triển, thịnh vượng và hạnh phúc. Các Bộ trưởng Thông tin của AMRI-16 tự hào tuyên bố sứ mệnh mới của truyền thông là tạo ra tri thức và sự thấu hiểu từ thông tin, qua đó trao thêm sức mạnh cho con người, giúp họ tự tin, làm chủ vận mệnh và hạnh phúc.
Khía cạnh đạo đức của công nghệ, việc sử dụng công nghệ có trách nhiệm, cũng như trách nhiệm xã hội của các nền tảng số, nền tảng truyền thông xuyên biên giới cần phải được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Và đây cũng là trách nhiệm của lĩnh vực thông tin và truyền thông ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Con người ngày càng sáng tạo ra những công nghệ có sức mạnh lớn hơn. Nhưng sức mạnh huỷ diệt của công nghệ cũng lớn như sức mạnh phát triển của nó.
Bởi vậy, khía cạnh đạo đức của công nghệ, việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, cũng như trách nhiệm xã hội của các nền tảng số, nền tảng truyền thông xuyên biên giới cần phải được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Và đây cũng là trách nhiệm của lĩnh vực thông tin và truyền thông ASEAN.
Trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần này, dựa trên sáng kiến của Việt Nam, các nước ASEAN đã tổ chức hai diễn đàn để thúc đẩy hợp tác trong chuyển đổi số báo chí và phòng chống tin giả.
Chuyển đổi số báo chí là để đưa báo chí nên không gian số. Báo chí đã quan trọng trong thế giới thực thì nay còn phải quan trọng hơn trong thế giới số. Các cơ quan truyền thông của ASEAN đã chia sẻ các thực tiễn tốt về chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng hướng dẫn về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ASEAN.
Kiến thức về cách phòng chống tin giả ngày càng trở nên quan trọng, giúp củng cố niềm tin trong không gian số. Cùng với tin giả được tạo ra bởi con người, hiện nay, trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra nội dung giả mạo có độ chân thực cao, làm phức tạp thêm môi trường thông tin.
Các nước ASEAN xem đây là một ưu tiên trong kế hoạch hợp tác về thông tin, và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin năm nay cũng sẽ tập trung thảo luận để tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các nước trong lĩnh vực này.
Tại buổi tiếp đoàn Cơ quan thông tin Philippines, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về mô hình áp dụng công nghệ mới của Việt Nam để truyền tải thông tin từ Trung ương đến từng cấp xã, phường. Trong ảnh: Đoàn Cơ quan thông tin Philippines chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ TT&TT Việt Nam
Lĩnh vực thông tin và truyền thông của ASEAN đang nhận về mình sứ mệnh mới, đang chủ động mở ra không gian mới để cùng nhau góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình và thịnh vượng. Đó là sự thay đổi từ thông tin đến tri thức và sự thấu hiểu.
Đi đầu trong sự chuyển dịch này và thành công trong sứ mệnh mới này sẽ là sự đóng góp của các nước ASEAN cho lĩnh vực thông tin và truyền thông của thế giới.
Với tinh thần đó, tôi đánh giá cao và trân trọng cảm ơn Bộ trưởng các nước ASEAN và các nước đối thoại, các nước quan sát viên, đã dành thời gian đến thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, để cùng xem xét, thảo luận những thách thức và cơ hội của truyền thông số, định hướng cho truyền thông, định hướng cho hợp tác truyền thông của ASEAN trong những năm tới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Theo vietnamnet.vn