Sông tô lịch Hà Nội bị ô nhiễm: Nỗi niềm của người dân vùng ven
23/06/2024TN&MTHà Nội - Các hộ kinh doanh ven sông Tô Lịch đang phải đối mặt với tình trạng mất khách hàng do mùi hôi thối và nước bẩn, trong khi nguy cơ bệnh tật từ nguồn nước ô nhiễm đang là nỗi niềm không của riêng ai.
Về một góc sông Tô Lịch
Trong những năm qua, đã có không ít các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… được tổ chức để mổ xẻ vấn đề, tìm ra những giải pháp tổng thể, căn cơ làm sạch và hồi sinh dòng sông này sao cho phù hợp giá trị văn hóa, lịch sử của nó. Tuy nhiên cho đến nay, sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm nặng.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, mỗi ngày sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt , đổ trực tiếp ra sông thông qua hơn 300 cống xả thải . Các nhà khoa học đánh giá tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch là rất nghiêm trọng, hoàn toàn không thể sử dụng nước sông trong sinh hoạt, sản xuất và trồng trọt.
Các hộ kinh doanh, đặc biệt là nhà hàng và các quán ăn ven sông , đang phải đối mặt với tình trạng khách hàng “bỏ chạy” do mùi hôi thối và cảnh tượng ô nhiễm không mấy dễ chịu từ dòng sông. Chị Hằng chủ quán ăn ven sông, chia sẻ rằng việc kinh doanh của chị gặp nhiều khó khăn kể từ khi sông Tô Lịch trở nên ô nhiễm nặng nề. "Khách hàng của tôi giảm đi rất nhiều. Họ không muốn ngồi ăn và nhìn vào một dòng sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối " chị Hằng nói!. Các hộ kinh doanh khác cũng bày tỏ sự lo lắng tương tự, khi mà việc buôn bán trở nên ảm đạm, thu nhập giảm sút.
Theo bác Hùng (61 tuổi, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết “Vào những ngày nắng và có gió, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến tôi không thể chịu nổi. Tôi bị viêm xoang gần chục năm nay chỉ vì phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm của con sông này ”. Trẻ em quanh đây cũng thường xuyên mắc các bệnh về da và hô hấp - bác Hùng chia sẻ thêm!.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đã biến sông Tô Lịch thành mối đe dọa không chỉ đối với môi trường mà còn đối với sức khỏe cộng đồng. Nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý đổ thẳng vào sông đã làm tăng nồng độ các chất độc hại như kim loại nặng, hóa chất và vi khuẩn gây bệnh. Người dân sống gần sông phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, da liễu và tiêu hóa do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nguồn nước ô nhiễm. Trẻ em và người cao tuổi, những đối tượng có sức đề kháng yếu, là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các bệnh như tiêu chảy, viêm da, và các vấn đề về đường hô hấp trở nên phổ biến, làm tăng gánh nặng cho gia đình và hệ thống y tế .
Thành phố Hà Nội đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể để cải tạo, khôi phục dòng sông Tô Lịch, với các giải pháp trọng tâm trên phương diện về mặt kỹ thuật.
Thứ nhất, Hà Nội hiện nay đang trong quá trình triển khai là thu gom và xử lý nước thải bảo đảm các quy chuẩn môi trường, sau khi thu gom nước thải sẽ đưa về nhà máy xử lý tập trung, ngoài ra cần thu gom được các điểm xả phân tán. Hiện nay, có khoảng 456 điểm xả phân tán trên toàn tuyến sông Tô Lịch, với ước tính khoảng 8.000 đến 12.000m3 nước thải .
Thứ hai, về vấn đề dòng chảy sẽ được lấy từ nước sông Hồng kết hợp nước thải đã được xử lý bảo đảm yêu cầu để xả vào sông. Theo GS,TS Trần Đức Hạ, dòng nước này sẽ tạo dòng chảy nước sạch cho sông Tô Lịch, bên cạnh đó còn có thể bổ sung cho Hồ Tây, phục vụ nước tưới. Thậm chí cũng có những phương án đưa nước từ nguồn này để thau rửa, bổ sung cho một số hồ của TP. Hà Nội như hồ Linh Đàm, hồ Định Công,…
Thứ ba, khi đã thu gom nước thải thì cần xử lý lượng bùn tồn đọng. Khi làm sạch sông Tô Lịch rồi cần kết hợp kè bờ để bảo đảm hệ sinh thái, những chỗ nào có điều kiện đất đai thuận lợi phù hợp thì đưa về trạng thái sông tự nhiên, những vị trí khó thì sẽ tiến hành kè bờ như hiện nay. Sau khi kè xong sẽ tiến hành nạo vét bùn, cần có giải pháp xử lý bùn nhưng vẫn phải giữ lại hệ sinh thái, các mầm vi sinh của dòng sông.
Hiện nay Hà Nội đang dần hoàn thiện giải pháp thứ nhất với bốn gói thầu của Hệ thống nhà máy nước thải Yên Xá, đây là một dấu hiệu khởi sắc trong việc làm “sống lại” sông Tô Lịch .
GS. Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, việc đưa nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch cũng là một giải pháp hữu hiệu. Về xử lý nước thải đô thị, ông Hồng cho rằng hiện các họng nước thải dọc sông Tô Lịch đã bắt đầu không được đổ ra sông nữa. Thành phố đang gom các nguồn nước thải trên vào một đường ống để dẫn xuống Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý.
Tuy nhiên, khi gom nước thải để xử lý ở Nhà máy Yên Xá, nước sau xử lý không được trả lại sông Tô Lịch bởi nhà máy này nằm ở hạ nguồn sông. Từ đó dẫn tới việc dòng chảy sông Tô Lịch bị "chết", rất hôi thối. Vì vậy vẫn phải có giải pháp đưa nước về sông Tô Lịch, đồng thời cứu nước thải bằng cách tập trung đưa vào Nhà máy xử lý Yên Xá - ông Hồng nói!.
Nguyễn Trà My
Đại học Văn hóa Hà Nội