Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh: Gỡ khó để triển khai công tác thu gom, quản lý chất thải rắn sinh hoạt
10/07/2024TN&MTCông tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề “nóng”, đây là một trong số nhiệm vụ tỉnh Trà Vinh quan tâm. Theo đó, địa phương này đã thu gom và xử lý gần 100% lượng chất thải, môi trường sống cho người dân,... Vậy nhiệm vụ gỡ khó này được Sở triển khai thế nào, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đã chia sẻ:
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh
PV: Xin ông cho biết về thực trạng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Tuấn:
Thời gian qua vấn đề hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt luôn được tỉnh Trà Vinh quan tâm thực hiện. Hiện tại, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh khoảng 553,2 tấn/ngày (trong đó: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh 163,9 tấn/ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh 389,3 tấn/ngày).
Chúng tôi đã làm tốt công tác thu gom, xử lý. Cụ thể, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý là 534,2 tấn/ngày (đạt tỷ lệ 96,56%). Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom về bãi rác hoặc cơ sở xử lý khoảng 321 tấn/ngày, hộ gia đình tự thu gom, xử lý khoảng 213,3 tấn/ngày.
Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được xã hội hóa. Toàn tỉnh hiện có 09 đơn vị hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; 09 bãi rác, 02 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (do doanh nghiệp đầu tư và vận hành), 05 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (nhà nước đầu tư, giao tư nhân vận hành) đang hoạt động.
Các đơn vị thu gom, vận chuyển trang bị xe chuyên dụng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và một số loại phương tiện khác như xe đẩy, xe tải, xe thô sơ để thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương thức đấu thầu.
PV: Vấn đề chi phí cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương được áp dụng như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Tuấn:
Trên địa bàn tỉnh hiện mới áp dụng thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chưa triển khai thu phí dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được các đơn vị thu gom tổ chức thu của các tổ chức, hộ dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo Quyết định số 03/2022/QĐ-UBND ngày 16/02/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay do nhà nước bù đắp, chi trả cho đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh về Phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với lò đốt được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trên bàn tỉnh Trà Vinh và chi theo giá tạm tính đối với lò đốt được đầu tư từ nguồn xã hội hoá. Giá tạm áp dụng không vượt giá quy định tại Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 của Bộ Xây dựng theo công suất và công nghệ xử lý.
PV: Địa phương có gặp những hạn chế, khó khăn gì trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Tuấn:
Bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương như: Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt gặp nhiều khó khăn do kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm của địa phương còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông, phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện tại chưa đồng bộ và chưa đáp ứng với yêu cầu về phân loại, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt; nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế.
Do tỉnh Trà Vinh chưa có cơ sở tái chế chất thải rắn sinh hoạt và cơ sở sản xuất phân vi sinh từ chất thải thực phẩm nên hiệu quả của các mô hình phân loại trong thời gian qua triển khai trên địa bàn tỉnh có mặt còn hạn chế. Chưa có quy định lựa chọn đơn vị tái chế chất thải rắn sinh hoạt và cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động tái chế đối với chất thải tái chế sau phân loại.
Bên cạnh đó, vì chưa có hướng dẫn công nghệ cụ thể trong quá trình kêu gọi nhà máy xử lý chất thải rắn, nên Trà Vinh hiện nay còn gặp khó khăn như: Theo Luật Bảo vệ môi năm 2020, hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp. Tuy nhiên, chưa có quy định công nghệ hạn chế tỷ lệ chất thải sau xử lý phải chôn lấp (ví dụ tro đáy lò, chất thải thứ cấp) do đó hiệu quả mục tiêu giảm diện tích đất cho xử lý chất thải còn hạn chế, đồng thời tỉnh muốn hạn chế tỷ lệ chất thải sau xử lý phải chôn lấp nhưng chưa có cơ sở áp dụng.
Hơn nữa, việc đưa ra tiêu chí về công nghệ, mức giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong kêu gọi đầu tư còn gặp khó khăn do chưa có hướng dẫn. Hiện tại tỉnh áp dụng theo Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 của Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt và Quyết định số 510/BXD ngày 19/5/2023 của Bộ Xây dựng công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2022. Tuy nhiên, Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 ban hành đã lâu, trước khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, hiện nay công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã có sự thay đổi, Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 và Quyết định số 510/BXD ngày 19/5/2023 chỉ có các công nghệ đơn lẻ, chưa có công nghệ kết hợp và chưa có công nghệ tái chế.
Đồng thời, các chi phí không còn phù hợp so với hiện nay, chi phí tối đa áp dụng theo Quyết định số 1354/QĐ-BXD thấp nên chưa thu hút được nhà đầu tư, nhất là dự án sử dụng công nghệ hiện đại.
PV: Trước những thực trạng trên Sở Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Trà Vinh đã có biện pháp gì thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Tuấn:
Hiện tại, tỉnh Trà Vinh đang trong quá trình lập đề cương dự án “Xây dựng hướng dẫn quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bên cạnh đó Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn chỉnh Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện phân loại chất rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, dự kiến trình UBND tỉnh trong tháng 6/2024 để ban hành.
Đồng thời, UBND tỉnh đang kêu gọi Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh với công suất 350 tấn/ngày bằng công nghệ phân loại - xử lý và tạo ra các sản phẩm có ích, đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý thấp nhất, phù hợp với điều kiện chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh Trà Vinh, ưu tiên công nghệ có tỷ lệ chôn lấp sau xử lý < 10%.
PV: Vậy, Sở có kiến nghị gì với Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Tuấn:
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến dự thảo 02 thông tư Ban hành quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và Thông tư Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cũng đã nghiên cứu góp ý tại Công văn số 1773/STNMT-QLMT ngày 28/5/2024.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục bất cập trong thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường một số nội dung sau:
Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, trong đó chú ý giải pháp thu gom, vận chuyển đối với khu vực nông thôn, đường giao thông nhỏ hẹp, xe chuyên dụng không đến được để hướng dẫn quy trình thu gom, vận chuyển và định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp.
Ban hành hướng dẫn về lựa chọn đơn vị tái chế và nguồn kinh phí thu gom và vận chuyển, tái chế rác thải tái chế.
Thúc đẩy các công cụ tài chính mới/sáng tạo (ví dụ: tài chính xanh) và nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và nâng cao năng lực của các ngân hàng trong nước trong việc thẩm định dự án phù hợp trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là hình thức đầu tư mới như PPP (đối tác công tư).
Nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương về các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm tổ chức các sự kiện và khóa đào tạo cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh.
Nâng cao vai trò của các hiệp hội tái chế, xử lý chất thải rắn và các liên minh, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua các mô hình hợp tác giữa khu vực công và tư trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhất Nam - Đỗ Hùng (thực hiện)