Siết chặt quản lý chất thải rắn sinh hoạt
22/04/2024TN&MTHiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, thói quen sinh hoạt, việc thiếu ý thức của một số người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Bởi vậy, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.
Tình trạng đổ trộm rác thải diễn ra thường xuyên dọc Đại lộ Thăng Long, Hà Nội
Hà Nội đang tồn tại nhiều vấn đề từ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề xử lý lượng CTRSH.
Mỗi ngày, thành phố Hà Nội đang phải xử lý khoảng 7.000 tấn CTRSH từ các khu công nghiệp và địa bàn dân cư. Có nhiều nguyên nhân: Hà Nội là một trong những thành phố đông dân nhất cả nước với hơn 8 triệu dân; quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, dẫn đến sự gia tăng lượng chất thải rắn xuất phát từ các công trình xây dựng, cơ sở sản xuất quy mô lớn.
Trong khi đó, công tác thu gom, xử lý rác thải lại có nhiều bất cập, từ thiếu hạ tầng kỹ thuật duy trì vệ sinh môi trường, xử lý rác, cho đến việc phân loại CTRSH tại nguồn rác thải chưa khoa học và hợp lý. Một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là ý thức của người dân. Có thể nói, hiện tượng đổ trộm rác thải diễn ra thường xuyên trên địa bàn thành phố. Hàng trăm tấn rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, làng nghề thường xuyên được đổ trộm.
Theo ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh Cầu Diễn, đơn vị phụ trách vệ sinh môi trường tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long, tình trạng đổ trộm rác, phế thải, vật dụng cồng kềnh... liên tục xảy ra tại đoạn qua địa phận quận Nam Từ Liêm.
Công nhân của đơn vị phải tăng thời gian làm việc, duy trì dọn dẹp rác, phế thải hằng ngày, không để rác tồn đọng. Song vừa dọn sạch hôm trước, hôm sau các đối tượng tiếp tục mang rác ra đổ. Đơn vị đã nhiều lần báo cáo các cơ quan chức năng, quận Nam Từ Liêm để tăng cường biện pháp kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng trên vẫn chưa giảm.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có xử lý CTRSH. Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện tại thành phố mới chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) ở huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) ở thị xã Sơn Tây và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm.
Còn nhiều dự án xử lý rác thải theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn của Thủ đô vẫn chưa đi vào hoạt động với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân công nghệ xử lý rác lạc hậu, không còn phù hợp... Thực tế này dẫn đến việc Hà Nội đang phụ thuộc quá nhiều vào bãi rác Nam Sơn, nơi thu nhận gần 70% lượng rác thải sinh hoạt của cả thành phố.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác cũng như chống quá tải cho các ô chôn lấp, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, từng bước giảm áp lực cho đầu ra của rác thải, hướng tới môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp. Cụ thể, Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xử lý chất thải rắn; xây dựng các giải pháp về quản lý, vận hành các khu xử lý tập trung...
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có Văn bản số 2387/STNMT-QLCTR ngày 3/4/2024 gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường; các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường. Theo đó, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, nhất là trong công tác thu gom, vận chuyển CTRSH, Ủy ban nhân dân thành phố và Sở TNMT yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thị xã Sơn Tây tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Sở TNMT đối với việc bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, tập kết, vận chuyển CTRSH và chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai, phương tiện vận chuyển CTRSH phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, không làm mất vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển CTRSH.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các xe vận chuyển chất thải sinh hoạt bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, có camera hành trình, GPS; lái xe tuân thủ đúng các quy định về phân luồng và an toàn giao thông được cấp phép lưu hành, chạy theo đúng lộ trình được duyệt; yêu cầu rà soát, lựa chọn các vị trí tập kết xe gom và cẩu rác phù hợp; có giải pháp để loại bỏ các điểm chân rác, điểm cẩu thùng rác, tập kết xe gom gây cản trở tới giao thông; xây dựng phương án thu gom rác có lộ trình vận chuyển, thời gian hợp lý, không gây ùn tắc giao thông, tránh hoạt động trong các giờ cao điểm khi mật độ các phương tiện tham gia giao thông cao; tăng cường phối hợp lực lượng trật tự giao thông, cảnh sát giao thông trong việc kiểm soát xe vận chuyển rác đúng tải trọng, đúng tốc độ, bảo đảm không rơi vãi rác, nước rác... chấp hành nghiêm luật giao thông khi lưu thông trên tuyến đường vận chuyển rác.
Đối với Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên môi trường, Sở TNMT Hà Nội yêu cầu chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án, kế hoạch vận hành đối với Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải Xuân Sơn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tiếp nhận CTRSH liên tục, không bị gián đoạn, tránh ùn tắc phương tiện vận chuyển CTRSH tại các khu xử lý tập trung; đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương nơi có khu xử lý tập trung bảo đảm phân luồng giao thông kịp thời cho các phương tiện vận chuyển CTRSH.
Các cấp chính quyền thành phố cần quyết liệt hơn nữa với các dự án xử lý rác chậm tiến độ, kiên quyết thay thế những đơn vị không bảo đảm năng lực, để các dự án xử lý rác thải hiện đại sớm đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.
Theo nhandan.vn