Quản trị biển, đại dương và tầm nhìn chiến lược để phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW
23/11/2021TN&MTTrong bối cảnh hiện nay, muốn phát triển bền vững biển đảo, muốn làm chủ biển, đảo, rất cần phải thiết lập tư duy “Quản trị biển” chứ không chỉ “Quản lý biển”. Do vậy, cần tạo ra kỷ cương, xây dựng một hành lang chính sách và luật pháp trong công tác quản lý biển, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và toàn xã hội đều hoạt động, vận hành trong khuôn khổ hành lang quy tắc đó. Theo đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan.
Ảnh minh họa
Xác định những vấn đề trọng tâm
Tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí, trữ lượng ước tính khoảng 3,0-4,5 tỷ m3 quy dầu quy đổi, chủ yếu là khí (chiếm trên 50%) và tập trung chủ yếu ở thềm lục địa. Trữ lượng tài nguyên dầu khí đã phát hiện vào khoảng 1,365 tỷ m3 quy dầu, chiếm 30-35% tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí dự báo của Việt Nam, trong đó khí thiên nhiên chiếm trên một nửa. Các mỏ phát hiện dầu khí phân bố chủ yếu ở bốn bể là Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay – Thổ Chu; các bể còn lại là bể Tư Chính Vũng Mây và cụm bể Trường Sa và cụm bể Hoàng Sa chưa đủ số liệu để xác định chính xác diện tích bể cũng như các điểm khai thác. Trong số các mỏ đã phát hiện, mỏ Bạch Hổ ở bể Cửu Long được coi là lớn nhất với trữ lượng khoảng 340 triệu m3 quy dầu, tương đương khoảng 2,1 tỷ thùng, đóng góp vào 80% trữ lượng dầu khai thác hằng năm của Việt Nam. Không chỉ sở hữu trữ lượng dầu phong phú, Việt Nam còn có tiềm năng lớn về giao thông thủy, nguồn lợi hải sản, du lịch và kinh tế hải đảo, còn có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ…
Vấn đề đặt ra là phát huy tiềm năng, thế mạnh đó như thế nào, làm cụ thể ra sao…thì chưa thực sự rõ. Ở các nước phát triển, chiến lược đề ra rất chi tiết, biển mạnh trước hết là phải sống được nhờ biển, phải bảo vệ được môi trường biển và bảo vệ được những người dân ở trên biển. Tiếp theo, trên trường quốc tế, phải có tiếng nói, đồng thời, phải giữ được biển, đó là không gian tâm linh mà cha ông để lại.
Để sống được nhờ biển, phát triển bền vững từ biển, chúng ta phải có phương thức quản lý đúng, có sách lược, quy hoạch phát triển phù hợp, rõ ràng, có định hướng mục tiêu cụ thể là phải đạt gì, vào thời gian nào. Chẳng hạn, với ngư dân, Nhà nước phải định hướng cho dân là cần khai thác cái gì, khai thác ở đâu, khai thác bao nhiêu, bán như thế nào, thị trường ở đâu, Nhà nước cần hỗ trợ cái gì cho ngư dân; cần làm gì để gìn giữ, tái tạo nguồn lợi từ biển, giữ biển cho cuộc mưu sinh lâu dài.
Để đáp ứng với công cuộc hướng mạnh ra biển, chinh phục và khai thác nguồn tài nguyên lợi thế của biển, các quốc gia ven biển cần hội đủ ba thế mạnh chính: Mạnh về kinh tế biển; mạnh về KH, CN biển và mạnh về thực lực quân sự biển.
Bằng phương thức quản trị, nước ta sẽ xây dựng quy hoạch không gian phát triển trên cơ sở các tính toán, phân tích từ NCKH, dựa trên tiếp cận hệ sinh thái và tiếp cận thích nghi. Từ quy hoạch tổng thể, chúng ta triển khai quy hoạch đối với từng khu vực, địa phương, ngành nghề cụ thể với các mối liên kết và hài hòa lợi ích. Đồng thời, xây dựng kỷ cương, hành lang chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch. Dưới vai trò điều phối của bộ phận quản lý chiến lược, cơ chế quản trị sẽ huy động hiệu quả toàn bộ nguồn lực của hệ thống chính trị, vận hành trong khuôn khổ những quy tắc và chuẩn mực đã thống nhất. Theo guồng quay đó, cái gì không đúng quy tắc nó sẽ tự động bị loại ra. Chính phương thức quản trị sẽ giúp chúng ta khắc phục 3 hạn chế lâu nay thường mắc phải: Không quản lý được đồng vốn, xã hội không vận hành theo đúng quy luật, không tạo ra được sự liên kết, phối hợp và đột phá trong phát triển. Tất cả những điều đó rất cần trong quản lý biển, đảo.
Đề ra kế hoạch, tầm nhìn dài hạn để phát triển kinh tế
Đối với các nhiệm vụ từ đây đến năm 2025 là:
Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển.
Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:
Định kỳ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về biển, hải đảo theo hướng ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, BVMT, phát huy văn minh sinh thái biển, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế, hiệu quả đầu tư công của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển bền vững kinh tế biển; phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ QLTH TN,BVMT biển và hải đảo.
Tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức và vận hành hệ thống cơ quan QLNN tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương; Định kỳ hằng năm đánh giá chỉ số tổng hợp quản trị biển và hải đảo của các tỉnh, thành phố ven biển theo chuẩn mực quốc tế làm cơ sở tăng cường QLTH TN,BVMT biển và hải đảo.
Đến năm 2025:
Kiện toàn Cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; giao Bộ TN&MT làm cơ quan thường trực, giúp việc cơ quan điều phối; thành lập Văn phòng thường trực tại Tổng cục B&HĐ Việt Nam.
Kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển ở các địa phương có biển do Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người đứng đầu và tăng cường cơ sở vật chất, năng lực QLNN THTN về B&HĐ cho Chi cục quản lý biển và hải đảo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Đánh giá tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về B&HĐ. Tổng kết việc thi hành và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật TN,MT B&HĐ; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở xây dựng các dự án luật có liên quan về quản lý vùng bờ, khai thác, sử dụng các vùng biển và quản lý các hải đảo; xây dựng các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý hoạt động lấn biển, quản lý hải đảo, quản lý đất ngập nước ven biển; xây dựng bộ tiêu chí, chỉ tiêu thống kê quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển, bộ tiêu chí và chỉ số tổng hợp quản lý vùng biển cấp tỉnh, thành phố ven biển theo chuẩn mực quốc tế.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW; trọng tâm là lập Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, làm công tác điều tra cơ bản và QLTH&TN về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược QLTH đới bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở xây dựng và ban hành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT B&HĐ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đa dạng hoá hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tri thức về biển và hải đảo tới nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình truyền thông về B&HĐ đến năm 2030.
ThS. NGUYỄN KHÁNH LY
Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội