Quản lý, thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ và một số đề xuất thực hiện mô hình quản lý
30/07/2024TN&MTViệc thải bỏ và thu gom phương tiện giao thông thải bỏ nhằm thúc đẩy tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nước ta đã có hệ thống chính sách pháp luật để quản lý vấn đề này, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều kẽ hở, song song với đó còn nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Những chiếc xe máy thải bỏ đang thách thức với môi trường
Đã có hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến thải bỏ, thu hồi, tái chế
Về sản xuất nhập khẩu: Luật GTĐB 2008; Thông tư số 24/2023/TT-BCA; Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, Thông tư số 13/2022/TT; BTC về lệ phí trước bạ; Thông tư số 04/2021/TT-BTC về phí bảo hiểm.
Về lưu thông: Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định ATKT và BVMT; Thông tư số 238/2016/TT-BTC và Thông tư số 55/2022/TT-BTC về lệ phí đăng kiểm; Thông tư số 20/2021/TT-BTC về phí đường bộ.
Về thải bỏ: Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 1/7/2023 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.
Về tái chế: Luật BVMT 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Về xử lý: Đã có Luật BVMT 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Nhà nước đã đưa ra chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ như: Nghị quyết số 41-NQ/TW Về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (năm 2004); Luật Bảo vệ môi trường (năm 2005); Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT (năm 2013); Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg Quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (năm 2015); Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT Quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (2017); Luật BVMT số 72/2020/QH14 Quy định chi tiết hơn và đồng bộ hóa hệ thống thúc đẩy EPR tại Việt Nam (năm 2020); Quyết định số 450/QĐ-TTg Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị định số 08/2022/NĐ- CP (năm 2022); Luật BVMT 2014 và văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, các quy định pháp luật trong giai đoạn đến năm 2020 là chưa triệt để. Các văn bản pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc xác định các sản phẩm, bao bì thải bỏ phải được thu gom, tái chế, xử lý; quy định trách nhiệm của nhà sản xuất trong thiết lập các điểm thu gom, trách nhiệm của người tiêu dùng sau khi thải bỏ.
Chưa có các quy định tỷ lệ bắt buộc phải thu gom để tái chế và quy cách tái chế cũng như chưa đưa ra được một cơ chế vận hành hệ thống một cách hiệu quả, thông suốt. Có thể nói, mô hình EPR trong hơn 15 năm qua là mô hình EPR tự nguyện, vì vậy, từ năm 2005 đến 2020, quy định EPR chưa được thực hiện hiệu quả.
Luật Bảo vệ môi trường 2020; Điều 77 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, nhà sản xuất, nhập khẩu, phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế phương tiện giao thông sau khi thảo bỏ theo tỷ lệ bắt buộc. Theo đó, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe, máy chuyên dùng phải được thu hồi sau sử dụng, bao gồm 2 nhóm với 6 tiểu nhóm sản phẩm.
Theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), về cơ bản, chính sách pháp luật về quản lý việc sử dụng phương tiện giao thông tương đối đầy đủ, là công cụ thuận lợi cho các cơ quan chức năng tại trung ương và địa phương thực hiện công tác quản lý. Cơ chế tài chính đối với phương tiện giao thông được quy định cụ thể. Cơ chế mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) đã tiếp tục được cụ thể hóa hơn đối với phương tiện giao thông. Đối với phương tiện thải bỏ, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đã đặt vấn đề yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng. Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật đã quy định những điểm mới để thực hiện hiệu quả cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với tái chế, xử lý chất thải.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thì, ở nhiều nước phát triển, đặc biệt tại các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô được coi là thiết yếu, các chính sách liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được xây dựng. Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là một cách tiếp cận chính sách dựa trên việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với các sản phẩm - không chỉ trong giai đoạn sử dụng mà cả khi sản phẩm của họ đã trở thành chất thải. Đây là cách tiếp cận chính sách hiệu quả để hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường.
Nhưng vẫn còn một số bất cập
Thực tế cho thấy, nước ta còn thiếu hụt quy định về các chứng nhận bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi mua, bán phương tiện đã qua sử dụng. Chưa có quy định nào liên quan đến xe đã hết niên hạn sử dụng trong quy định về nộp lệ phí trước bạ. Pháp luật hiện hành về kiểm định tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vẫn còn thiếu xe máy - phương tiện thông dụng nhất ở Việt Nam. Chưa có quy định xử phạt hành chính vi phạm tiêu chuẩn khí thải xe máy. Các loại thuế, phí hiện nay chưa thực sự hướng tới thúc đẩy người sử dụng thải bỏ hợp lý các phương tiện giao thông. Chưa có quy định về cơ chế thải bỏ, thu hồi các phương tiện giao thông. Còn thiếu các cơ chế, quy định thúc đẩy người sử dụng đem ô tô, xe máy hết hạn, thải bỏ giao cho các nhà sản xuất, nhập khẩu để mang đi tái chế.
Chưa có chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện giao thông hết niên hạn nhưng không làm thủ tục thu hồi biển số và đăng ký; các cơ sở tháo dỡ, tái chế, xử lý không có giấy phép môi trường; các cơ sở có giấy phép nhưng không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
Hiện tại, ở Việt Nam chưa có các quy định riêng về quản lý và tái chế phương tiện giao thông hay các chính sách để hỗ trợ người dân có trách nhiệm thải bỏ đúng cách. Số liệu thống kê về phương tiện giao thông thải bỏ trên thực tế chưa được thống kê.
Trong thực tế hiện nay, việc thu hồi, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ chủ yếu được thực hiện bởi khu vực phi chính thức, là các cơ sở ở các làng nghề thu gom, tháo dỡ, tái chế. Trong khi đó, dòng phương tiện giao thông ở nước ta tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua với tỉ lệ sở hữu phương tiện giao thông đường bộ tăng mạnh với khoảng 70 triệu xe mô tô/xe gắn máy, 5-6 triệu xe ô tô đang lưu hành. Điều này đang đặt ra những thách thức lớn trong việc thực thi quy định pháp luật.
Đề xuất mô hình quản lý
Cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về giao thông đường bộ. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về tài chính; Hoàn thiện pháp luật về môi trường; Giải pháp về tổ chức thực thi pháp luật; Các giải pháp khác,..
Sửa đổi, bổ sung pháp luật về giao thông đường bộ: Nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thải bỏ phương tiện không đáp ứng quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với loại phương tiện giao thông đường bộ.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định cho phép chủ phương tiện được ủy quyền cho cơ sở thu gom, tháo dỡ, tái chế, xử lý thực hiện thủ tục thu hồi đăng ký và biển số thay cho chủ phương tiện; cho phép việc thu hồi đăng ký và biển số được thực hiện tại cơ quan đăng ký xe hoặc công an cấp xã tại địa phương nơi cơ sở thu gom, tháo dỡ, tái chế, xử lý có trụ sở hoạt động đối với tất cả các phương tiện giao thông thải bỏ có đăng ký từ các địa phương trên cả nước.
Xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đăng ký và thu hồi đăng ký, biển số của phương tiện giao thông, phục vụ kết nối dữ liệu với các Bộ, ngành, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin EPR quốc gia.
Ngoài ra, cần có các giải pháp thực hiện như sử đổi, bổ sung pháp luật về tài chính. Trong đó cần nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi quy định về lệ phí đăng kiểm, theo hướng tăng lũy tiến lệ phí đăng kiểm, phí đường bộ đối với ô tô các loại sau 20 năm kể từ năm sản xuất; bổ sung lệ phí, phí đường bộ đối với xe máy sau 25 năm kể từ năm sản xuất sau khi có quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Nghiên cứu, sửa đổi ban hành bảng giá tính lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy theo hướng theo hướng có ưu đãi đối với người tiêu dùng có Phiếu xác nhận thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy trình trước khi bán đấu giá tài sản đơn giản hóa, rút gọn quy trình, thủ tục đấu giá tài sản, phương tiện tịch thu. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế người tiêu dùng nộp phí một phần để góp phần thu gom phương tiện giao thông thải bỏ.
Song song với đó là hoàn thiện pháp luật về môi trường, Bộ TN&MT xây dựng và quản lý, vận hành Cổng thông tin EPR, trong đó bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin về phương tiện giao thông thải bỏ đến cơ sở dữ liệu của cơ quan liên quan. Bộ TN&MT tổ chức xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật về tháo dỡ, tái chế, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bộ TN&MT xây dựng, ban hành quy trình cấp Giấy chứng nhận thải bỏ phương tiện giao thông và trách nhiệm các cơ sở tháo dỡ, tái chế.
Bộ Công an chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả quy định tại Thông tư số 24/2023/TT-BCA quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Bộ TN&MT tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tháo dỡ, tái chế, xử lý các phương tiện giao thông thải bỏ; đóng cửa các cơ sở thu mua, cơ sở tháo dỡ, tái chế, xử lý không có giấy phép môi trường; xử phạt các cơ sở có giấy phép nhưng không bảo đảm yêu cầu về môi trường trong quá trình hoạt động.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện giáo dục và tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng về việc thải bỏ phương tiện giao thông đúng quy định. Đồng thời, thực hiện các hoạt động tháo dỡ, tái chế phù hợp yêu cầu về Bảo vệ môi trường, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 77, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông có trách nhiệm thu hồi, tái chế các loại phương tiện giao thông cũ thải bỏ từ ngày 1/1/2027. Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông trước ngày 1/1/2025. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hạnh Ngân