Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và vai trò của doanh nghiệp
30/07/2024TN&MTĐó là chủ đề của Diễn đàn Môi trường lần thứ 3 năm 2024 do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới hơn 60 điểm cầu trên toàn quốc. Diễn đàn nhằm tích cực phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để định hướng cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong quản lý, đầu tư và phân loại rác tại nguồn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hướng đến phát triển bền vững.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Diễn đàn Môi trường năm 2024
Tại Diễn đàn, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với công tác quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ tình hình thực tế tại Việt Nam, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đại diện các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp môi trường đã đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT: Quá trình đô thị hóa cùng với gia tăng dân số và phát triển kinh tế mạnh mẽ đang khiến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam gia tăng nhanh chóng, ước tính đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm qua. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên 67.877,34 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị phát sinh 38.143,05 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 56,19%; khu vực nông thôn phát sinh 29.734,30 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 43,81%.
Hiện tại, hệ thống quản lý chất thải rắn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các nguyên nhân gồm: Thiếu các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh; thiếu phương pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến, phù hợp và nguồn lực phân bổ cho công tác quản lý chất thải rắn vẫn còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thúc đẩy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến nền kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.
GS. TS. Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: Việt Nam cần xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt để làm căn cứ cho việc đánh giá lựa chọn công nghệ. Các tiêu chí đánh giá này nên tập trung vào kỹ thuật sao cho phù hợp với kinh tế và môi trường bản địa. Đặc biệt, cần đưa ra tiêu chí khuyến khích các công nghệ hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Hơn nữa, trong quá trình lựa chọn, cần đánh giá chặt chẽ tính khả thi, bền vững của công nghệ được xem xét. Đối với các dự án đầu tư, cần chú ý đến các yếu tố có thể dẫn đến sự cố môi trường, ảnh hưởng đến sức chịu tải của môi trường.
Công nghệ xử lý chất thải rắn cần được triển khai phù hợp với yêu cầu của từng địa phương. Đồng thời, chú ý kết hợp công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ tái chế chất thải rắn thành phân hữu cơ vi sinh hay công nghệ đốt để giảm tối thiểu việc chôn lấp, nhằm kéo dài tuổi thọ của bãi chôn. Cho nên, công nghệ xử lý trên phải phù hợp với vùng đô thị, vùng đô thị xen lẫn nông thôn, đồng bằng, trung du và miền núi”. Bên cạnh đó, cũng nên có mô hình xử lý khu liên hợp cấp huyện theo liên xã, liên vùng với các khu tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại. Việc kết hợp này nhằm giảm thể tích chất thải (nhiệt, đóng rắn) và hạn chế các trường hợp chôn lấp chất thải không qua xử lý, hợp vệ sinh.
Ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị): Trong những năm qua, công tác thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện đã mang lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực BVMT, tạo chuyển biến về ý thức và hành động của nhân dân trong việc BVMT,…
Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn huyện còn tồn tại một số hạn chế như: Rác thải chưa được phân loại tại nguồn, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm tỷ trọng lớn gây khó khăn cho quá trình xử lý; rác thải tại một số nơi công cộng, điểm tham quan vào mùa du lịch chưa được thu gom triệt để do một bộ phận khách du lịch chưa có ý thức xả rác thải đúng nơi quy định, thùng rác đặt tại các điểm chưa đáp ứng được yêu cầu; rác thải bãi biển phát sinh với khối lượng lớn, tần suất thu gom còn hạn chế, chưa thu gom triệt để rác thải phát sinh; thành phần rác thải đa dạng, có nhiều loại khó xử lý, bên cạnh đó, rác thải chưa được phân loại gây khó khăn cho công tác xử lý; nguồn lực dành cho thu gom, xử lý rác thải còn rất hạn chế, chủ yếu là nguồn ngân sách Nhà nước, chưa có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, nhân dân trên địa bàn huyện, các chính sách xã hội hóa nguồn vốn cho công tác BVMT còn rất hạn chế; ý thức BVMT của một bộ phận nhân dân, khách du lịch còn hạn chế; rác thải chưa được phân loại tại nguồn, nhận thức và cách làm về phân loại rác thải tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn trên địa bàn huyện nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững; giảm nguy cơ về ô nhiễm môi trường do việc đốt rác không được phân loại, kéo theo thời gian sử dụng của lò đốt. Tận dụng được các thành phần có ích trong rác thải sinh hoạt thông qua tái chế, tái sử dụng. Góp phần thực hiện từng bước công tác xã hội hóa hoạt động BVMT, giảm chi ngân sách nhà nước cho hoạt động môi trường. Nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải. Nâng cao nhận thức cho chính người thải rác thải ra môi trường, đặc biệt là thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng quy định coi phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm và quyền lợi của từng người dân nhằm góp phần BVMT, bảo vệ sức khỏe, xây dựng nếp sống văn minh. Huyện đảo Cồn Cỏ đề xuất một số nhiệm vụ, hoạt động nhằm xây dựng ý thức phân loại rác thải tại nguồn đối với các hộ dân cư, các cơ quan, tổ chức và khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ; xây dựng đảo xanh Cồn Cỏ; giảm lượng rác thải đổ ra biển, bảo vệ hệ sinh thái biển tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thông qua các hoạt động tăng cường thu gom, phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả phù hợp.
Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang: An Giang là tỉnh có quy mô dân số đứng thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 1,92 triệu dân), theo ước tính lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 156/156 xã, phường, thị trấn của tỉnh khoảng 1.220 tấn/ngày.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang - là đơn vị duy nhất thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của tỉnh. Công ty có 10 Xí nghiệp Môi trường đô thị cấp huyện (thành phố Long Xuyên không thành lập Xí nghiệp) thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý lượng rác thải phát sinh cho từng địa phương ước khoảng 931,56 tấn/ngày (đạt 76,39%), trong đó, khoảng 879,04 tấn được xử lý (bằng hình thức chôn lấp) tại 06 cụm xử lý. Tuy nhiên, do lượng rác phát sinh và thu gom lớn, trong khi các khu xử lý rác của tỉnh hiện đã quá tải. Do đó, khi áp dụng Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên gặp nhiều khó khăn.
Tỷ lệ người dân đóng phí thu gom, vận chuyển CTRSH còn thấp, chi phí thu chưa đạt theo số hộ thực tế tại địa phương đã thống kê, nên gây khó khăn cho ngân sách trong việc chi trả, thanh toán chi phí thu gom và xử lý chất thải rắn. Các định mức về suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý CTRSH tại Quyết định số 1354/QĐ-BXD ngày 29/12/2017 của Bộ Xây dựng không còn phù hợp với thực tế, tuy nhiên, Trung ương chưa có quy định thay thế để các địa phương áp dụng cho phù hợp.
Sở TN&MT tỉnh An Giang đề xuất Bộ TN&MT xây dựng cơ chế đặc thù đối với một số địa phương trong việc xử lý CTRSH: Tiếp tục thực hiện xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh trong trường hợp chưa xây dựng Nhà máy xử lý CTRSH để xử lý CTRSH; ưu tiên, ưu đãi trong việc đầu tư xây dựng dự án xử lý rác thải nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này, góp phần xử lý rác thải, giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với các định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH: Phạm vi áp dụng của các quy trình cần xem xét đến các yếu tố như: điều kiện tự nhiên, đặc điểm phân bố dân cư, văn hóa - xã hội để quy định phù hợp với các địa phương (một số địa phương đặc thù có nhiều sông ngòi, kênh rạch, nhà nổi, bè cá và các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới,…). Quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế tại ngõ xóm, hẻm, đường phố bằng cơ giới, vận chuyển đến trạm phân loại hoặc cơ sở phân loại, tái chế cần thiết được xem xét, ban hành..
HÀ ANH
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11+12 năm 2024