Phát triển, vận hành thị trường các-bon, giảm phát thải khí nhà kính
12/08/2024TN&MTViệc phát triển thị trường các bon là một trong những vấn đề cần triển khai sớm như trong quy định của luật Bảo vệ Môi trường 2020. Hình thành được thị trường các bon trong nước, chúng ta có những cơ hội và thách thức để thị trường vận hành đầy đủ.
Nắm bắt cơ hội, vận hành thị trường các-bon
Theo quy định của luật BVMT và Nghị định 06/2022/NĐCP của Chính phủ, hàng hóa giao dịch trên thị trường bao gồm cả hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK) và tín chỉ các-bon. Đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước bao gồm: Các cơ sở phát thải KNK trong danh mục kiểm kê KNK do Chính phủ ban hành; tổ chức tham gia cơ chế thực hiện trao đổi, bù trừ tín chỉ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định pháp luật trong nước và điều ước quốc tế Việt Nam tham gia; tổ chức và cá nhân khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải KNK, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon. Tuy nhiên, theo PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Nghị định 06/2022/NĐ-CP mới quy định chung, chưa nói rõ phạm vi, đối tượng chi tiết tham gia hai giai đoạn gồm giai đoạn thí điểm và giai đoạn vận hành chính thức, do vậy cần có sự cụ thể hóa, tham gia các bộ ngành và cơ quan liên quan để chi tiết hóa đối với đề án. Theo dự thảo của đề án phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam có 3 giai đoạn chính: Giai đoạn 2023-2024 tạo cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng và chuẩn bị nguồn lực vận hành thị trường các-bon; giai đoạn 2025-2027 sàn giao dịch các-bon được vận hành thí điểm, hoàn thiện cơ sở pháp luật và hạ tầng phục vụ vận hành thị trường các-bon được hoàn hiện; giai đoạn từ năm 2028 sàn giao dịch các-bon trong nước chính thức hoạt động và bước đầu kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối thị trường các-bon trong nước với khu vực và thế giới, năng lực quản lý, tổ chức và năng lực nhận thức tham gia thị trường các-bon của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu kết nối thị trường các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.
Thực trạng hiện nay thị trường các-bon trong nước chưa được hình thành, quá trình chuẩn bị đề án đang trong giai đoạn hoàn thiện, tuy nhiên giao dịch thị trường tín chỉ các-bon với một số tổ chức trên thế giới đã diễn ra đối với một số lĩnh vực như tín chỉ các-bon rừng với mức giá còn khiêm tốn so với tín chỉ các-bon giao dịch trên thị trường thế giới cụ thể mới đây “Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB). Việt Nam đã nhận đủ 51,5 triệu USD, tương đương gần 1.200 tỷ đồng”. Trước thực tế đang diễn ra, đòi hỏi phải sớm vận hành thị trường các-bon ở Việt Nam. Cơ hội Phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam hiện nay chúng ta cần nắm bắt được những cơ hội để có những quyết sách đưa thị trường loại này vào vận hành sớm nhằm giảm phát thải KNK, phát huy được những lợi thế tiềm năng của Việt Nam, thay đổi cơ bản công cụ quản lý của nhà nước dựa vào thị trường trong ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện những cam kết với thế giới hướng đến phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Cũng theo PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Nghị quyết 24 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 05/NQ-CP ngày của Chính phủ thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng giao “Bộ TN&MT chủ trì xây dựng đề án phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam”. Như vậy chủ trương của Đảng là cơ hội để triển khai thực hiện phát triển thị trường các-bon, là căn cứ để Chính phủ triển khai thực hiện cũng như hành động của người dân và doanh nghiệp. Đối với chính sách pháp luật của nhà nước được thể hiện rõ nhất là tại khoản 9 Điều 139, Luật BVMT, luật số 72/ 2020/QH14 chỉ rõ “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan thành lập thị trường các-bon trong nước”. Như vậy, vai trò chủ trì thực hiện phát triển thị trường các-bon là Bộ Tài chính, đối với Bộ TN&MT khoản 8 Điều 139 quy định “Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải KNK theo giai đoạn và hằng năm”. Như vậy pháp luật quy định rõ hai Bộ Tài chính và TN&MT có vai trò quan trọng nhất đối với phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam.
Việc cam kết của Việt Nam tại COP26 đến năm 2050 phát thải ròng bằng không là cơ hội tốt để phát triển thị trường các-bon, bởi lẽ giao dịch thị trường tín chỉ các-bon là căn cứ để tính toán định lượng các-bon thông qua giá cả trên thị trường. Mặt khác trong điều kiện thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường là thước đo hiệu quả để chúng ta có căn cứ cung cấp thông tin cho hoạch định chính sách đúng đối với lộ trình giảm nhẹ các-bon từ nay đến năm 2050. Việc phát triển thị trường các-bon là cơ hội để Việt Nam Hội nhập với xu hướng chung của thế giới.
Phát triển thị trường các-bon
Thị trường các-bon trong nước của Việt Nam gồm hai loại hàng hóa là hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon. Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ TN&MT đã làm rõ các đối tượng tham gia trao đổi hai loại hàng hóa này. Cụ thể, đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải KNK là cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK. Đối tượng tham gia trao đổi tín chỉ các-bon gồm: Các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK; các tổ chức có chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon.
Đối với Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ các-bon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải KNK đang trong quá trình thiết lập. Vì vậy, việc quy định rõ hơn các đối tượng tham gia nhằm tăng tính ổn định cho thị trường khi đưa vào vận hành. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định mới cũng bổ sung Điều 20 quy định các Bộ quản lý lĩnh vực có trách nhiệm công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ các-bon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) cấp lĩnh vực, cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý lĩnh vực.
Hiện nay, trên thực tế đã có nhiều giao dịch tín chỉ các-bon thông qua hình thức thỏa thuận hợp đồng hoặc bán lại trên sàn giao dịch tự nguyện quốc tế, nhưng chưa thực hiện các yêu cầu về báo cáo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Vì vậy, để quản lý thống nhất hạn ngạch và tín chỉ các-bon, các hoạt động giao dịch tín chỉ các-bon, Bộ TN&MT đã bổ sung trong dự thảo Nghị định mới nội dung về Hệ thống đăng ký quốc gia. Theo đó, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia; ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và vận hành Hệ thống đăng ký quốc gia. Hệ thống được kết nối với Sàn giao dịch các-bon, hệ thống đăng ký của các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ đề xuất sửa đổi Điều 17 về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước. Theo đó: Giai đoạn đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành Sàn giao dịch các-bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm Sàn giao dịch các-bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon. Giai đoạn từ năm 2028 đến hết năm 2030: Tổ chức vận hành sàn giao dịch các-bon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới; Quy định các sản phẩm tài chính dựa trên hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon được trao đổi trên Sàn giao dịch các-bon. Giai đoạn sau năm 2030: Mở rộng đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước; Kết nối thị trường các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Trong Dự thảo, Bộ TN&MT đã bổ sung chi tiết quy định về các hoạt động trên sàn giao dịch các-bon, bao gồm: Mua, bán, đấu giá hạn ngạch, và mua, bán tín chỉ các-bon,…
NGUYỄN HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 11+12 năm 2024