Phân vùng sử dụng không gian biển để khai thác và sử dụng bền vững
15/10/2022TN&MTNội dung quy hoạch không gian biển quốc gia xác định việc phân vùng chức năng, sắp xếp, phân bổ và tổ chức không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Theo đó Dự thảo Quy hoạch không gian biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã phân vùng sử dụng không gian biển thành 5 vùng: Vùng cần bảo vệ đặc biệt; Vùng dễ bị tổn thương và khai thác có điều kiện; Vùng khuyến khích phát triển; Vùng sử dụng đa mục tiêu và Vùng tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch.
2 nguyên tắc phân vùng không gian biển
Dự thảo đưa ra 2 nguyên tắc phân vùng không gian biển. Đó là việc phân vùng phải căn cứ quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển; định hướng bố trí sử dụng không gian biển; yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phân vùng phải dựa vào điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái, lợi thế so sánh, nhu cầu sử dụng của các ngành kinh tế biển, có tính liên vùng, liên địa phương theo phương thức quản lý tổng hợp.
Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, căn cứ thực trạng và nhu cần khai thác, sử dụng, quản lý biển Việt Nam, dự thảo đưa ra phân vùng sử dụng biển được tiến hành dựa trên một số tiêu chí chính. Đó là: đảm bảo quốc phòng - an ninh; tầm quan trọng về kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử; giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và bảo tồn; điều kiện tự nhiên, yếu tố môi trường.
5 vùng không gian biển
Trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí phân vùng, dự thảo Quy hoạch đưa ra loại vùng sử dụng.
Vùng cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái gồm: Khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc phòng; Các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của 40 khu bảo tồn biển theo quy hoạch; Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu cư trú, thả rạn nhân tạo và vùng bảo vệ nguồn giống thủy sản tiềm năng, gồm 56 khu vực.
Vùng dễ bị tổn thương và khai thác có điều kiện gồm: Các phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm của các khu bảo tồn biển; Vùng biển có thể khai thác, sử dụng nhưng phải được Bộ Quốc phòng cho phép (45 vùng); Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn (37 khu vực).
Đối với vùng khuyến khích phát triển, tất cả các địa phương ven biển đều được khai thác sử dụng biển bảo đảm phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc phân vùng sử dụng biển. Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái, lợi thế so sánh của các ngành kinh tế, ưu tiên phát triển các vùng: Vùng ưu tiên phát triển du lịch (5 vùng); Vùng ưu tiên phát triển cảng (31 vùng); Vùng ưu tiên khai thác khoáng sản biển (36 vùng); Vùng ưu tiên nuôi trồng hải sản (12 vùng); Vùng ưu tiên phát triển điện gió (10 vùng); Vùng ưu tiên khai thác hải sản (9 vùng).
Vùng sử dụng đa mục tiêu là vùng biển còn lại trừ các loại vùng nằm trong phạm vi quy hoạch. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động phát triển kinh tế biển bền vững trên cơ sở điều tra, nghiên cứu, khảo sát và đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ tài nguyên môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Vùng tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch bao gồm: Vùng thềm lục địa mở rộng; vùng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Vùng nước lịch sử Việt Nam – Campuchia.
Ba trọng điểm phát triển kinh tế biển
Dự thảo phân ra 3 vùng gồm: vùng biển và ven biển phía Bắc; Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Phía Bắc: Hải Phòng- Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển
Theo dự thảo Quy hoạch, sẽ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển phía Bắc với khu vực trọng điểm phát triển ở Hải Phòng- Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện - Đình Vũ (Hải Phòng)- Yên Hưng - Cái Lân - Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Quảng Ninh với khu du lịch trọng điểm quốc gia Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới. Phát triển các đô thị vừa và nhỏ dọc ven biển và theo các tuyến hành lang ven biển, hình thành một mạng lưới các đô thị vệ tinh để hỗ trợ các đô thị trung tâm như Hải Phòng, Hạ Long, thúc đẩy công nghiệp hoá nông thôn, đồng thời hạn chế việc di chuyển quá mức dân cư và lao động nông thôn vào các đô thị lớn. Tiếp tục đổi mới cơ cấu nghề khai thác hải sản, phát triển hiệu quả các nghề khai thác hải sản vùng khơi gắn với các ngư trường vịnh Bắc Bộ và vùng tiếp giáp ngư trường quần đảo Hoàng Sa.
Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với Trung tâm nghề cá lớn Hải Phòng được đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hoạt động trong ngư trường vịnh Bắc Bộ, đóng sửa tàu cá. Phát triển nuôi trồng thủy hải sản tại các vùng đất ven biển, trong vùng với bảo tồn biển và du lịch quốc gia; xây dựng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước; khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, năng suất cao, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung Bộ: Phát triển cảng biển và công nghiệp biển
Định hướng phát triển cho vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung là phát triển cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với khu công nghiệp liên hiệp dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch.
Phát triển công nghiệp biển gắn với thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế ven biển (Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Hòn La, Đông Nam Quảng Trị, Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong). Phát triển các trung tâm du lịch biển lớn gắn với các khu du lịch quốc gia trọng điểm tại các địa phương ven biển là Phong Nha - Kẻ Bàng, Hội An - Cù Lao Chàm và Bắc Cam Ranh. Hình thành nhiều trung tâm phát triển có quy mô vừa và nhỏ, phân bố hợp lý, không quá tập trung vào các thành phố lớn. Kết hợp giữa phát triển có trọng điểm chuỗi đô thị ven biển trong vùng với việc hình thành một số chuỗi đô thị quy mô nhỏ hơn, đồng thời phát triển các đô thị vệ tinh ở phía Tây, để hỗ trợ sự nghiệp công nghiệp hoá nông thôn và hạn chế di dân ồ ạt, thiếu tổ chức vào các đô thị lớn.
Phát triển hiệu quả khai thác hải sản vùng khơi, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương, nghề vây, nghề chụp. Tổ chức lại khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác, lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi nghề từ khai thác hải sản sang phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, dịch vụ du lịch sinh thái biển đồng thời khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với các hoạt động giáo dục, tham quan, du lịch. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản tại các vùng đất liền ven biển và trên biển, gắn với các hoạt động giáo dục, tham quan, du lịch sinh thái biển. Củng cố, đầu tư nâng cấp các Trung tâm sản xuất giống thủy sản tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ trở thành trung tâm sản xuất tôm giống và giống nuôi biển của cả nước.
Đầu tư nâng cấp phát triển Trung tâm nghề cá lớn Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Trung tâm nghề cá lớn Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa, chú trọng tăng cường hoạt động đóng sửa tàu cá. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời tại tại các vùng biển, đảo có tiềm năng, trước hết tại các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đông Nam bộ: Hàng hải, dầu khí và du lịch biển
Tại vùng biển và ven biển Đông Nam bộ, dự thảo quy hoạch đưa ra định hướng phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ đảm bảo an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí; phát triển du lịch biển quốc tế.
Ưu tiên phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển tại Thành phố Hồ Chí Minh như du lịch biển, năng lượng tái tạo; từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển, bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế truyền thống. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm hướng ra biển, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam Bộ và nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan.
Phát triển hiệu quả khai thác hải sản vùng khơi, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Tổ chức hợp lý các nghề khai thác thủy sản vùng lộng, vùng ven bờ và duy trì khai thác thủy sản nội địa. Ap dụng phương thức nuôi công nghiệp, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường, áp dụng mô hình đồng quản lý ở vùng bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn ven biển; phát triển nuôi trồng thủy sinh vật cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu. d) Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ: Phát triển công nghiệp dầu khí, điện khí, năng lượng tái tạo (Bạc Liêu, Cà Mau).
Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản trên các vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Phát triển nuôi tôm nước lợ theo mô hình công nghiệp, công nghệ hiện đại, siêu thâm canh, năng suất cao; mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường. Phát triển nuôi sinh thái, hữu cơ tại các vùng rừng ngập mặn, vùng tôm- lúa nhiễm mặn ven biển, gắn kết hài hòa với du lịch sinh thái biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi; áp dụng mô hình đồng quản lý ở vùng rừng ngập mặn ven biển. Xây dựng thành phố Cà Mau và Rạch Giá trở thành những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, xứng tầm đô thị vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, làm căn cứ vững chắc để đẩy mạnh khai thác toàn diện vùng biển Tây Nam. Đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế, phục vụ phát triển các vùng kinh tế biển.
Thành lập mới 4 khu bảo tồn biển
Đối với các khu bảo tồn biển, dự thảo quy hoạch định hướng tăng cường nâng cấp 12 khu bảo tồn biển đã được thiết lập và đưa vào hoạt động. Thành lập đưa vào hoạt động 4 khu bảo tồn biển trước năm 2025, bao gồm: Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Trà, Nam Yết và Phú Quý. Quy hoạch các khu bảo tồn biển mới, hướng tới mục tiêu đưa 40 khu vào hoạt động hiệu quả.
Đoàn Nhật Nam