Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn: Chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ nhằm “xanh hóa” môi trường
19/03/2024TN&MTĐể chính sách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai hiệu quả trong cuộc sống từ ngày 31/12/2024, công tác chuẩn bị cần phải nghiêm túc, đồng bộ từ các khâu thu gom tới xử lý, trong đó có việc tuyên truyền để thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức.
Phân loại rác: Cần kíp và cấp bách
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị có xu hướng tăng trung bình từ 10% - 16%. Trong đó, tỷ lệ thu gom rác thải tại các đô thị bình quân trên cả nước chỉ đạt khoảng 70% - 85%.
Hiện nay, trên toàn quốc lượng chất thải sinh hoạt ở các khu đô thị phát sinh 38.000 tấn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý hơn 85%. Con số này ở nông thôn là 32.000 tấn mỗi ngày và chỉ thu gom được khoảng 55%. Rác thải sinh hoạt có ảnh hưởng tới nhiều mặt của môi trường, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay.
Vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải
Phân loại rác thải là việc làm cần thiết giúp bảo vệ môi trường sống của chúng ta ngày càng tốt hơn, tươi xanh và sạch đẹp hơn. Nếu phân loại đúng sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho mỗi cơ thể sống trên hành tinh này.
Rác thải sinh hoạt hiện nay được chia thành 03 loại chính: Rác hữu cơ là những phần thực phẩm thừa, cá thịt, hay các loại rau củ trong bữa ăn hàng ngày. Rác vô cơ là những loại rác không thể sử dụng và cũng không thể tái chế được bao gồm các loại vỏ sò, vỏ trứng, vỏ ốc, đồ cao su, ly, chén, cốc, bình thủy tinh bị vỡ, gỗ đá, gạch,…Rác tái chế là rác gần giống với rác vô cơ như chai nước nhựa, các cốc lọ đã qua sử dụng. Điểm khác biệt ở đây chính là bởi vì loại rác này chúng ta có thể tái chế chúng một cách dễ dàng.
Cứ một phút ta tiêu thụ khoảng 1 triệu chai nhựa và 5000 tỷ túi nilon. Một con số khiến ta phải “hoảng hốt”. Bởi lẽ trong số rác được thải ra thì chỉ có 9% được tái chế, 12 % bị đốt và 79% bị vứt ra ngoài môi trường. Dự báo năm 2050 sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp hoặc xả thẳng ra đại dương.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam chia sẻ, trong những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng, khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay, tổng sản lượng ngành nhựa khoảng 25 tỷ USD, xuất khẩu năm 2023 khoảng 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ tăng mạnh đồng nghĩa với việc lượng rác thải cho ra môi trường cũng rất lớn.
Cũng theo ông Hoàng Đức Vượng, với lượng tiêu thụ tăng mạnh, lượng rác thải nhựa ra môi trường là rất lớn và tăng hàng ngày. Với khối lượng lớn rác thải nhựa khó tái chế, giá trị thấp như bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng một lần,…không được tái chế, đổ ra bãi rác chôn lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Điều này đã tạo ra gánh nặng lớn đến môi trường. Thực tế đã chứng minh, chất lượng không khí ở nước ta ngày càng ô nhiễm. Tại Hà Nội, ứng dụng IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng top đầu thế giới.
Hình thành được thói quen phân loại rác thải từ nguồn
Đây thực sự là một bài toán đang trong quá trình đi tìm lời giải, để xây dựng nên một thói quen vốn dĩ không phải là ngày một, ngày hai. Đây còn là cả quá trình đi từng bước từ nhận thức đến hành động của người dân về hành động nhằm bảo vệ môi trường này.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, cũng như những lợi ích của việc phân loại rác mang tới cho môi trường. Hiểu được quy trình phân loại rác thải sinh hoạt, bằng các hoạt động tuyên truyền đến gần với người dân từ các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, thậm chí là các khu chợ dân sinh, trung tâm thương mại,…
Các địa phương, cơ sở cần có phương án cung cấp đầy đủ hạ tầng, xây dựng các khu vực phân loại rác ở mọi nơi, để tạo ra sự thuận tiện cho người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải quản lý nhằm hạn chế sự phát triển của các bãi rác tự phát, có biện pháp xử lý với các trường hợp đổ rác bừa bãi. Áp dụng công nghệ vào công tác tuyên truyền, và quản lý giám sát việc phân loại, thu gom và xử lý rác,...
Đặc biệt, phải thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới. Các cán bộ, công nhân viên, chức, những người có uy tín trong cộng đồng cần phải gương mẫu trong việc phân loại rác. Đưa phân loại rác vào trong các hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh từ bậc mầm non, tiểu học đến sinh viên để các em có được sự nhận thức từ sớm về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó cả chính quyền địa phương vào cuộc: Tự giác, chủ động, sáng tạo và phát triển các mô hình để phù hợp với địa phương. Quan trọng nhất là mỗi một cá nhân phải luôn tự ý thức, tự hành động, tự mình tham gia vào quá trình phân loại rác để góp phần xây dựng thói quen cho bản thân, gia đình, mà còn rộng hơn là thói quen cho cả xã hội đang góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Điểm sáng về công tác phân loại rác thải ở Phú Yên
Từ năm 2022, để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên, các tổ chức đoàn thể tỉnh Phú Yên xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp (gọi tắt là dự án) nhằm thí điểm việc phân loại rác tại chợ Phường 7, tiến tới việc thu gom riêng và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp ủ có sục khí tại bãi rác Thọ Vức.
Ý thức người dân Phú Yên đã thay đổi rõ nét và thể hiện bằng hành động
Với mô hình này đã được lên kế hoạch, phân đoạn: Giai đoạn 1, dự án đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên tổ chức các lớp tập huấn cho 500 tiểu thương và hộ gia đình về vấn đề ô nhiễm rác thải, hướng dẫn phân loại rác; trang bị các thùng rác để phục vụ công tác phân loại; vẽ tranh tuyên truyền ở chợ và thực hiện các hoạt động bổ trợ khác như cho mượn túi đi chợ, giám sát - đánh giá,…
Giai đoạn 2, kế hoạch phối hợp giữa các bên liên quan đã được thảo luận kỹ lưỡng, xây dựng và thống nhất triển khai. Theo đó, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên đã hỗ trợ xây dựng 5 bể ủ compost có thể tích 10m3/bể trong năm 2022. URENCO Phú Yên tiếp tục thi công mái che khu vực ủ, huy động nguồn lực để thực hiện thu gom riêng và nhân công sản xuất phân bón từ rác hữu cơ của chợ Phường 7. Tháng 2/2023 toàn bộ công trình xây dựng đã hoàn thiện sẵn sàng cho việc thực hiện mô hình thí điểm. Từ giữa tháng 2/2023 mô hình được triển khai thực hiện với sự tham gia phân loại rác của các tiểu thương chợ Phường 7 và 150 hộ gia đình thuộc khu phố Trường Chinh, phường 7. URENCO Phú Yên thực hiện thu gom riêng rác hữu cơ hằng ngày và xử lý tại các bể ủ. Khối lượng rác hữu cơ được thu gom và xử lý khoảng 250 kg/ngày.
Trong tháng 5-6/2023, Dự án đã phối hợp với các bên lấy mẫu và đánh giá chất lượng phân (so sánh với Tiêu chuẩn ngành 10TCN 526:2002: Phân hữu cơ vi sinh vật từ rác thải sinh hoạt) cho thấy, các chỉ tiêu phân tích tốt, thấp hơn nhiều lần giới hạn cho phép của tiêu chuẩn. Điều này khích lệ các bên liên quan tiếp tục có những hành động tiếp tục duy trì mô hình.
Vận động và thu gom rác hữu cơ tại chợ
Đến nay, các mô hình đều được thực hiện thuận lợi, đạt được các kết quả tích cực và có sự tham gia vận hành chủ động của các đối tác địa phương, đặc biệt là có sự ủng hộ của cộng đồng.
Năm 2023, Dự án đã đồng hành cùng các đối tác địa phương thực hiện mở rộng các mô hình. Cụ thể, mô hình phân loại rác tại nguồn và sử dụng thùng ủ rác hữu cơ phối hợp cùng Hội LHPN tại Phường 7 đã được nhân rộng lên 20 hộ. Sau khi đánh giá và ghi nhận các kết quả tích cực từ 10 hộ tham gia đầu tiên, Dự án tiếp tục hỗ trợ thêm 20 thùng ủ phân quy mô hộ gia đình bàn giao cho Hội LHPN Phường 7 để nhân rộng thêm cho các hộ thuộc tổ phân loại rác của phường. Hiện nay, mô hình đang vận hành tốt và là điểm sáng của tỉnh Phú Yên.
Theo thực tế của phóng viên, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Hòa đã có thêm các khu vực dân cư N03, N07 và chợ Bầu Đục tham gia xử lý rác hữu cơ quy mô cộng đồng. Mô hình này không chỉ góp phần xử lý rác hữu cơ ở quy mô cộng đồng, góp phần giảm áp lực rác mà hệ thống thu gom phải xử lý, mà còn giúp nâng cao ý thức chung tay xử lý rác và bảo vệ môi trường từ người dân. Sản phẩm phân bón sẽ được sử dụng cho các công trình cây xanh của thị trấn hoặc cung cấp miễn phí cho các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng.
Việc nâng cao nhận thức về môi trường là chìa khóa thành công của công tác phân loại rác thải. Chỉ khi mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác và tích cực tham gia vào công việc này thì nỗ lực bảo vệ môi trường của toàn xã hội mới được hình thành. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và để mọi người trở thành người tham gia và thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường.
Việc thực hiện phân loại rác và bảo vệ môi trường cũng như nâng cao nhận thức về môi trường chính là nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta phải thực hiện. Chỉ thông qua nỗ lực chung của toàn xã hội, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường tốt hơn và đáng sống hơn. Mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhau hoán chuyển việc phân loại rác thành một thói quen tốt trong cuộc sống và làm cho trái đất của chúng ta đẹp hơn, sạch hơn và bền vững hơn.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền...
Trần Thị Phượng - VHTT12A
Đại học Văn hóa Hà Nội