Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường: Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính về môi trường
09/08/2024TN&MTThực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Để đạt được một số kết quả như vậy, Bộ TN&MT đã nhận được sự chung sức, chung lòng của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương. Vậy kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm ở nhiệm vụ bảo vệ môi trường như thế nào, chúng tôi xin làm rõ hơn thông qua nội dung trao đổi trực tiếp ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ TN&MT) như sau:
PV: Xin ông cho biết trong thời gian qua công tác triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đạt được kết quả cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh:
Như chúng ta đã biết, Luật BVMT 2020 được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Ngay sau khi Luật và các văn bản quy định chi tiết có hiệu lực, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật BVMT 2020 đến đầy đủ các đối tượng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thường xuyên trả lời, giải đáp cụ thể các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành; chủ động đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, quy định thuộc trách nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Quyết định số 343/QĐ-TTg.
Trong năm 2022, Bộ đã tổ chức thành công 03 Hội thảo trực tuyến cho đối tượng là Sở TN&MT của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để tiếp nhận, giải đáp các vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật BVMT); tổng hợp các nội dung vướng mắc và triển khai xây dựng Sổ tay hỏi đáp chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trong năm 2023 tiếp tục tổ chức 02 Hội thảo vùng tại tỉnh Cần Thơ và Phú Yên để tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Trong nhiệm vụ xây dựng văn bản, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn, triển khai thi hành Luật BVMT 2020, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 07 Quyết định, ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư quy định chi tiết; nhằm bảo đảm các khung chính sách mới của Luật BVMT 2020 có đủ hành lang pháp lý để triển khai thực hiện ngay tại thời điểm Luật có hiệu lực.
Bộ TN&MT cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2020 theo thẩm quyền của Bộ, bao gồm: 05 Thông tư; 01 Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 13334:2021) Xốp cách nhiệt polyuretan (PU) sử dụng chất trợ nở dễ cháy; Yêu cầu về an toàn trong sản xuất; 03 Quyết định; 05 Văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, ngày 02/11/2023, Bộ đã ban hành văn bản gửi các địa phương hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTR sinh hoạt; đây là tiền đề quan trọng để triển khai chính sách phân loại CTRSH tại nguồn theo lộ trình của Luật (trước ngày 31/12/2024).
Hiện nay, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ 01 Quyết định, đang tiếp tục xây dựng 01 Quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ, xây dựng 16 Thông tư hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, dự kiến ban hành chậm nhất là năm 2025; tiếp tục xây dựng để ban hành 09 văn bản hướng dẫn kỹ thuật theo kế hoạch đã phê duyệt tại Quyết định số 1463/QĐ-BTNMT.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đã phối hợp với các Bộ thực hiện xây dựng, ban hành 03 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật BVMT và hướng dẫn các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT; đã xây dựng các tiêu chí về môi trường trong nông thôn mới gửi Bộ NN&PTNT tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đã bao gồm các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong xây dựng và phát triển nông thôn.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp, đôn đốc các Bộ xây dựng, hoàn thiện để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 03 Thông tư, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Tôi được biết, mới đây Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xin ông cho biết quan điểm và những mục tiêu hướng đến của quy hoạch này thưa ông?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh:
Như chúng ta đã biết, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch) đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024. Quy hoạch được xây dựng với các quan điểm về BVMT trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế cácbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động đối với môi trường và sức khỏe con người.
Với các quan điểm đó, Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các mục tiêu cụ thể được đặt ra với 04 nhóm đối tượng của Quy hoạch gồm: (i) Phân vùng môi trường; (2) bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; (3) khu xử lý chất thải tập trung; (4) mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường. Quy hoạch cũng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các mục tiêu, định hướng này.
Với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bao gồm các nội dung chủ yếu nhằm góp phần thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật BVMT 2020. Đồng thời, Quy hoạch cũng bao gồm các nội dung về định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để BVMT, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định như đã được quy định tại Luật BVMT năm 2020.
PV: Tại Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm 2024, ông đã báo cáo về việc sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Xin ông cho biết mục đích và các nhóm nội dung sửa đổi này?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh:
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả quan trọng. Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng. Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống thông tin được tập trung triển khai và phát huy hiệu quả, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là những tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong giải quyết TTHC nói chung và trong lĩnh vực môi trường nói riêng mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, xu thế đầu tư, sự dịch chuyển sản xuất của chuỗi cung ứng cũng như thực hiện chương trình nông thôn mới, tăng cường đầu tư công, một số loại hình dự án được đầu tư mạnh mẽ tại các địa phương trong thời gian qua (như dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử; dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp; dự án xây dựng trụ sở làm việc, nhà văn hóa có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên;...). Do đó, nhằm tạo sự chủ động của địa phương trong kiểm soát các vấn đề môi trường, việc rà soát tiêu chí về môi trường của các loại hình này nhằm cắt giảm TTHC, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương là cần thiết.
Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP trong thời gian vừa qua; tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các địa phương trong đề xuất phân cấp, phân quyền cho địa phương giải quyết một số TTHC thuộc thẩm quyền của Bộ, đồng thời đề nghị sửa đổi một số quy định để cắt giảm TTHC và tạo điều kiện thuận lợi hơn khi triển khai trong thực tiễn. Tôi xin nêu một số nội dung chính như sau:
Về nhóm nội dung sửa đổi để cắt giảm thủ tục hành chính: Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi các nội dung này trong Dự thảo Nghị định như sau: Bổ sung quy định cận dưới của diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên là từ 03 ha; bổ sung cận dưới của dự án có sử dụng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng; bổ sung cận dưới của dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất có mặt nước của rừng tự nhiên và rừng phòng hộ; Bổ sung cận dưới 10 ha đối với dự án có sử dụng khu vực biển; Bổ sung mức tối thiểu của quy mô khai thác nước ngầm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện ĐTM; Điều chỉnh tên loại hình sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử theo hướng chỉ áp dụng cho các dự án có một trong các công đoạn có khả năng gây ô nhiễm (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đang quy định áp dụng cho tất cả các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử); Bổ sung mức tối thiểu nước thải, bụi khí thải xả ra ngoài môi trường để cắt giảm đối tượng phải cấp GPMT.
Về nhóm nội dung sửa đổi để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương giải quyết TTHC về môi trường: Bộ TN&MT đã rà soát kỹ lưỡng các quy định của Luật BVMT 2020 để xây dựng phương án phân cấp, phân quyền trong Dự thảo Nghị định dựa trên 03 tiêu chí cơ bản là: (1) Loại hình hoạt động; (2) Lĩnh vực hoạt động; và (3) Khu vực hoạt động hoặc phạm vi tác động của dự án. Theo đó, Bộ TN&MT sẽ tập trung giải quyết TTHC về môi trường cho các đối tượng: thực hiện trên địa bàn liên tỉnh; xả nước thải vào nguồn nước mặt liên tỉnh; thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn.
Thực hiện phân cấp cho địa phương giải quyết TTHC về môi trường cho các đối tượng sau: Dự án đầu tư công về hạ tầng kinh tế - xã hội do địa phương quyết định chủ trương đầu tư không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm; Dự án được phân loại theo tiêu chí chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên; Dự án được phân loại theo tiêu chí chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; Dự án nuôi, chăm sóc động vật hoang dã tập trung; Dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (trừ dự án thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với mức lưu lượng xả bụi, khí thải lớn ra ngoài môi trường; dự án mở rộng của cơ sở xả nước thải trực tiếp ra ngoài môi trường với mức lưu lượng trung bình hoặc mức lưu lượng lớn theo loại hình sản xuất).
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã đề xuất bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền cấp GPMT cho địa phương đối với cả những trường hợp đã được Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT trước đây nhưng đã được phân cấp, phân quyền theo Nghị định sửa đổi.
Hồ sơ Nghị định đã được Bộ TN&MT trình Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 19/TTr-BTNMT ngày 29/02/2024 và Công văn số 4236/BTNMT-MT ngày 30/6/2024; hiện đang được lấy ý kiến Thành viên Chính phủ theo quy trình xây dựng văn bản.
PV: Vậy để triển khai đồng bộ các giải pháp cũng như sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, ông có đề nghị gì với các địa phương thưa ông?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh:
Với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật BVMT 2020 được kỳ vọng sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT tại nước ta. Trong thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng, phối hợp xây dựng văn bản pháp luật do Bộ TN&MT chủ trì để gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định và lộ trình đã được phê duyệt. Để sớm đưa các chính sách nhất là các chính sách mới của Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống, Tôi cho rằng, các địa phương (trong đó đầu mối là cơ quan chuyên môn về môi trường cấp tỉnh) cần tập trung, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nội dung:
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định, chính sách mới của Luật BVMT, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan hành chính, các cấp của địa phương. Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về BVMT; đặc biệt là các quy định liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; BVMT khu đô thị, khu dân cư, làng nghề,...
Tham mưu, báo cáo UBND cấp tỉnh sớm ban hành quy định, kế hoạch để triển khai quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm các điều kiện thực thi theo lộ trình của Luật BVMT.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT 2020; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về BVMT, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về môi trường thuộc thẩm quyền để bảo đảm triển khai thi hành Luật.
Quan tâm đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường của địa phương, tích hợp vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường của quốc gia theo quy định của Luật BVMT 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành nhằm thúc đẩy các mô hình quản lý số trong công tác bảo vệ môi trường.
Thực hiện việc rà soát, đánh giá, bảo đảm điều kiện về nguồn lực và nhân lực cần thiết để triển khai thi hành Luật BVMT 2020. Đặc biệt là rà soát, chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp giải quyết TTHC theo tinh thần Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Minh (thực hiện)