Ninh Thuận ưu tiên thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo
07/04/2024TN&MTNinh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch lớn nhất cả nước sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện, giảm phát thải khí nhà kính.
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh.
Nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có nhiều tiềm năng, dư địa để thu hút đầu tư, phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Đây cũng là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo, bởi tốc độ gió trung bình đạt 7,5 m/s (lớn hơn so với cả nước) lượng gió thổi đều trong 10 tháng. Lượng bức xạ mặt trời ổn định qua các mùa trong năm, tổng số giờ nắng cao nhất cả nước từ 2.500-3.100 giờ/năm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, hiện tỉnh đã quy hoạch 5 khu vực sản xuất điện gió với tổng công suất gần 2.500 MW và phát triển điện gió ngoài khơi với tổng công suất ước tính trên 5.000 MW. Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung xúc tiến, triển khai các dự án thuỷ điện tích năng, điện khí, hydro theo quy hoạch. Những dự án này sẽ đưa Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch lớn nhất cả nước, góp phần đảm bảo cung ứng điện, giảm phát thải khí nhà kính.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Ninh Thuận đã có bước đi táo bạo gắn với nhiều quyết sách đúng đắn để thu hút đầu tư. Nhờ đó, những năm qua, vùng đất “tiểu sa mạc” đã thu hút mạnh mẽ các “sếu đầu đàn” trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác, phát triển năng lượng tái tạo, từng bước trở thành địa phương thuộc nhóm đứng đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo.
Đến nay, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành thương mại 57 dự án với công suất trên 3.700 MW. Theo quy hoạch, Ninh Thuận phấn đấu đạt công suất tích lũy 6.500 MW vào năm 2025, sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh, cơ bản thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Ưu đãi lớn cho nhà đầu tư
Dự báo, nhu cầu năng lượng quốc gia trong những năm tới sẽ tăng cao, nguy cơ thiếu điện càng cao. Bên cạnh đó, để góp phần hiện thực hoá mục tiêu Net Zero vào năm 2050, việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo cho khu vực có tiềm năng lợi thế lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là thật sự cần thiết và luôn mang tính thời sự. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Tận dụng lợi thế của tỉnh, ngày 30/3/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 193/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 55 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích hơn 3.400 ha.
Trong đó, lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo có 9 dự án, diện tích hơn 528,95 ha, gồm: Dự án điện khí LNG Cà Ná; dự án thủy điện tích năng Phước Hòa; dự án điện gió Đầm Nại 3; dự án điện gió Đầm Nại 4; dự án điện gió Tri Hải; dự án điện gió Phước Dân; dự án điện gió hồ Bầu Ngứ; dự án thủy điện Thượng Sông Ông 2; dự án thủy điện Phước Hòa.
Xác định năng lượng là khâu đột phá, nhiều dư địa, đóng góp chính cho tăng trưởng nên các cấp, các ngành của tỉnh Ninh Thuận xác định quyết liệt, tập trung rà soát các khó khăn, vướng mắc để kiến nghị Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách về năng lượng để tạo thuận lợi lớn nhất cho các nhà đầu tư.
Cụ thể, tỉnh đôn đốc tiến độ khởi công các dự án năng lượng tái tạo; kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương liên quan ưu tiên kế hoạch vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV, đặc biệt là các dự án lưới điện quan trọng để truyền tải điện vào khu vực miền Nam. Kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng Phước Hòa…
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là động lực và mục tiêu cho sự phát triển, Ninh Thuận cam kết tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế, chính sách và đồng hành với các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án năng lượng tái tạo nói riêng và các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cũng giao các ngành, địa phương tham mưu hàng tháng tổ chức gặp mặt doanh nghiệp. Tiếp tục xác định cải cách thủ tục hành chính là một khâu trọng tâm, đột phá và được triển khai mạnh mẽ ở tất cả cấp theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận với chủ đề: “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/4, tại Ninh Thuận nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh. Bên lề hội nghị sẽ diễn ra chuỗi sự kiện quan trọng gồm: Lễ Khánh thành tuyến Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Hội thảo về Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon; Gian hàng xúc tiến đầu tư kết hợp trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận…
Theo congthuong.vn