Nhóm học sinh sáng tạo máy phân loại vỏ chai, lon thông minh
21/02/2023TN&MTNhóm nghiên cứu thực hiện các khâu lắp ráp, trang trí "Máy phân loại vỏ chai, vỏ lon thông minh" (ảnh Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cung cấp)
Nhóm học sinh thực hiện giải pháp này là các em Lương Ngọc Khánh Huyền, Lê Vương Tường Minh (Trường THCS Lê Quý Đôn), Lương Đức Mạnh (Trường THCS Võ Thị Sáu), Nguyễn Minh Dũng (Trường THCS Trần Phú) và Nguyễn Mai Chi (Trường THCS Bình Hàn).
Là người đầu tiên hình thành ý tưởng, em Lương Ngọc Khánh Huyền chia sẻ, trong cuộc sống em thấy nhiều người sử dụng chai nhựa, vỏ lon. Một số người dùng xong còn vứt ra nơi công cộng, vừa nhếch nhác, vừa lãng phí. Nhiều lần em xem ti vi thấy ở nước ngoài đã có máy phân loại vỏ chai, vỏ lon, mang lại hiệu quả thiết thực nhưng ở Việt Nam và Hải Dương chưa có. Em đã chia sẻ ý tưởng với mẹ, các bạn chơi cùng nhóm và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của mọi người.
Khi bắt tay vào thực hiện, các em đã được anh Đặng Đức Quân, cán bộ Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh hướng dẫn cụ thể nội dung, cách thức thực hiện sao cho sản phẩm có thể hoàn thành trong thời gian sớm và mang lại hiệu quả cao.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu gặp khó khăn khi đây là sản phẩm mang tính kỹ thuật cao với nhiều bộ phận phức tạp. Thời điểm đó vẫn còn dịch Covid-19 nên việc mua sắm thiết bị, dụng cụ để lắp ráp bị hạn chế. Trong máy có bộ phận cảm biến dùng phân biệt các loại vỏ chai, nhóm cũng phải lắp thử nghiệm 4 lần mới chọn được bộ phù hợp. "Bộ não" dùng để điều khiển máy cũng phải thử nghiệm, thay đổi bằng việc sử dụng thiết bị chuyên dành cho hệ thống điều khiển công nghiệp mới phù hợp là gọn nhẹ, có thể thay đổi được thông tin cài đặt trong máy.
"Máy phân loại vỏ chai, vỏ lon thông minh" là một cỗ máy liên hoàn. Khi sử dụng hết nước trong chai, lon, vì vỏ ni lông không thể tái chế nên người dùng cần bóc và bỏ vào thùng rác riêng, sau đó đặt vỏ chai, lon vào ngăn nhận. Nếu vỏ chai, vỏ lon còn nhiều nước sẽ bị từ chối nhận. Khi người dùng đặt vỏ chai nhựa, vỏ lon nhôm vào, máy tự động phân loại nhờ vào cảm biến quang. Người dùng đặt đủ 10 vỏ lon, vỏ chai nhựa máy sẽ phát cho một phần quà.
Khi cầm vỏ lon, vỏ chai tay có thể bị bẩn nên nhóm nghiên cứu còn thiết kế chỗ khử khuẩn tay cho sạch trước khi nhận quà. Máy có hệ thống loa phát thanh nhắc nhở, tuyên truyền người dân phân loại rác thải hoặc phát các thông tin nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, "Máy phân loại vỏ chai, vỏ lon thông minh" có nhiều tính mới, sáng tạo. Nổi bật nhất là chưa có sản phẩm tương tự trên thị trường, đưa ra được quy trình phân loại rác thải cho chai nhựa, vỏ lon nhôm, tự động phân loại, đếm số lượng đạt được theo định mức để trả phần thưởng. Máy nhỏ gọn, dễ vận chuyển, di chuyển và sử dụng ngoài trời. Thay thế con người thực hiện các công tác tuyên truyền thu gom rác, bảo vệ môi trường, diệt khuẩn sản phẩm thu gom tránh lây lan vi khuẩn, virus gây bệnh...
Giải pháp "Máy phân loại vỏ chai, vỏ lon thông minh" khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần bảo vệ môi trường trong sạch, an toàn hơn. Giải pháp này hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển nên các em mong muốn được các cấp, ngành hỗ trợ để sản xuất hàng loạt và đưa vào sử dụng trong thực tiễn.
Giải pháp “Máy phân loại vỏ lon, vỏ chai thông minh” của các em học sinh TP Hải Dương đoạt giải ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18, năm 2022 rất có tiềm năng phát triển ứng dụng trong thực tiễn.
Theo baohaiduong.vn