Nguy cơ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
15/04/2024TN&MTXâm nhặp mặn là vấn đề quan trọng và hầu như chi phối mọi hoạt động kinh tế, đời sống của người dân các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, dù đã xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi để ngăn mặn nhưng độ mặn trong môi trường đất, nước vẫn ảnh hưởng đến tài nguyên, sinh vật và hoạt động sống của con người nơi đây đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu. Việc sớm nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn là hết sức cần thiết.
Các yếu tố tác động đến xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Xâm nhập mặn phân bố không đều theo không gian trên các cửa sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do quan hệ tương tác giữa nước mặn từ biển với dòng chảy từ thượng nguồn về của các nhánh sông và đặc điểm tự nhiên của dòng sông. Trong các cửa sông thì cửa sông Vàm Cỏ có độ sâu XNM lớn nhất với chiều sâu XNM lớn nhất giai đoạn 10 năm vừa qua là 94-96 km tính từ cửa sông; sông Cửa Tiểu và các cửa sông Hậu (Định An, Trần Đề) có độ sâu XNM thấp nhất trong các cửa với chiều sâu XNM lớn nhất giai đoạn 10 năm vừa qua là 55 km tính từ cửa các sông. Trường hợp đặc biệt, trong mùa khô các năm XNM xảy ra gay gắt nhất trong lịch sử như ở mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, ranh mặn 4 g/lít vào sâu nhất đến 78 km ở vùng các cửa sông Cửu Long.
Ở thượng nguồn sông Mê Công, các hồ chứa được xây dựng từ những năm 1960, tốc độ xây dựng tăng mạnh từ năm 2000 đến nay. Hoạt động của các hồ chứa thượng lưu đã, đang và sẽ làm thay đổi lớn phân bố dòng chảy về châu thổ Mê Công nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng cả mùa lũ và mùa kiệt. Cụ thể, việc vận hành các hồ chứa thượng nguồn làm cho dòng chảy mùa khô biến động mạnh, giảm từ đầu mùa khô đến khoảng tháng 2 - đầu tháng 3, sau đó, tăng lên rất nhanh đến cuối mùa khô (do các hồ tăng lượng xả đáng kể để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao). Đây chính là lý do XNM trên ĐBSCL xuất hiện sớm và sâu hơn ở đầu mùa khô nhưng giảm mạnh trong cuối mùa khô.
Việc tăng nhu cầu sử dụng nước các quốc gia thượng lưu cũng làm giảm lượng dòng chảy về hạ du, làm tăng nguy cơ XNM vùng ĐBSCL. Theo kế hoạch, diện tích tưới của các nước thượng nguồn sông Mê Công gồm Campuchia, Lào và Thái Lan đến năm 2030 sẽ được mở rộng, tăng khoảng gần 19% so với hiện tại và đến năm 2050 tăng gần 45%. Ngoài ra, còn có kế hoạch chuyển nước ngoài lưu vực ở dự án Kok-Ink-Nam (chuyển qua lưu vực Chao Phraya của Thái Lan), lưu lượng chuyển đi khoảng 150-340 m3/s.
Theo tính toán và dự báo, nhu cầu nước của lưu vực tăng nhanh, đạt 37,34 tỷ m3 vào năm 2030, đạt 47,52 tỷ m3 vào năm 2050. Đáng chú ý, lượng nước sử dụng trong mùa khô cũng sẽ tăng lên tương ứng, chiếm 47,9% nhu cầu nước cả năm năm 2030 (tương đương với 30% đến 26,5% tiềm năng nguồn nước mùa kiệt ứng với P85% và P50% khi chưa có điều tiết thuỷ điện), chiếm 50,76% giai đoạn năm 2050 (tương đương với 36,5% đến 32,7% tiềm năng nguồn nước mùa kiệt ứng với P85% và P50% khi chưa có điều tiết thủy điện). Việc gia tăng nhu cầu nước mùa khô được xác định chủ yếu là từ khu vực Campuchia.
Ngoài ra, thủy triều ven biển vùng ĐBSCL chịu tác động mạnh của gió chướng trong mùa khô. Theo số liệu quan trắc thực tế ở các trạm hải văn trong khu vực, mực nước triều tại đây liên tục gia tăng trong những năm qua, nguyên nhân được cho là do nước biển dâng và sụt lún đất nền. Tốc độ gia tăng mực nước triều hiện nay khoảng 0,3-0,4 cm/năm, ước tính đến năm 2040 tăng khoảng 17 cm. Trong tương lai, nếu triều tiếp tục có xu hướng tăng như hiện nay sẽ là nguy cơ gây ra ngập lụt vùng ven biển và gia tăng XNM cho vùng ĐBSCL.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH, nước biển dâng và ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, đỉnh triều tăng nhiều hơn chân triều, dẫn đến năng lượng dòng triều tăng. Toàn vùng có 17 cửa sông với tổng chiều rộng khoảng 25 km, dẫn đến sự trao đổi nước từ biển vào đã và tiếp tục gia tăng từ 25% đến 65%, làm cho diện tích bị ngập triều và XNM ngày càng gia tăng. Theo các kịch bản quốc gia về BĐKH, mực nước biển dâng ven biển ĐBSCL sẽ là 30 cm năm 2050 và 75 cm vào năm 2100. Sự gia tăng này sẽ ảnh hưởng sâu vào đồng bằng do sự hạ thấp đồng bằng và biên độ triều lớn. Ngoài ra, BĐKH đã và đang làm cho tính dị thường cùng với các cực đoan của khí hậu tăng lên ở ĐBSCL, các đợt mưa lớn cường độ cao hơn, thời gian khô hạn kéo dài. Đồng bằng cũng đã ghi nhận được các mùa mưa đến muộn, đã gây ra XNM nghiêm trọng ngay trong mùa mưa.
Nhận định về xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024
Với dự báo về tình hình El Nino và nguồn nước trữ ở thượng nguồn sông Mê Công, mùa khô năm 2023-2024 được các đơn vị khoa học thuộc Bộ NN&PTNT nhận định thuộc nhóm năm ít nước, XNM vùng ĐBSCL khả năng xuất hiện sớm, mức độ cao từ tháng 2 đến tháng 5/2024. Theo dự báo, lượng mưa mùa mưa thượng nguồn sông Mê Công thấp hơn khoảng 20% so với TBNN và nhận định các yếu tố ảnh hưởng khác đến XNM (thủy triều, mức trữ và quy luật xả nước của các hồ chứa trên thượng nguồn,...), XNM ở mức không cao hơn đợt XNM năm 2015-2016, chiều sâu XNM 4 g/l ở các cửa sông Cửu Long từ 46-73 km, cao hơn so với TBNN từ 5-24 km, thấp hơn so với năm 2019-2020 từ 2-45 km, so với năm 2015-2016 thấp hơn từ 1- 2 km. Cụ thể, tháng 1 - 2/2024 tiếp tục duy trì ảnh hưởng với xác suất trên 95%. Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60 - 85% vào thời kỳ tháng 3 - 5/2024. Do vậy, các tháng mùa khô năm 2023 - 2024, khu vực ĐBSCL có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, XNM. Nếu XNM kéo dài với độ mặn cao, một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ tại các vụ lúa, vườn cây ăn trái.
Trong trường hợp El Nino cực đoan, đến giữa mùa khô (từ tháng 2/2024 trở đi), dù có ngăn mặn từ biển vào, bên trong vẫn thiếu nước ngọt. Mặt khác, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều nên có khả năng xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Cùng với đó, các tháng mùa khô ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 04/CĐ-TTg, ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, XNM. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức theo dõi, chủ động triển khai công tác ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, XNM trong những tháng cao điểm mùa khô tới, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Bộ TN&MT chỉ đạo theo dõi sát ảnh hưởng của El Nino, diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, XNM trên cả nước, nhất là tại ĐBSCL và khu vực miền Trung, Tây Nguyên để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, XNM, kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ. Bên cạnh đó, tổ chức thu thập thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước về một số hồ chứa lớn ở Bắc Bộ và XNM ở ĐBSCL.
Bộ NN&PTNT tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, XNM để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời, chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, XNM phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, XNM. Phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương ĐBSCL, khu vực miền Trung và Tây Nguyên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, XNM; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
LƯƠNG VĂN ANH
Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4 năm 2024