Người dân tộc thiểu số giữ rừng thượng nguồn sông Kỳ Lộ
12/08/2024TN&MTKhông còn cảnh phá rừng làm rẫy, 906 hộ dân tộc Chăm, Ba Na ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) giờ đây nhận trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 25.000 ha rừng tự nhiên ở vùng thượng nguồn sông Kỳ Lộ.
Chi bộ giữ rừng, cộng đồng cùng giám sát
Ở tuổi 58, ông La O Bé (chi bộ thôn Phú Lợi) không thể nhớ mình đã đi qua bao nhiêu cánh rừng, ngọn núi ở xã Phú Mỡ. Nhưng ông biết rõ con đường nào dẫn đến nơi có gỗ quý, con ong làm mật, cây mây, cây chuối rừng… để mang về làm thức ăn cho gia đình.
Theo ông La Lan Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, không riêng gì ông La O Bé, người dân ở các thôn: Phú Giang, Phú Tiến, Phú Lợi, Phú Đồng, Phú Hải, ai cũng rành rọt những ngọn cây, con suối ở thượng nguồn sông Kỳ Lộ như ông La O Bé.
Những người dân tộc thiểu số giữ rừng ở vùng thượng nguồn tỉnh Phú Yên
Đối với cộng đồng dân tộc Chăm, Ba Na ở xã Phú Mỡ, những cánh rừng thượng nguồn đã nuôi sống họ từ khi cất tiếng khóc chào đời. Ngành lâm nghiệp huyện Đồng Xuân đã vận dụng điều này, khuyến khích người dân tộc thiểu số giữ rừng bằng quy ước cộng động và sức mạnh tập thể. Tổ quản lý bảo vệ rừng ở các thôn, buôn người dân tộc thiểu số được hình thành.
“Ý tưởng mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng xã Phú Mỡ rất ý nghĩa. Tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác cây trái phép đã giảm rõ rệt. Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, vai trò của chi bộ, già làng có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn, đảng viên trong các tổ cộng đồng được vận dụng và phát huy mạnh mẽ”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, xã Phú Mỡ là nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Phú Yên
Theo báo cáo của Đảng ủy xã Phú Mỡ, số lượng đảng viên của 4 tổ cộng đồng quản lý và bảo vệ rừng (Phú Giang, Phú Tiến, Phú Đồng, Phú Lợi) là 150 người. Đây là lực lượng tiên phong, nòng cốt để triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Trong các cuộc họp thôn, buôn, những vấn đề quan trọng về việc quản lý bảo vệ rừng được đưa ra bàn luận sôi nổi và triển khai hiệu quả.
Dưới sự điều hành của ông La Lan Thông, Tổ trưởng tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thôn Phú Lợi, các thành viên thảo luận về lộ trình chuyến đi (khoảng 100km). Ông Thông trích tiền từ quỹ hoạt động của tổ quản lý bảo vệ rừng để mua các nhu yếu phẩm cần thiết. Các thành viên đi xe máy đến bìa rừng, sau đó cùng nhau đi bộ để kiểm tra từng cây gỗ quý, rà soát kỹ từng khu vực để phát hiện các trường hợp khai thác rừng trái phép. Thời gian cho mỗi chuyến tuần tra như vậy là từ mờ sáng đến chiều tối.
“Mỗi đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền cho mỗi người dân, rừng sẽ là tài sản vô giá mà cộng đồng dân tộc Chăm, Ba Na để lại cho con cháu mai sau. Là đảng viên, ngoài việc tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước, khi được sự tín nhiệm của cộng đồng dân cư, tôi mạnh dạn nhận làm tổ trưởng tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thôn Phú Lợi. Khi làm việc vì cái chung, đặt hiệu quả bảo vệ rừng lên hàng đầu, các thành viên trong tổ cũng như cộng đồng dân cư hưởng ứng và làm theo”, ông La Lan Thông, Trưởng thôn Phú Lợi nói.
Nhìn đoàn người len lỏi trong những cánh rừng xanh thẳm ở thượng nguồn của sông La Hiêng, băng qua các con suối Kẻ Cách, Ea MLá, Cà Tơn…, làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ “lá phổi xanh”, chúng tôi hiểu giá trị của sự đồng thuận, lan tỏa và tràn đầy hy vọng về sự hiệu quả của mô hình giữ rừng bằng sức mạnh tập thể, cộng đồng dân cư ở thôn, buôn.
Trước đây đã có khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, mô hình khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn, buôn do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân phối hợp với UBND xã Phú Mỡ thực hiện thể hiệu quả ấn tượng. Vai trò của chi bộ, người có uy tín, đảng viên trong cộng đồng, thôn, buôn được thể hiện rõ nét trong kế hoạch hoạt động. Từ khi triển khai thực hiện mô hình này, tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã giảm hẳn. Giờ đây, người dân địa phương trở thành lực lượng nòng cốt, phối hợp với cơ quan chức năng trong triển khai công tác bảo vệ rừng.
Ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở NN-PT-NT tỉnh Phú Yên
Tăng sinh kế, bảo vệ rừng
Năm 2020, xã Phú Mỡ trở thành điểm nóng của dư luận cả nước khi người dân và một số đảng viên, cán bộ phá rừng. Những bản án, hình thức kỷ luật đã được đưa ra. Đây là sự đau xót đối với những người làm công tác quản lý của ngành lâm nghiệp và địa phương. Điều cốt lõi là phải bắt được đúng “bệnh”, rút ra những bài học, từ đó không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như sự việc nêu trên.
Là người nhiều năm gắn bó với những cánh rừng của huyện Đồng Xuân, ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân nhận định, cách tốt nhất để giữ rừng tự nhiên ở Phú Mỡ là tăng sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân tộc thiểu số. Điều này tạo ra quyền lợi và tương tác với trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng ở vùng thượng nguồn huyện Đồng Xuân.
Hiện nay, người dân xã Phú Mỡ được Nhà nước giao đất rừng sản xuất trồng keo, tăng sinh kế, cải thiện đời sống phát triển kinh tế
Theo UBND xã Phú Mỡ, ngoài công tác định hướng tư tưởng cho cộng đồng dân cư, mô hình khoán quản lý bảo vệ rừng triển khai hiệu quả là do có mức hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm (Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính).
Với mức này, 4 tổ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng sẽ nhận 3,01 tỷ đồng sau thời gian 10 tháng (3 đến tháng 12-2024) làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ 25.000ha rừng tự nhiên ở xã Phú Mỡ. Hợp đồng giữa UBND xã và 4 tổ quản lý bảo vệ rừng sẽ được ký hàng năm. Lực lượng chức năng kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng trước khi giải ngân số tiền trên. Ước tính mỗi hộ sẽ có khoảng 10 triệu đồng/năm tiền hỗ trợ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.
Ngoài ra, chương trình giao đất rừng sản xuất (nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) cho người dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ trồng rừng, tăng sinh kế, cải thiện đời sống cũng được huyện Đồng Xuân thực hiện rất tốt. Đến nay, 46 hộ dân ở xã Phú Mỡ đã trồng keo trên phần đất được giao (3-6ha/hộ) tại tiểu khu V2.2 và 75, với tổng diện tích 200ha. Tại tiểu khu 74, 61 hộ dân cũng đã trồng keo (1-3ha/hộ), với tổng diện tích 107,8ha.
Những cánh rừng keo của người dân phủ xanh ngọn đồi ở xã Phú Mỡ
“Đây là các hộ gia đình, cá nhân không có đất, thiếu đất sản xuất có nhu cầu trực tiếp sản xuất lâm nghiệp, đang cư trú trên địa bàn xã Phú Mỡ; ưu tiên các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn có nhu cầu và đủ năng lực trồng rừng trên diện tích được giao. Các hộ đã phát dọn trồng rừng, keo đã lên xanh tươi tốt, hứa hẹn mang đến nguồn lực kinh tế cho người dân xã Phú Mỡ trong 2-3 năm tới. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, khu vực giao đất cho người dân xã Phú Mỡ chủ yếu là đất sét quặng, đá lẫn, nghèo dinh dưỡng, chỉ phù hợp với các loài cây lâm nghiệp cải tạo đất. Vậy nên, việc người dân trồng rừng phát triển kinh tế là phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời đảm bảo độ che phủ rừng trong khu vực, gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với chức năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống người dân.
Nghị quyết 09-NQ/HU của Huyện ủy Đồng Xuân khẳng định, việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong giữ rừng ở xã Phú Mỡ. Việc này phải thực hiện chặt chẽ theo đúng trình tự pháp luật; khuyến khích và thu hút được các dự án hỗ trợ trồng rừng cho người dân tộc thiểu số và thu hút các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ổn định sản xuất và đời sống của người dân.
Ông Hồ Văn Mười, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân
Bà La Lan Thị Hạnh (thôn Phú Giang) cho biết: “Gia đình chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm giao đất cho người dân trồng rừng phát triển kinh tế. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi, đây là cơ hội để thay đổi cuộc đời. Khi thu nhập tăng lên, người dân chúng tôi không còn suy nghĩ vào rừng chặt cây, phát dọn lấy đất trồng cây sắn như trước”.
Rời Phú Mỡ trên trục ĐT647 được nâng cấp, mở rộng, xung quanh là hệ thống đường liên thôn được bê tông hóa, phía xa xa là cánh rừng bạt ngàn, cùng những ngọn núi đã được khoác lên mình chiếc áo màu xanh. Đó là màu xanh hy vọng của cộng đồng dân tộc Chăm, Ba Na về sự đổi thay của một vùng đất.
Rừng thượng nguồn Phú Mỡ sẽ được giữ, khi đời sống của hơn 3000 người dân tộc thiểu số nơi đây được quan tâm và cải thiện.
Huyện Đồng Xuân có khoảng 65.000ha rừng các loại (lớn nhất tỉnh Phú Yên), trong đó Phú Mỡ chiếm khoảng 34.000ha. Đây không những là nơi sở hữu những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn, nhiều loại gỗ quý hiếm, đặc hữu, mà còn đóng vai trò giảm sức công phá của lũ, tăng kết cấu đất và điều hòa khí hậu vùng hạ lưu.
Theo sggp.org.vn