Ngành Du Lịch Thừa Thiên - Huế hướng đến mục tiêu giảm rác thải nhựa
14/08/2024TN&MTThừa Thiên Huế, vùng đất cố đô giàu văn hóa và lịch sử, đang đứng trước thách thức lớn về môi trường khi ngành du lịch phát triển. Nhận thức rõ vấn đề, ngành du lịch địa phương đã không ngừng nỗ lực để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và xây dựng hình ảnh một điểm đến xanh, bền vững.
Nỗ lực lan tỏa nhận thức và cam kết hành động
Chiều ngày 6/8, tại thành phố Huế, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế phối hợp Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF - NaUy tài trợ thông qua WWF - Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết các hoạt động thực hành giảm rác thải nhựa trong du lịch. Tham dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai các sáng kiến giảm rác thải nhựa, đồng thời đưa ra những đề xuất mới nhằm tiếp tục thúc đẩy phong trào này. Đây là một dịp quan trọng để ngành du lịch địa phương nhìn lại những thành tựu đã đạt được và định hướng cho những hoạt động tiếp theo.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Đinh Mạnh Thắng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế Đinh Mạnh Thắng cho biết: "Huế là một thành phố có 5 danh hiệu UNESCO và là thành phố xanh ASEAN năm 2024. Để duy trì và phát triển các danh hiệu này, ngành du lịch địa phương đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa, nhằm góp phần đưa Huế trở thành đô thị giảm nhựa vào năm 2024. Những nỗ lực này không chỉ giữ vững danh hiệu quốc tế mà còn định hướng cho ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả cộng đồng và du khách”.
Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp du lịch triển khai nhiều chương trình tập huấn và hoạt động thực tiễn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Chương trình không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn mà còn mở rộng đến các điểm du lịch cộng đồng, nơi mà việc quản lý rác thải còn nhiều thách thức. Các buổi tập huấn đã giúp nâng cao nhận thức của các thành viên về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, đồng thời khuyến khích họ áp dụng các biện pháp giảm thiểu rác thải ngay tại cơ sở của mình.
Các doanh nghiệp tiên phong giảm nhựa trong du lịch tại Thừa Thiên - Huế
Từ tháng 8/2023, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế đã tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về giảm nhựa cho 120 thành viên, bao gồm các khách sạn, công ty lữ hành, và điểm du lịch cộng đồng. Các thành viên đã có sự đồng thuận về tính cấp thiết của việc triển khai hoạt động giảm sử dụng sản phẩm nhựa trong hoạt động của đơn vị; nhận diện được các loại sản phẩm nhựa đang sử dụng tại đơn vị, một số cách thức cơ bản có thể áp dụng để triển khai các hoạt động giảm nhựa và cam kết sẽ tổ chức triển khai hoạt động giảm nhựa tại đơn vị theo kế hoạch chung của ngành du lịch Thừa Thiên Huế.
Hành động cụ thể vì môi trường xanh
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế còn triển khai các giải pháp cụ thể để giảm thiểu rác thải nhựa. Một ví dụ điển hình là tour du lịch giảm thiểu rác thải nhựa tại phường Thủy Biều, TP. Huế. Đây là một trong những điểm đến đầu tiên tại Huế áp dụng các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Du khách khi tham gia tour này sẽ được khuyến khích mang theo đồ dùng cá nhân như bình nước, túi đi chợ, và hộp đựng thực phẩm để hạn chế tối đa việc sử dụng nhựa dùng một lần. Những sáng kiến này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao nhận thức của du khách về tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa.
Trạm cấp nước uống trực tiếp tại các điểm di tích, du khách được khuyến khích mang theo bình nước cá nhân góp phần giảm lượng rác thải nhựa tại TP Huế (Ảnh WWF - VN)
Ngoài ra, tour Thủy Biều còn đặc biệt chú trọng đến việc giảm rác thải nhựa thông qua các hoạt động cụ thể như cấp phát bình nước và làm đầy tại các điểm trải nghiệm. Trên xe đạp được bố trí áo mưa dù, và tất cả đồ dùng này đều được thu hồi vào cuối chuyến đi để tái sử dụng. Đối với chương trình tour có trải nghiệm lớp nấu ăn, túi đi chợ và hộp đựng thực phẩm đã được thay thế bằng những vật dụng có thể tái sử dụng, giúp du khách trải nghiệm du lịch mà không lo ngại về tác động môi trường. Các ngôi nhà xanh được đặt tại khu vực bến thuyền đón khách và tại trục giao thông chính của Thủy Biều để du khách có thể bỏ những loại rác tái chế đúng nơi quy định.
Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế đã khẳng định rằng, hoạt động du lịch là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lượng lớn rác thải nhựa. Để đối phó với tình trạng này, các cơ quan quản lý địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và giữ vững hình ảnh điểm đến xanh, bền vững của Thừa Thiên Huế. Các biện pháp giảm thiểu rác thải không chỉ dừng lại ở Thủy Biều mà còn đang được triển khai tại nhiều điểm du lịch khác trong tỉnh, hướng tới mục tiêu dài hạn là xây dựng một ngành du lịch xanh, thân thiện với môi trường và bền vững.
Ngọc Huyền