Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu
18/04/2024TN&MTTác động của biến đổi khí hậu tới mọi hoạt động của tự nhiên và của con người; càng ngày các hình thái thời tiết và khí hậu cực đoan xảy ra càng nhiều hơn, những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng xảy ra khắc nghiệt hơn; hơi nước hiện hữu mạnh hơn trong khí quyển dẫn đến những trận mưa lớn cực đoan và lũ lụt; sự ấm lên của đại dương thúc đẩy các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao làm các tác động này gia tăng cực đoan hơn nữa.
Biến đổi khí hậu làm ngập lụt vùng ven biển
Thiên tai nước ta xảy ra với cường độ mạnh hơn và thường xuyên hơn
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nơi có hệ quả thời tiết là sự giao tranh giữa các hệ thống thời tiết hết sức phức tạp, chúng ta hàng năm phải gánh chịu rất nhiều thiên tai như bão lớn, lũ lụt,... Thiên tai không chỉ gây ra từ các hệ thống thời tiết qui mô lớn mà còn phát sinh từ các hệ thống thời tiết qui mô vừa vùng nhiệt đới. Những hệ thống thời tiết này đang đòi hỏi phải có những nghiên cứu khảo sát hết sức khoa học mới có thể dự báo và cảnh báo được. Chính vì vậy, năng lực cảnh báo đối với các thiên tai cũng còn hạn chế đối với một số trường hợp như lũ quét, tố lốc, dông sét,... Đây không chỉ là khó khăn của cơ quan khí tượng Việt Nam mà còn là khó khăn của rất nhiều nước đang phát triển. Sự phức tạp của hệ thống thời tiết kết hợp với sự phức tạp về mặt địa lý đã dẫn đến các hậu quả hết sức khác nhau của thiên tai đối với các vùng miền. Hiểu biết các bản tin cảnh báo, nhận thức được mối nguy hiểm trong bản tin cảnh báo cũng là một khó khăn đối với cộng đồng. Ngay như xoáy thuận nhiệt đới được tổ chức Khí tượng thế giới phân loại theo sức gió mạnh nhất và mức độ ảnh hưởng thành: Áp thấp; áp thấp nhiệt đới; bão; bão mạnh,...
Trên thực tế ở Việt Nam nhiều khi chỉ một vùng áp thấp đã có thể gây ra một đợt mưa lớn đến vài trăm mm. Tại miền Bắc, tác động của không khí lạnh cũng rất khác nhau đối với từng địa phương, và từng thời gian trong năm. Không phải đợt không khí lạnh nào cũng gây ra dông lốc, gây ra biển động mạnh trên vịnh Bắc Bộ và không phải đợt nào cũng có rét đậm, rét hại. Từ đó chúng ta thấy rằng cần phải có sự cảnh báo cụ thể cho từng địa phương và cần phải có sự hiểu biết nhất định của cộng đồng đối với nội dung mỗi cảnh báo. Cộng đồng có hiểu rõ nội dung cảnh báo và nhận thức được mức độ ảnh hưởng đến với mình thì mới có thể thúc đẩy họ có những hành động ứng phó thích hợp.
Thiên tai KTTV ở nước ta xảy ra với cường độ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Số cơn bão rất mạnh tăng dù tổng số cơn bão không đổi; số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở Bắc Bộ. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên phạm vi cả nước. Số tháng hạn tăng trên đa phần diện tích của Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và một phần diện tích đồng bằng Bắc Bộ và Nam Trung Bộ và có xu thế giảm trên đa phần diện tích Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Có thể thấy, thiệt hại của thiên tai phụ thuộc vào chính mức độ nguy hiểm của thiên tai, phụ thuộc vào tính kịp thời, cụ thể của bản tin cảnh báo được đưa ra bởi các cơ quan chức năng và cuối cùng chính là sự đối phó khẩn trương của từng địa phương đối với các thiên tai đó. Để giảm thiểu thiệt hại đối với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan Khí tượng - Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão từ Trung ương tới địa phương - Các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong năm 2023, khu vực ven biển ít chịu ảnh hưởng của bão/ATNĐ. Tuy nhiên, các đợt gió mùa mạnh kèm theo dông, lốc và sóng lớn đã làm đắm nhiều tàu thuyền của ngư dân trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, khiến cho nhiều người mất tích và bị thương. Vùng biển ngoài khơi Bình Thuận, đặc biệt là khu vực gần đảo Phú Quý là nơi thường xảy ra các vụ chìm tàu vào các thời điểm có gió mạnh, sóng lớn. Các cơn bão, ATNĐ năm 2023 ảnh hưởng đến Việt Nam đều gây nước dâng không đáng kể tại ven biển Việt Nam. Tuy nhiên, tại ven biển Trung Bộ, sóng lớn trong các đợt GMĐB kết hợp với triều cường cao, kèm theo mưa lũ đã gây sạt lở bờ biển vào giữa tháng 11 năm 2023. Tại ven biển Đông Nam Bộ, đợt triều cường từ ngày 29/9-04/10/2023 đã gây ngập úng tại nhiều khu vực trũng tại các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ và trên các lưu vực sông trong TP. Hồ Chí Minh. Trong những ngày giữa tháng 7, gió mùa Tây Nam kèm theo sóng lớn, nước dâng kết hợp với triều cường đã gây sạt lở đê biển Cà Mau; năm 2023 xảy ra nhiều đợt mưa dông trên diện rộng kèm các hiện tượng lốc, sét gây thiệt hại về người và tài sản,... Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 30/11, thiên tai đã làm 166 người chết, mất tích; 126 người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng; hàng ngàn ha lúa, hoa màu hư hại. Về nhà ở: 925 nhà sập đổ, 14.998 nhà hư hỏng, tốc mái, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước lũ. Về nông nghiệp, chăn nuôi: 151.604 ha lúa, hoa màu và 20.715 ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại; 3.348 con gia súc, 79.808 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về thủy sản: 3.995 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về thủy lợi: 183 m đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; hơn 736 công trình thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng. Về giao thông: Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với tổng khối lượng hơn 2,33 triệu m3 đất, đá, bê tông; 171 cầu tạm bị hư hỏng, cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính trên 7.807 tỷ đồng. Trong năm 2023 đã ghi nhận nhiều tai nạn trên biển, đáng chú ý nhất là hai vụ chìm tàu liên tiếp ở ngoài khơi Nam Trung Bộ vào đêm ngày 16/10/2023 làm 12 người mất tích.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, công tác dự báo cảnh báo đã thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các địa phương tổ chức lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai (tổng số trạm chuyên dùng đến tháng 3/2023 là 2.466 trạm).
Để giảm thiểu tác động của BĐKH, ngành KTTV thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao đó là thường xuyên giám sát các biểu hiện của BĐKH, mà quan trọng nhất là các đợt thiên tai thông qua hoàn thiện thể chế, quản lý công tác quan trắc, dự báo và truyền tin. Mục tiêu chung là phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo QP-AN trên phạm vi cả nước. Các nhiệm vụ trọng tâm ngành KTTV đang thực hiện là phát triển, hiện đại hóa hệ thống trạm KTTV; tích hợp, lồng ghép giữa mạng lưới trạm KTTV quốc gia với các trạm quan trắc trong ngành tài nguyên và môi trường và đồng bộ, liên thông với các trạm KTTV của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân; phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo KTTV, nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất; đánh giá tổng thể và phân vùng chi tiết rủi ro thiên tai KTTV; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số; quản lý vận hành hệ thống dự báo KTTV quốc gia, mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo cung cấp kịp thời các thông tin phục vụ công tác phòng chống thiên tai
Ứng phó với BĐKH toàn cầu đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam ngoài việc chuyển sang nền kinh tế phát thải thấp thì cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và thích ứng với BĐKH. Các dự báo không còn dừng ở thông tin về KTTV thuần túy mà cần dịch chuyển sang dự báo tác động, thông báo cho công chúng về những gì điều kiện KTTV sẽ gây ra, điều này có vai trò rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Thông tin cảnh báo KTTV phải thực sự được dùng hiệu quả cho các hành động sớm, đúng lúc nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Thông tin dự báo thời tiết, khí hậu ngoài mục đích giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, còn là tiền đề để góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau. Điều này thể hiện vai trò, trách nhiệm của KTTV ngày càng lớn hơn cũng như mong muốn và mục tiêu của ngành Khí tượng thế giới nói riêng, ngành KTTV Việt Nam nói chung trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Để các thông tin KTTV đi vào cuộc sống cần có sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác KTTV, thông tin, dữ liệu KTTV phải được xác định là cơ sở quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành. Trước sự bùng nổ về công nghệ thông tin, đối với ngành KTTV nước ta ngoài việc tổ chức đào tạo con người, hiện đại hóa thì ngành KTTV cũng đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tạo đột phá trong công tác KTTV, vì chúng tôi là người hiểu rõ nhất sự BĐKH ngày càng khốc liệt, thiên tai thời tiết diễn biến không theo quy luật, việc ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp đột phá nhằm tăng cường giám sát và nâng cao chất lượng dự báo thiên tai.
Tại hầu hết các nước trên thế giới, cơ quan KTTV sẽ đảm nhận việc sản xuất toàn bộ các chương trình dự báo, cảnh báo thiên tai trên đài truyền hình, đài phát thanh, website,... Cơ quan KTTV Quốc gia là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm làm bản tin cảnh báo thiên tai KTTV để thông báo tới các phương tiện thông tin đại chúng. Các tổ chức dự báo KTTV khác (các công ty tư nhân, các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận,...) phải phát đúng các bản tin cảnh báo của cơ quan KTTV quốc gia. Điều này sẽ tránh được việc có quá nhiều cảnh báo khác nhau đối với cộng đồng. Hệ thống cảnh báo thiên tai quốc gia Mỹ cho phép Cơ quan Khí tượng quốc gia có quyền truy cập vào sóng của các đài truyền hình, đài phát thành để phát các bản tin cảnh báo thiên tai tới cộng đồng. Khi hệ thống cảnh báo hoạt động, bằng việc sử dụng các các mã tín hiệu riêng, các chương trình đang phát trên đài và ti vi sẽ tự động dừng lại và thay vào đó sẽ phát bản tin cảnh báo thiên tai (thời lượng của các bản tin cảnh báo này chỉ dưới 2 phút). Nhiều đài truyền hình vẫn tiếp tục cho hiện biểu tượng hoặc chạy chữ bản tin cảnh báo thiên tai sau khi phát bản tin thiên tai chính thức.
Với quan điểm thông tin, dữ liệu KTTV là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực KT-XH, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, Ngành KTTV đang hướng tới các sản phẩm dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng đa dạng, xây dựng hệ thống dự báo tác động nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành nghề. Các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai phục vụ hiệu quả cho công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Tổng cục KTTV đã thực hiện các bản tin chuyên đề phục vụ các hoạt động diễn tập và các hoạt động khác cần thông tin KTTV. Đối với nông nghiệp: sản phẩm dự báo không chỉ dừng lại ở những con số nhiệt độ, lượng mưa trung bình mà còn có thể cung cấp số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa chi tiết theo từng thời kỳ mùa vụ. Xa hơn là các dự báo, cảnh báo về sâu bệnh, dự báo năng suất cây trồng theo các điều kiện thời tiết. Đối với thủy điện, Ngành KTTV đang thực hiện các bản tin dự báo phục vụ Quy trình vận hành hồ chứa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có thể thực hiện tốt các bản tin dự báo nguồn nước đến các hồ phục vụ điều hành sản xuất điện. Hệ thống truyền thông cấp quốc gia và cấp khu vực phải được xác định và thích hợp với từng địa phương. Cần sử dụng đa dạng các kênh thông tin để đảm bảo dân chúng tiếp nhận được các cảnh báo, tránh tình trạng bị rớt/tắc nghẽn/gián đoạn bất kỳ kênh thông tin nào.
PHƯƠNG ĐÔNG
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 4 năm 2024