Một số nghiên cứu về xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên thế giới
07/11/2022TN&MTCác nước trên thế giới đã có nhiều nỗ lực để tính toán chi phí thiệt hại do tác động tới sức khỏe của phương án chôn lấp và các phương án xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Những nghiên cứu này đều lượng giá giá trị thiệt hại do các tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất, môi trường không khí, tác động tới sức khỏe do ô nhiễm môi trường, tác động của biến đối khí hậu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng không thể đánh giá thấp hoặc bỏ qua nhóm chi phí ngoại ứng gồm chi phí ngoại ứng về môi trường, xã hội trong việc tính tổng chi phí của hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bài toán về phí dịch vụ
Dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là một trong những vấn đề được quan tâm, chú ý nhiều trong bối cảnh hiện nay với tốc độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế dẫn đến phát sinh một khối lượng lớn CTRSH ra ngoài môi trường. Có thể thấy, trong thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH gồm 03 chủ thể tham gia đó là nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ và các chủ nguồn thải là tổ chức, cá nhân và hộ gia đình. Trong mối quan hệ đó nhà nước đóng vai trò điều tiết hoạt động của thị trường thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Cụ thể, đối với nội dung về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH Nhà nước sẽ xác định mức giá dịch vụ áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phát sinh CTRSH và mức giá dịch vụ áp dụng cho đối tượng chủ đầu tư tham gia cung ứng dịch vụ này, từ đó, đưa ra các chế tài, cơ chế chính sách phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia, thúc đẩy sự hoạt động hiệu quả thị trường dịch vụ đặc biệt này.
Tương lai của trẻ em sẽ bị chôn vùi nếu không kịp thời ngăn chặn và hành động
Đối với các chủ đầu tư tham gia thực hiện các dự án về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, giá dịch vụ được ký kết sẽ được tính toán dựa trên chi phí tư nhân mà các tổ chức, cá nhân phải bỏ ra để thực hiện và cung cấp dịch vụ. Các loại chi phí như chi phí đầu tư, chi phí vận hành đều được tính toán dựa theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với sự biến động giá của các yếu tố đầu vào trong khoảng thời gian nhất định.
Đối với các chủ nguồn thải phát sinh CTRSH, nhiều chính phủ quốc gia ban hành hướng dẫn về các phương pháp thiết lập mức phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên những nguyên tắc: (1) Người gây ô nhiễm phải trả tiền; (2) Khả năng chi trả của chủ nguồn thải; (3) Khả năng thu hồi toàn bộ chi phí. Trên thế giới mức phí trung bình chiếm từ 1%-1,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình.
ảnh minh họa
Trong dịch vụ quản lý CTRSH, bên cạnh các chi phí tư nhân ròng (các chi phí và lợi ích cố định) hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH còn phát sinh các tác động ngoại ứng ròng hay chi phí, lợi ích ngoại ứng (chi phí ngoại ứng ròng). Vì vậy, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH cần được tính toán dựa trên tổng chi phí xã hội phát sinh từ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH bao gồm chi phí tư nhân ròng và chi phí ngoại ứng ròng. Chi phí tư nhân ròng bao gồm tổng hợp các chi phí và lợi ích đạt được khi thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Các chi phí, lợi ích ngoại ứng đóng vai trò quan trọng trong tổng chi phí ròng của một phương án thu gom, xử lý chất thải.
Ghi nhận một số nghiên cứu
Nghiên cứu của Jamasb và cộng sự cho rằng, các chi phí ngoại ứng/bên ngoài trong tổng chi phí là khoảng 10% đối với việc đốt rác và 25% đối với việc chôn lấp. Do đó, việc bỏ sót các chi phí bên ngoài có thể dẫn đến kết quả đánh giá sai lệch liên quan đến tổng chi phí quản lý CTRSH, từ đó dẫn tới mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH đối với các chủ nguồn thải và tổ chức tham gia đầu tư cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực này không được chính xác.
Nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu (2000) đã chỉ ra những lợi ích ngoại ứng từ các hoạt động xử lý CTRSH đó là (1) thay thế ô nhiễm: Ở một số BCL CTR, khí bãi rác có thể được thu gom và sử dụng như một nguồn năng lượng để phát điện. Năng lượng được sản xuất ra từ BCL sẽ thay thế các chất ô nhiễm, gây ra những tác động, những thiệt hại tới con người và hệ sinh thái (European Commitsion, 2000).
Nghiên cứu của David Wilson, Reka Soos và Otto Simonett (2015) đã tổng hợp tính toán về lợi ích tránh được liên quan tới sức khỏe cộng đồng khi có hệ thống quản lý chất thải rắn mới. Tránh thiệt hại/rủi ro sức khỏe cộng đồng tại Saint Lucia (quy mô dân số: 176.000) trong năm đầu tiên của hệ thống quản lý CTR là 3 triệu USD và lợi ích thu được khi tránh được những thiệt hại về sức khỏe ở Trinidad và Tobago (quy mô dân số 1.328.019) là 23 triệu USD/năm (David Wilson, Reka Soos và Otto Simonett, 2015)
Nghiên cứu của Chin - Huang Huang, Yuan Hsu Lin, Ming – Lang Tseng (2008): chia tổng chi phí và lợi ích của nhà máy đốt CTR phát điện Modular Starved- Air ở Philippin bao gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường. Chi phí về kinh tế gồm chi phí về đầu tư công nghệ cũng như chi phí duy trì vận hành nhà máy có tổng chi phí là 1.378.380 USD. Chi phí xã hội đó là những thiệt hại do ô nhiễm môi trường thứ cấp gây ra do hoạt động đốt CTRSH. Tổng chi phí thiệt hại tới sức khỏe ước tính là 6,45 triệu USD với 5.345 tấn chất thải rắn. Nghiên cứu cũng tính toán các lợi ích về kinh tế, xã hội của hoạt động đốt chất thải rắn. Hoạt động lò đốt giúp giảm các thiệt hại, mang lại các lợi ích tới môi trường như giảm lượng khí CO2 phát sinh (28.534 USD/năm) và giảm thiệt hại sức khỏe người dân (16.876 USD/năm) hay lợi ích về du lịch (142.029 USD/năm) (Chin – Huang Huang và cộng sự 2008)
Nghiên cứu của Seongwon và cộng sự (2004) về tác động môi trường của các phương án xử lý chất thải rắn tại Hàn Quốc bao gồm: Phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, phương pháp đốt, sản xuất phân compost và ủ kỵ khí. Với mỗi phương án lựa chọn nghiên cứu đã chỉ ra những tác động môi trường. Trong các phương án lựa chọn phương pháp đốt và sản xuất phân compost, ủ kỵ khí là phương án có ít tác động tới môi trường và phương pháp chôn lấp có tác động tới môi trường lớn hơn. Trong số các loại tác động môi trường xem xét, sự nóng lên toàn cầu, phú dưỡng và axit hóa là những yếu tố chính đóng góp cho tác động môi trường (Seongwon và cộng sự, 2004).
Nghiên cứu Ari Rabi và cộng sự (2008) về tác động môi trường và chi phí về chất thải rắn, so sánh giữa hai phương án là đốt và chôn lấp. Nghiên cứu xác định chi phí thiệt hại từ các phương án xử lý CTR. Nghiên cứu đã tính toán chi phí thiệt hại liên quan tới khí thải từ việc đốt CTR là từ 4-21 EUR/tấn và đối với BCL chi phí này là từ 10-13 EUR/tấn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chi phí thiệt hại về môi trường (liên quan tới khí thải) từ việc xây dựng cơ sở xử lý hoặc trong giai đoạn vận chuyển là rất nhỏ (Ari Rabi và Joseph Spadaro, 2008).
Nghiên cứu của Jihyun Kim và Sukjae Jeong (2017) về phân tích chi phí về môi trường và kinh tế cho giải pháp đốt CTR ở Hàn Quốc cho thấy chi phí về môi trường đối với giải pháp đốt được tính toán liên quan tới các loại khí COx và NOx. Hai loại khí này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng chi phí môi trường trong hoạt động quản lý chất thải (Jihuyn Kim và Sukafe Jeong, 2017).
Nghiên cứu của cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) (1977) khẳng định những chi phí của từng hoạt động quản lý chất thải rắn sẽ là cần thiết để tổng hợp chi phí của toàn bộ hệ thống và cơ quan quản lý đánh giá xem nên tự cung cấp dịch vụ hay ký hợp đồng cho dịch vụ đó. Các loại chi phí trong quản lý chất thải rắn (EPA, 1977):
Chi phí trả trước bao gồm các khoản đầu tư ban đầu và chi phí cần thiết để thực hiện các dịch vụ quản lý chất thải rắn : Giáo dục và tiếp cận cộng đồng, thu hồi đất, cấp phép, xây dựng |
Chi phí vận hành: vốn, nợ, sự cố, vận hạnh và bảo trì |
Chi phí kết thúc: đóng cửa địa điểm không hoạt động, ngừng hoạt động của trang thiết bị, hưu trí cho nhân viên |
Chi phí khắc phục tại các địa điểm không hoạt động: dọn dẹp các địa điểm đóng cửa |
Chi phí dự phòng: Chi phí khắc phục (chưa được phát hiện và / hoặc phát hành trong tương lai). Chi phí trách nhiệm (ví dụ: thiệt hại tài sản, thương tích cá nhân, thiệt hại tài nguyên thiên nhiên) |
Chi phí môi trường: Suy thoái môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên (bãi đất để chôn lấp) |
Chi phí xã hội: Ảnh hưởng đến giá trị tài sản, Hình ảnh cộng đồng, Tác động thẩm mỹ, Chất lượng cuộc sống |
|
Nghiên cứu của tổ chức phát triển Đức (GIZ) về hướng dẫn áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường xác định chi phí quản lý chất thải rắn gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Trong đó chi phí trực tiếp gồm chi phí đầu tư, chi phí hoạt động chiếm từ 60%-85% tổng chi phí quản lý chất thải rắn. Chi phí gián tiếp xem xét chi phí xã hội, môi trường hoặc kinh phí của từng phương án lựa chọn, ví dụ chi phí tác động tiêu cực tới sức khỏe, chi phí y tế, chi phí do thu nhập bị mất. Việc xác định tổng chi phí giúp đảm bảo hệ thống tài chính bền vững. Chi phí hàng năm bao gồm chi phí duy trì hoạt động của phương án xử lý, chi phí điều trị (liên quan tới sức khỏe người dân hoặc công nhân), khấu hao tài sản và lợi nhuận thu được (GIZ, 2012).
Dự kiến đến năm 2050, lượng chất thải toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 3,40 tỷ tấn, cao hơn gấp đôi mức tăng dân số so với cùng kỳ. Nhìn chung, có mối tương quan thuận giữa việc tạo ra chất thải và mức thu nhập. Lượng rác thải bình quân đầu người hàng ngày ở các nước thu nhập cao dự kiến sẽ tăng 19% vào năm 2050, so với các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi dự kiến sẽ tăng khoảng 40% hoặc hơn. Việc phát sinh chất thải ban đầu giảm ở mức thu nhập thấp nhất và sau đó tăng với tốc độ nhanh hơn đối với những thay đổi gia tăng về thu nhập ở mức thu nhập thấp so với mức thu nhập cao. Tổng lượng chất thải được tạo ra ở các nước thu nhập thấp dự kiến sẽ tăng hơn ba lần vào năm 2050. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang tạo ra phần lớn chất thải trên thế giới, ở mức 23%, còn khu vực Trung Đông và Bắc Phi là sản xuất ít nhất về giá trị tuyệt đối, ở mức 6%. Tuy nhiên, các khu vực phát triển nhanh nhất là Châu Phi cận Sahara, Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, nơi mà vào năm 2050, tổng lượng chất thải phát sinh dự kiến sẽ tăng hơn gấp ba lần, gấp 4 lần.
Thành Nam