Một số điểm mới trong giao quyền sử dụng biển
08/12/2021TN&MTNghị định số 11/2021/NĐ-CP về giao quyền sử dụng biển, đảm bảo việc sử dụng biển phải phù hợp với các quy hoạch (Nghị định); loại trừ những mâu thuẫn, xung đột trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển giữa các tổ chức, cá nhân với các mục đích khác nhau; đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp,... góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn - đó là những chia sẻ về mục đích hướng đến của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP được ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường.
Phóng viên: Điểm mới của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP về giao quyền sử dụng biển đã được thể hiện cụ thể như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Nghị định quy định tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân có phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định, tức là phải được giao khu vực biển để sử dụng (trừ việc sử dụng khu vực biển vào mục đích QP-AN không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định và một số trường hợp không phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển); trong đó, đặc biệt quan trọng là bổ sung quy định giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Nghị định bổ sung quy định các trường hợp sử dụng khu vực biển không phải giao khu vực biển mà chỉ cần cơ quan QLNN có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng.
Nghị định đã bổ sung, giải thích rõ các khái niệm; lược bỏ phương pháp xác định ranh giới vùng biển theo phương vĩ tuyến trong Nghị định số 51 để bảo đảm chiều rộng của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm; quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc xác định, công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý của đất liền và đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo và việc rà soát, chỉnh lý, bổ sung, cập nhật.
Nghị định bổ sung các quy định mới về căn cứ giao khu vực biển, đặc biệt là trong trường hợp chưa có các quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quy định việc giao khu vực biển căn cứ vào các quy hoạch theo thứ tự ưu tiên khi áp dụng; quy định cụ thể việc xác định diện tích khu vực biển giao cho tổ chức, cá nhân trong các trường hợp cụ thể. Quy định rõ trong một vùng biển có thể giao cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc nhiều mục đích sử dụng nhưng không được mâu thuẫn với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác đang được phép tiến hành. Trong một khu vực biển có thể giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Bổ sung, quy định cụ thể về công nhận khu vực biển đối với một số trường hợp đang sử dụng biển trên thực tế; bổ sung quy định việc sử dụng khu vực biển để nhận chìm thì không phải nộp hồ sơ giao khu vực biển mà sẽ được xem xét, cấp đồng thời Giấy phép nhận chìm ở biển và Quyết định giao khu vực biển để đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện.
Bổ sung Chương IV, quy định về tiền sử dụng khu vực biển trên cơ sở kế thừa, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch 198/2015/TTLT của Bộ TN&MT với Bộ Tài chính trước đây; bổ sung các quy định về các hoạt động sử dụng khu vực biển không phải nộp tiền sử dụng khu vực biển.
Nghị định đã quy định, trường hợp một tổ chức, cá nhân được giao các khu vực biển sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau ở trong cùng một vùng biển thì việc thu tiền sử dụng khu vực biển được thực hiện đối với từng hoạt động sử dụng khu vực biển tương ứng đối với mỗi khu vực biển được giao trong vùng biển đó; trường hợp trong cùng một khu vực biển có nhiều hoạt động sử dụng khu vực biển theo các mục đích khác nhau, nhưng không xác định được diện tích riêng cho mỗi mục đích sử dụng thì áp dụng mức thu cao nhất trong số các mục đích sử dụng để tính tiền sử dụng khu vực biển trong khu vực biển được giao cho tổ chức, cá nhân.
Sử dụng diện tích mặt biển để nuôi hải sản ở Quảng Ninh
Phóng viên: Những quy định đã được chỉnh sửa để phù hợp với thực tiễn được cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Nghị định đã chỉnh sửa quy định về thời hạn giao khu vực biển, đối với dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư mà có thời hạn đầu tư trên 30 năm thì thời hạn giao khu vực biển được xem xét, quyết định trên 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn đầu tư ghi trên văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (trừ dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển). Trước đây, Nghị định số 51 quy định thời hạn giao khu vực biển tối đa không quá 30 năm.
Nghị định chỉnh sửa quy định về các trường hợp được sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, trong đó đặc biệt là bổ sung trường hợp tổ chức, cá nhân đã được giao khu vực biển chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với quyền sử dụng khu vực biển, thay đổi nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, chấp thuận, điều chỉnh theo quy định của pháp luật đầu tư; chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp để đồng bộ với pháp luật đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Chỉnh sửa các quy định về hồ sơ, việc tiếp nhận, trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ trên tinh thần cải cách hành chính, đặc biệt là giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời hạn giải quyết. Bên cạnh đó, chỉnh sửa các trường hợp bị thu hồi khu vực biển cho phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm QP-AN, chủ quyền quốc gia.
Phóng viên: Nghị định điều chỉnh lần này thể hiện rõ sự phân định 4 cấp thẩm quyền giao khu vực biển, xin ông cho biết vai trò của tầng cấp?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Nghị định số 11/2021/NĐ-CP đã đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giao khu vực biển cho chính quyền địa phương, mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh ra đến 6 hải lý so với Nghị định số 51 trước đây chỉ đến 3 hải lý; thêm thẩm quyền giao khu vực biển cho UBND cấp huyện đối với nuôi trồng thủy sản. Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định rõ thẩm quyền giao khu vực biển được giao cho 4 cơ quan nhà nước và cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ quyết định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, trừ các trường hợp giao khu vực biển sử dụng để nhận chìm ở biển, nuôi trồng thủy sản trên biển.
Bộ TN&MT quyết định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; khu vực biển liên vùng; khu vực biển có phạm vi nằm ngoài vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định và khu vực biển do nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị giao để thực hiện các dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền và các đảo theo quy định, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND cấp huyện.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có biển chỉ quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận trong phạm vi vùng biển 3 hải lý với hạn mức giao khu vực biển không quá 1 ha.
Phóng viên: Với Nghị định này, ông có điều gì muốn chia sẻ với người dân đang nuôi hải sản ngoài biển - những người đang góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo để họ yên tâm bám biển, phát triển kinh tế?
Ông Nguyễn Thanh Tùng: Việt Nam được lợi thế là một quốc gia có biển với các vùng biển rộng lớn, chứa đựng nguồn TNTN phong phú, đa dạng. Biển, đảo là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nuôi trồng và khai thác hải sản là một trong 6 ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển được đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị định số 11/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP nhằm góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển - một trong 3 khâu đột phá của Chiến lược. Trong Nghị định đã bổ sung mới các quy định về giao, sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, chỉ có nuôi trồng thủy sản được UBND cấp huyện giao khu vực biển không thu tiền sử dụng khu vực biển trong hạn mức 1ha với các quy định về hồ sơ, thủ tục đơn giản; Bộ TN&MT cũng đã xây dựng, trình Chính phủ xem xét để ban hành nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, bảo đảm tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn cũng như bảo đảm việc thực hiện các quyền của người dân khi được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, thể hiện chính sách của Nhà nước ta trong ưu tiên phát triển nuôi trồng hải sản; cùng với việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp với sự góp sức của các cấp, các ngành và cả cộng đồng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng hành cùng hàng triệu người dân ra khơi, bám biển, phát triển nghề truyền thống từ bao đời nay của chúng ta; chung tay góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm QP-AN, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông./.
Hồng Minh (thực hiện)