Mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá theo phụ lục V Công ước Marpol
27/07/2022TN&MTTrong khuôn khổ triển khai “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2030”, năm 2021 - 2022, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) triển khai Dự án “Mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá thực hiện Phụ lục V Công ước MARPOL”.
Mô hình là một tập hợp các giải pháp được triển khai với 25 tàu cá có chiều dài trên 12m tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng, áp dụng các khuyến nghị về các quy định quản lý rác thải nhựa đối với các tàu cá, cảng cá theo quy định tại Phụ lục V Công ước MARPOL phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam.
Phụ lục V Công ước MARPOL cấm xả thải nhựa ra biển trong mọi trường hợp và khuyến nghị các giải pháp thực hiện, bao gồm: (1) Sử dụng các vật dụng thay thế, thân thiện với môi trường để giảm thiểu rác thải nhựa; (2) Có không gian và thiết bị trên tàu để thu gom, lưu trữ rác thải nhựa mang về bờ; (3) Có cơ chế thu gom, phân loại và xử lý rác thải nhựa phù hợp, đảm bảo xử lý được toàn bộ rác thải nhựa tại cảng và không làm ảnh hưởng đến lịch trình tàu; (4) Một số loại tàu phải có Nhật ký rác.
Mô hình đã cụ thể hóa các khuyến nghị trên bằng một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, dự án đã tổ chức hàng loạt các sự kiện truyền thông, nâng cao nhận thức của các bên liên quan về quy định của Phụ lục V Công ước MARPOL, về tác hại của rác thải nhựa đại dương cũng như các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Trong đó, nổi bật là 02 lớp tập huấn cho cơ quan quản lý, ban quản lý cảng cá, ngư dân và các bên liên quan về thực hiện mô hình, cách thức thu thập thông tin, sổ ghi rác theo Phụ lục V Công ước MARPOL, kiểm toán rác thải nhựa, nhập và quản lý số liệu rác thải nhựa cho tàu cá, ban quản lý (BQL) cảng cá. Qua đó, ngư dân hiểu về tác hại của rác nhựa biển đối với môi trường và thu nhập của chính mình, tự nguyện thu gom rác thải nhựa. Sau khi tham gia thực hiện dự án, nhiều ngư dân khẳng định rằng họ không vứt rác xuống biển, thậm chí còn đưa rác vớt được (từ lưới kéo, từ vợt rác trên biển) vào bờ. Có ngư dân còn yêu cầu hỗ trợ cán vợt để khi gặp rác trôi nổi trên biển sẽ vớt đem vào bờ. Ngoài tập huấn, các hình thức tuyên truyền cũng khá đa dạng như truyền thanh trên hệ thống loa phát thanh, lắp đặt bảng tuyên truyền, sổ tay truyền thông cho ngư dân. Đồng thời, BQL cảng cá cũng được hỗ trợ cả về cơ sở vật chất và quy trình giao nhận rác thải nhựa để nâng cao năng lực quản lý tại cảng.
Ngư dân chuyển sang sử dụng bình inox đựng nước
Thứ hai, hỗ trợ ngư dân những vật dụng, đồ dùng có khả năng sử dụng nhiều lần (bình nước inox, ki đựng - bảo quản thủy sản) trong quá trình đi biển thay thế cho các vật dụng nhựa sử dụng một lần (chai nhựa, túi nilon) nhằm giảm thiểu rác nhựa phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản. Dự án cũng cung cấp túi đựng rác để ngư dân thu gom, phân loại và lưu trữ trên tàu, mang về bờ xả thải thay vì vứt xuống biển. Qua đó, ngư dân đã tự giác mang rác thải về cảng, giao nhận cho BQL.
Thứ ba, xây dựng và tổ chức thu gom, phân loại và xử lý rác thải nhựa tại cảng. Theo đó cảng cá được hỗ trợ thùng rác, máy ép rác để giảm thể tích rác thu được trước khi đem xử lý. Đặc biệt, dự án đã xây dựng bảng ghi chép dụng cụ, vật tư, vật dụng đem theo mỗi chuyến tàu ra khơi và lượng rác tương ứng mang về, thí điểm thực hiện việc ghi nhật ký rác cho tàu cá. Để minh chứng ngư dân mang rác vào bờ, tuân thủ Phụ lục V Công ước MARPOL, dự án đã trang bị camera ghi lại những lần ngư dân đổ rác, máy quét mã khi ngư dân đổ rác hay nộp giấy tờ liên quan. Với cơ sở vật chất và quy trình quản lý rác thải tại cảng được dự án hỗ trợ, BQL cảng đã tổ chức thực hiện tốt việc thông tin, báo cáo và kiểm toán rác thải nhựa tại cảng.
Hình ảnh đưa rác về bờ trên tàu cá
Qua việc thí điểm mô hình, có thể bước đầu khẳng định việc thực hiện Phụ lục V Công ước MARPOL là khả thi đối với cảng cá và đội tàu khai thác, qua đó giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Các giải pháp đưa ra trong dự án có thể được tiếp tục thí điểm tại các địa phương khác và nhân rộng trên toàn quốc. Vấn đề đặt ra là trước mắt cần sử dụng các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực của các bên có liên quan với các biện pháp đơn giản, dễ thực hiện. Về lâu dài cần quy định các điều cấm, quy chuẩn, quy trình và cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Nguyên Minh