Lượng rác thải sinh hoạt tại Bắc Giang sẽ tăng 40% vào 2030
15/04/2024TN&MTVới khoảng 1,9 triệu người, lượng rác thải sinh hoạt hiện nay trên toàn tỉnh Bắc Giang là 971 tấn/ngày. Con số này dự kiến sẽ lần lượt tăng 10% vào 2025 và tăng 40% vào 2030.
Thực trạng về công tác quản lý rác thải sinh hoạt
Phát biểu tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Môi trường nông nghiệp, Nông thôn và Phát triển bền vững” được Khoa Tài nguyên và Môi trường của trường Học viện Nông nghiệp tổ chức mới đây, ThS. Đàm Thị Hương Giang, Phó Chánh văn phòng (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang) cho biết, trước đây việc xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh chủ yếu vẫn là chôn lấp và đốt lộ thiên làm phát sinh côn trùng, khí thải và nước rỉ rác từ bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường thứ phát, người dân thường xuyên có ý kiến phản ánh; năm 2017 khối lượng thu gom, xử lý rác thải đạt tỷ lệ thấp khoảng 58,9%; còn khối lượng lớn rác thải được xả thải, vứt bỏ ra khu vực công cộng, kênh mương, sông ngòi gây ô nhiễm, lây lan dịch bệnh.
ThS. Đàm Thị Hương Giang, Phó Chánh văn phòng (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang).
Xác định vấn đề trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17 ngày 27/02/2020 huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải ra môi trường; theo đó một loạt các cơ chế, chính sách đã được ban hành,..
Nhờ vậy, đến tháng 4/2024, tỉnh Bắc Giang đã thành lập và duy trì hoạt động 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải cho 100% xã, phường, thị trấn; bố trí 2.200 điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thôn và 12 ga ép rác tại thành phố Bắc Giang trước khi vận chuyển đến khu xử lý tập trung; các huyện bố trí 26 xe ép rác chuyên dụng, 76 xe ô tô và nhiều xe thô sơ khác…; Tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt 94,5%, tương đương 918 tấn/ngày.
5/10 huyện bố trí thu gom, xử lý rác thải tập trung cấp huyện, với tổng công suất 350 tấn/ngày, có 60 xã có khu thu gom, xử lý rác thải tập trung quy mô xã, cụm xã; toàn tỉnh đang hoạt động 77 lò đốt rác công nghệ. Tỷ lệ rác thải được thu gom toàn tỉnh đạt 94,4%, tương đương 867 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ rác thải được xử lý hợp vệ sinh trên toàn tỉnh đạt 83,5%.
Với khoảng 1,9 triệu người, lượng rác thải sinh hoạt hiện nay trên toàn tỉnh Bắc Giang là 971 tấn/ngày.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai các bước xây dựng 02 Nhà máy đốt rác phát điện quy mô liên huyện, công suất 750 tấn/ngày tại thành phố Bắc Giang và 650 tấn/ngày tại huyện Hiệp Hòa.
Tuy nhiên, theo ThS. Giang công tác quản lý rác thải sinh hoạt của tỉnh vẫn còn những khó khăn, tồn tại như tiến độ đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa triển khai còn chậm, do khó khăn về tham vấn cộng đồng dân cư, người dân không đồng thuận; khó khăn về việc bổ sung quy hoạch điện rác.
Nhận thức của người dân về công tác thu gom, xử lý rác thải tuy đã được nâng lên, nhưng còn một bộ phận thiếu ý thức trong việc phân loại, không nộp tiền dịch vụ vệ sinh môi trường, xả rác thải không đúng quy định.
Một số xã thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, có địa hình phân tán, dân cư thưa thớt, giao thông không thuận lợi gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý rác thải.
Nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế; việc vận chuyển rác thải hiện nay chủ yếu bằng các phương tiện xe thô sơ, xe tự chế; các thiết bị lưu giữ, phân loại, điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải chưa đồng bộ, đảm bảo quy định.
Để đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo, “tỉnh Bắc Giang đã đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp khắc phục; trong đó năm 2024 phối hợp với Viện nghiên cứu khoa Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu xử lý cụm thôn, xã, cụm xã”, ThS. Giang nhấn mạnh!.
Về chất thải chăn nuôi
Theo ThS. Đàm Thị Hương Giang, hoạt động chăn nuôi tại tỉnh Bắc Giang phát triển đa dạng với tổng số 370 cơ sở chăn nuôi lợn và 259 cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, ngoài ra ở các thôn, bản, khu dân cư tập trung còn có số lượng lớn các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.
Chất thải từ hoạt động chăn nuôi bao gồm phân, nước thải, thức ăn thừa, vật liệu lót chuồng, xác súc vật chết,…phát sinh với khối lượng lớn từ các trang trại chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ở hộ gia đình nhưng các công trình xử lý chất thải chưa đáp ứng được yêu cầu (các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn từ 5.000 con lợn trở lên đã có hệ thống xử lý chất thải cơ bản đảm bảo; tuy nhiên quá trình vận hành còn xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường; các trang trại chăn nuôi quy mô trung bình, nhỏ, hộ gia đình chủ yếu xử lý chất thải rắn, nước thải sơ bộ bằng hầm biogas không đảm bảo, được thải ra kênh, mương, ao, hồ) gây mùi hôi, thối, ô nhiễm môi trường nước, không khí.
Cơ sở nuôi ngựa tại thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang.
Điển hình ở xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa có thời điểm có 341 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô 50-700 con lợn/năm, 100-2.000 gia cầm/năm, hàng ngày phát sinh khoảng 1.000m3 chất thải nhưng chỉ được xử lý sơ bộ bằng hầm biogas, xả thải ra kênh tưới tiêu gây ô nhiễm cả tuyến kênh, nước thải đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tuy nhiên, do dịch tả Châu Phi hiện nay số hộ, số lượng đầu gia súc chăn nuôi đã giảm đáng kể, khoảng 80%, chất lượng nguồn nước dần được cải thiện.
“Kết quả phân tích chất lượng nước thải của một số cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 30 đến dưới 100 con trên địa bàn tỉnh cho thấy: có đến 8/10 thông số vượt so với quy chuẩn cho phép, trong đó BOD5 vượt gần 14 lần, Coliform vượt gần 20 lần, COD vượt gần 18 lần”, ThS. Giang nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ThS. Giang, vấn đề khó khăn chủ yếu là việc hình thành tự phát các cơ sở chăn nuôi quy mô hộ gia đình, không theo quy hoạch, không đầu tư các công trình xử lý chất thải đảm bảo; cần có những giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô nhỏ, chi phí thấp, vận hành đơn giản.
“Sở TN&MT đang phối hợp với Khoa Tài nguyên và Môi trường của trường Học viện Nông Nghiệp thực hiện dự án Điều tra, khảo sát thực trạng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập cho người chăn nuôi”, ThS. Giang cho biết thêm!.
Nước thải sinh hoạt khu dân cư, nước thải làng nghề
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay chỉ có TP. Bắc Giang đang hoạt động hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung công suất 2.000 m3/ngày, tuy nhiên mới chỉ xử lý khoảng 50% nước thải của toàn thành phố; còn 09 huyện, thị xã đều chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.
Theo ThS. Đàm Thị Hương Giang, hạ tầng kỹ thuật về thu gom, xử lý nước thải tại các khu dân cư tập trung ở khu vực nông thôn đều chưa được đầu tư đồng bộ, nước thải từ các hộ gia đình một phần được thu gom, xử lý qua bể tự hoại, còn lại chưa được xử lý thải trực tiếp ra rãnh thoát nước chung hoặc ra các ao, hồ, kênh, mương, sông gây suy giảm chất lượng nước mặt.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã đưa vào hoạt động 9 Khu công nghiệp và 36 Cụm công nghiệp, qua đó đã hình thành các khu dân cư tập trung với số lượng dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực xung quanh các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp (có nơi tăng lên hàng chục nghìn người, trong khi chưa có hạ tầng xử lý chất thải đồng bộ đã dẫn đến gây ô nhiễm cục bộ tại khu vực.
Theo kết quả lấy mẫu, quan trắc tháng 3/2023 cho thấy, nước thải lấy tại mương thoát nước thải sinh hoạt khu vực thôn My Điền, xã Hoàng Ninh và thôn Hùng Lãm, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên có 4-8 chỉ tiêu vượt quy chuẩn môi trường cho phép từ 1,15 - 2,73 lần.
Lò vôi trên địa bàn thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, Bắc Giang.
Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề diễn ra chủ yếu tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm (làng nghề nấu rượu xã Vân Hà, làng nghề làm mỳ xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn; làng nghề làm mỳ, bánh đa phường Dĩnh Kế, làng nghề làm bún phường Đa Mai), cơ bản các cơ sở sản xuất chưa đầu tư, xây dựng các công trình xử lý chất thải hoặc có công trình nhưng hiệu quả xử lý thấp, nước thải tại các điểm xả ra nguồn tiếp nhận đều vượt quy chuẩn môi trường cho phép nhiều lần; ô nhiễm cục bộ về môi trường không khí, tiếng ồn, bụi tại các làng nghề làm mộc dân dụng, làng nghề nung vôi. (Kết quả quan trắc năm 2023 cho thấy: Chỉ tiêu TSP trong không khí vượt giới hạn cho phép tại làng nghề nung vôi xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế vượt 1,27 lần; làng nghề Bãi Ổi, thành phố Bắc Giang vượt 1,67 lần).
“Sở TN&MT Bắc Giang đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng các khu dân cư tập trung, nhà ở xã hội có hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải đồng bộ để giảm tải áp lực dân số tập trung xung quanh các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp; quy định chấm dứt hoạt động các làng nghề nung vôi thủ công; bố trí di dời các hộ sản xuất tại các làng nghề ra các Cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung; xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 1.500 m3/ngày để khắc phục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với làng nghề Vân Hà; đến năm 2030, 2050 quy hoạch các khu xử lý tập trung để xử lý nước thải cho một số khu vực dân cư xung quanh các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp có mức độ ô nhiễm lớn”, ThS. Giang chia sẻ thêm!.
Tuy nhiên, theo ThS. Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2030, 2050 cần có những giải pháp ngắn hạn, cục bộ, hiệu quả để giải quyết tình trạng ô nhiễm tại các khu dân cư, để giảm thiểu áp lực lên các thủy vực tiếp nhận nguồn thải; có một số khu vực đã hết khả năng tiếp nhận đối với một số thông số hữu cơ như BD5, COD, amoni.
Văn Thanh