Kiểm toán môi trường: Bài 1- Phát triển kinh tế và những hệ lụy
03/04/2024TN&MTĐể có một sự phát triển bền vững cần phải có một chương trình hành động thống nhất và có thể bổ sung hỗ trợ lẫn nhau giữa phát triển sản xuất với công tác bảo vệ và kiểm soát môi trường. Nếu không có một chính sách đúng đắn và chế tài nghiêm minh về bảo vệ môi trường, nền kinh tế sẽ bị thiệt hại trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời sự phát triển của đất nước cũng thiếu bền vững.
Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang ngày càng nghiêm trọng
Bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức
Số lượng đô thị nước ta mỗi năm một tăng, mở rộng cả về quy mô lẫn diện tích. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn ô nhiễm môi trường. Một trong số nhiều nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng đô thị chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được nhu cầu công cuộc đô thị hóa, ý thức và trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân chưa cao, chế tài pháp lý chưa rõ ràng.
Ở nước ta TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn, đồng thời cũng là nơi đang phải gánh chịu nhiều áp lực về ô nhiễm môi trường như: Ô nhiễm bụi mịn; ô nhiễm nguồn nước tại sông hồ, kênh rạch nội thành; ngập úng sau những trận mưa lớn có xu hướng mở rộng và gia tăng; suy giảm mực nước ngầm và xâm nhập mặn ở đô thị ven biển; tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đúng kỹ thuật còn thấp, công nghệ lạc hậu chưa phù hợp thực tế; vấn đề quy hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang đứng trước rất nhiều thách thức.
Một bức tranh với nhiều gam tối về môi trường đã hiện rõ và nguyên nhân được phóng viên tiếp tục ghi nhận. Một trong số nhiều nguyên nhân, đó là quá trình đô thị hoá và do tác động của cơ chế thị trường giá đất tăng nên nhiều ao hồ bị lấp dần để xây nhà và công trình, nhiều khu đất trống, hồ điều hòa cũng bị san lấp dẫn đến tình trạng thiếu rãnh thoát nước, nước thải từ các hộ gia đình tràn chảy ra đường vì không có hệ thống thoát nước điều này đã gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng.
Việc lấy đất xây dựng các công trình cũng làm tỷ lệ cây xanh và mặt nước trong đô thị bị giảm dẫn đến tình trạng thiếu ôxy không khí ngột ngạt, ô nhiễm. Bên cạnh đó sự bùng nổ về phương tiện giao thông cơ giới trong đô thị vượt quá khả năng chịu tải của hệ thống giao thông gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, thải ra nhiều khí bụi độc hại, tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn trầm trọng trong đô thị.
Đến nay, Hà Nội chưa kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, tổng hợp từ nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới cho thấy bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống), PM 10 (10 micron trở xuống) có nguồn phát thải chính từ phương tiện giao thông đường bộ và bụi đường. Trong đó, nguồn giao thông chiếm 66,3% đối với PM 2.5 và hơn 54% đối với PM 10.
Ngoài ra, đốt rơm rạ ngoài trời và hoạt động công nghiệp cũng được xác định là nguồn phát thải lớn hai loại bụi này. Thành phố đang phải đối mặt vấn đề ô nhiễm không khí, chủ yếu do bụi PM 2.5, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng phát triển kinh tế hiện nay các nhà máy công nghiệp, các ngành nghề sản xuất phụ phát triển nhanh ngày càng nhiều do đó mức độ ô nhiễm ở những nơi có nhà máy sản xuất công nghiệp, sản xuất ngành nghề phụ cũng gây ra ô nhiễm rất nghiêm trọng.
Đặc biệt, ý thức và trách nhiệm của không ít cá nhân tổ chức với bảo vệ môi trường còn rất kém, đây chính là tồn tại mà báo chí truyền thông cả nước đang cũng đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cùng với việc phải nghiêm khắc thực thi những quy định đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ngành công nghiệp: Đây là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất do con người gây ra. Là quá trình đốt cháy các nhiên liệu như than, dầu, khí đốt tạo ra các chất khí độc hại (CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết: muội than, bụi). Nguồn công nghiệp có nồng độ độc hại cao, tập trung ở một không gian nhỏ, và tùy thuộc vào quy mô sản xuất và nhiên liệu sử dụng thì lượng chất độc hại và loại chất độc hại sẽ khác nhau. Các doanh nghiệp này thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ có công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Một số cơ sở sản xuất có thiết bị lọc bụi, và hầu như chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại,nếu có thì cũng không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu khí thải là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.
Hoạt động giao thông vận tải: Đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm trực tiếp lớn nhất đối với không khí, đặc biệt là ở khu đô thị và khu đông dân cư. Quá trình đốt nhiên liệu động cơ tạo ra các chất khí độc hại làm ảnh hưởng đến không khí như CO2, CO, SO2, NOx, Pb, CH4…
Phải kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm
Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề cần kíp trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra rất khắc nghiệt. Vấn đề này đã được Đảng và nhà nước ta rất quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng thời gian qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn.
Kiểm toán tại hiện trường giữ vai trò quan trọng trong kiểm toán môi trường
Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại nhiều điểm thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia cho thấy tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số địa phương khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Hà Nội đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… trong không khí rất lớn cũng góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Do vậy Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đưa ra yêu cầu phải thực hiện ngay một số giải pháp.
Tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải, đặc biệt là nguồn từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, khu vực công trình xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Đồng thời, Cục Kiểm soát ô nhiễm đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, xã vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải; chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tổ chức kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.
Để cải thiện, nâng cao chất lượng không khí phải kiểm soát nguồn thải. Việc này không phải một sớm một chiều, tuy nhiên thực tế cho thấy trong những năm qua chúng ta làm ít quá và chưa triệt để...
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tập trung kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, trong đó yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lập và thực hiện phương án, tổ chức tự quản và xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở các làng nghề; đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường cả các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong các làng nghề.
Mặt khác, tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình tổ chức giám sát đối với dự án, cơ sở sản xuất lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường cao tại các địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, nhất là tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn.
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường đề nghị các cơ quan chức năng cần duy trì, phát huy hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương, nhất là mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường ngay từ cơ sở.
Bên cạnh đó, các địa phương lập và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường các cấp và tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, trong đó chú trọng đến huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố môi trường; đồng thời triển khai các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu các công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, gây ô nhiễm môi trường tại địa phương mình quản lý.
Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành có liên quan quan phối hợp để có những chế tài xử phạt phải thực sự mạnh để đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân, đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức giám sát chặc chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn.
Cần bổ sung chính sách và kiểm toán môi trường, thuế phí, quỹ môi trường chính sách về áp dụng công nghệ sạch hơn. Công nghệ ít chất thải, công nghệ xử lý chất thải .
Tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế. Trong quản lý kết hợp các công cụ quản lý có tính mệnh lệnh. Đảm bảo công bằng các lợi ích về môi trường.
Bài 2 - Thực hiện Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững
Minh Diệp