Khởi động chiến dịch “Nói không với rác nhựa, lưu lại dấu tay xanh" tại Côn Đảo
13/04/2024TN&MTMới đây, UBND huyện Côn Đảo, Trung tâm bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo và Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức lễ khởi động chiến dịch truyền thông du lịch giảm nhựa tại Khách sạn Marina bay, Côn Đảo.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh tặng thiết bị đo chất lượng không khí cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo
Lễ khởi động là cột mốc quan trọng trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông du lịch giảm nhựa với thông điệp “Nói không với rác thải nhựa, lưu lại dấu tay xanh” được thực hiện với sự hỗ trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Dự án) do Tổ chức WWF-Việt Nam phối hợp triển khai cùng Cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Đây là một trong những nỗ lực thiết thực của UBND huyện Côn Đảo, Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia và Dự án với kỳ vọng góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường, đồng thời hạn chế đốt vàng mã tại các điểm tham quan, khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện Côn Đảo. Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, xử lý lượng rác thải tồn đọng trong môi trường, tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và tập trung xử lý chất thải nhựa.
Với đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Lượng khách du lịch tăng nhanh chóng nên các bãi rác của huyện rơi vào tình trạng quá tải. Theo số liệu thống kê, lượng CTRSH trung bình phát sinh tại Côn Đảo hiện dao động trong khoảng 20 - 25 tấn/ngày, lượng rác tồn đọng chưa được xử lý hiện nay là trên 70.000 tấn tại bãi Nhát (số liệu ghi nhận tháng 7/2020).
Chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm với tỉ lệ phần trăm rác thải nhựa phát sinh tại các hoạt động dịch vụ du lịch chiếm 33,3% so với tổng lượng phát sinh toàn huyện (WWF, 2021). Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những vấn đề đáng quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương.
Chính vì vậy, chiến dịch “Nói không với rác nhựa, Lưu lại dấu tay xanh" được thực hiện nhằm tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch tới các điểm tham quan, điểm di tích lịch sử để mỗi du khách cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tại Côn Đảo.
Đồng thời, các hoạt động truyền thông tiếp nối Lễ khởi động chiến dịch truyền thông du lịch giảm nhựa sẽ được UBND huyện Côn Đảo, Trung tâm bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo và WWF-Việt Nam thực hiện như: Tuyên truyền về hạn chế/ không đốt vàng mã tại các điểm tham quan, khu, điểm di tích lịch sử và tổ chức Cuộc thi Giỏ đồ lễ Xanh; Cuộc thi Thử thách Dấu tay xanh (từ 22/04 - 30/06/2024); Bộ sản phẩm sáng tạo truyền thông: tranh tường, bộ huy hiệu Côn Đảo và sản phẩm bưu thiếp; Tuần lễ ngưng nhựa/ thu gom rác tái chế (do BQL Khu du lịch Quốc gia và Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo chủ trì).
Một trong những hoạt động điểm nhấn của chiến dịch truyền thông là lắp đặt thiết bị đo chất lượng không khí tại Côn Đảo nhằm phổ biến hiện trạng chất lượng không khí tại đảo, từ đó nâng cao nhận thức cho khách du lịch và người dân, để cùng chung tay bảo vệ môi trường biển đảo, hạn chế đốt vàng mã tại các điểm, khu di tích lịch sử trên địa bàn Côn Đảo. Bên cạnh đó, bộ hướng dẫn giảm sử dụng nhựa dùng 1 lần tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cũng sẽ được xây dựng và triển khai thí điểm tại 1 số cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng.
Các chuỗi hoạt động tuyên truyền này hướng đến mục tiêu mỗi du khách sẽ lưu lại những dấu tay giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy, và những dấu tay xanh từ chối sử dụng những sản phẩm nhựa dùng 1 lần khi đi du lịch tại Côn Đảo. Đồng thời, người dân tại đây cùng chung tay hưởng ứng và thực hiện hành động giảm sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Bà Nguyễn Thụy Nga, đại diện lãnh đạo UBND huyện Côn Đảo chia sẻ:“Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch khi đến Côn Đảo. Khách du lịch trong và ngoài nước có ấn tượng sâu sắc về một Côn Đảo trong lành, mát mẻ, xanh tươi, với bãi biển cát dài sạch sẽ. Vì vậy, chính quyền địa phương đang quan tâm tích cực hướng đến phát triển Côn Đảo theo hướng du lịch xanh - bền vững trong tương lai.”
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh chia sẻ tại buổi lễ
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án, Hợp phần Thủy sản và Bảo tồn biển, WWF-Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi hi vọng chiến dịch này sẽ giúp khách du lịch khi tới Côn Đảo hiểu rõ về vai trò cũng như sức mạnh của chính mỗi cá nhân - người tiêu dùng nhựa - trong việc lưu lại những hành động, dấu tay giảm nhựa, dấu tay xanh, tạo ra xu hướng giảm nhựa cho chính các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch. Từ đó, khách du lịch đang góp phần vào những nỗ lực lớn để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của Côn Đảo”.
UBND huyện Côn Đảo, Trung tâm bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo, Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo đã xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông nhằm hướng tới mục tiêu chung giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái biển tại Côn Đảo.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của khách du lịch, trong thời gian tới, WWF-Việt Nam cùng với UBND huyện Côn Đảo và Trung tâm bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông và vận động các cơ sở kinh doanh và dịch vụ du lịch giảm sử dụng túi ni lông và nhựa sử dụng một lần.
WWF là một trong những tổ chức bảo tồn độc lập lớn và uy tín nhất thế giới, với hơn 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu hoạt động tại hơn 100 quốc gia. Sứ mệnh của WWF là ngăn chặn sự suy thoái của môi trường tự nhiên Trái đất và xây dựng một tương lai trong đó con người sống hài hoà với thiên nhiên, thông qua bảo tồn đa dạng sinh học thế giới, đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể tái tạo, và tuyên truyền giảm ô nhiễm và tiêu dùng lãng phí. Tại Việt Nam, WWF bắt đầu thực hiện chiến lược bảo tồn ở cấp quốc gia từ năm 1985; từ đó phối hợp chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để tiến hành các hoạt động khác nhau liên quan đến lĩnh vực môi trường trên khắp cả nước.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 2/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.
Việt Anh