Hội thảo khoa học về “hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập”
16/05/2023TN&MTDự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đề cập một cách nghiêm túc và cụ thể tại kỳ họp Quốc hội lần VI, diễn ra vào tháng 10 năm 2023 tới đây. Nhận thấy đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có đầy đủ tính khoa học và thực tiễn về pháp luật Đất đai, sáng ngày 15/5, Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập” tại Cần Thơ.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tại hội thảo, thay mặt người dân thành phố Cần Thơ, Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chào mừng các đại biểu quan tâm đến hội thảo đã đến với quê hương Cần Thơ hiền hòa mến khách và đón nhận những góp ý cơ bản, thiết thực vào chương trình hội thảo, góp phần vào sự hoàn thiện trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian tới.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu chào mừng hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ vui mừng gửi lời chúc tốt đẹp đến đông đảo giới nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đến từ các đơn vị đào tạo, các bộ, ngành trung ương và địa phương… có những đóng góp tích cực cho đất nước.
Chương trình hội thảo lần này, nội dung thảo luận, góp ý, đề xuất, đưa ra những chi tiết, cụ thể không chỉ đa chiều từ cả hai góc độ lý luận và thực tiễn trong pháp luật… mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt khoa học, tạo cầu nối giữa nhà nghiên cứu, người xây dựng chính sách, pháp luật, thực thi, nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sắp tới.
Cụ thể, những đóng góp tích cực, đầy thiết thực vào quá trình sửa đổi Luật Đất được thể hiện qua nhiều phiên thảo luận. Tại Phiên toàn thể, “những vấn đề lý luận và đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập” được các chuyên gia và nhà khoa học đề cập một cách rõ nét.
Tại đây, PGS. TS. Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật Trường Đại học Cần Thơ nêu những Kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai nhìn từ “quan hệ pháp luật”, và đặt ra hai yêu cầu lớn về đất đai dưới góc độ kinh tế và xã hội.
Đối với góc độ kinh tế, phải làm sao phát huy và kích hoạt được “nguồn lực đất đai”. Còn xét về góc độ xã hội, phải làm sao kéo giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đa, cả về số lượng vụ việc, vụ án cũng như mức độ gay gắt và phức tạp của những vụ việc kéo dài nhiều năm.
PGS. TS Phan Trung Hiền trình bày những kiến nghị tại hội thảo
PGS. TS Phan Trung Hiền cho rằng, để đạt được yêu cầu này thì những nhà chính trị, nhà lập pháp, hành pháp và tư pháp phải mạnh dạn cởi bỏ chiếc áo quá chật chội, ngột ngạt đối với đất đai và trả quan hê đất đai về đúng với quy luật hoạt động trong nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Đặc biệt, xuất phát từ việc thay đổi nhận thức, tư duy về mục tiêu, phương pháp và công cụ điều tiết đối với đất đai, những quy định hành chính mang tính áp đặt phải dần thay đổi bằng các công cụ kinh tế.
Ông Hiền đưa ra những Kiến nghị về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu về đất đai phải làm sao hướng đến hiệu quả việc sử dụng đất. Phải đồng bộ hóa các quy định giữa Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Đầu tư và kinh doanh Bất động sản… để tạo công bằng, bình đẳng về cơ hội trong tiếp cận đất đai.
Cũng tại hội thảo, GS. TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, thảo luận về “Tái điều chỉnh đất đai để đầu tư phát triển”. Thực hiện theo mục tiêu đất nước có nền kinh tế chuyển đổi (chuyển từ nền kinh tế nhà nước bao cấp sang nền kinh tế thị trường), tính từ năm 2001 - 2021 với những quy định, nghị định về đất đai và tài sản công.
Điều muốn đề cập tiếp theo, là việc dùng “thuật ngữ” với khẩu hiệu thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra, không dùng quyền ngữ đưa vào pháp luật đối với việc phát triển kinh tế mà phải đi thu hồi đất trong một vài quy định của luật và đề cao tính đa số của cộng đồng. GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Tại phiên Thảo luận toàn thể này, còn có sự đóng góp của PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, đánh giá Pháp luật đất đai trong tiến trình hội nhập và phát triển đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm và đường lối của Đảng.
PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến phát biểu tại hội thảo
Phải duy trì nhất quán thực hiện quyền đất đai của toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu, và xác lập các quyền sử dụng đất để đảm bảo tính bình đẳng chung và riêng của các chủ thể. Điểm đặc biệt nữa là thay đổi tư duy trong quản lý đất đai, chuyển từ việc quản lý đất đai với vai trò tài nguyên thiên nhiên hữu hạn sang tài sản nguồn lực nguồn vốn để phát triển đất nước.
Ông Tuyến chỉ rõ mặt hạn chế về cơ chế pháp lý trong kiểm soát quyền lực nhà nước đối với việc sở hữu toàn dân về đất đai, bị chi phối rất nhiều tầng. “Sở hữu đất đai của ta phân rất nhiều tầng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, song thực hiện đại diện quyền chủ sở hữu lại giao cho Quốc hội, HĐND các cấp, Chính phủ, UBND các cấp. Tôi tính ra 2,2 vạn cơ quan thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, làm thế nào để cơ chế kiểm soát được 2,2 vạn cơ quan này để không lợi ích nhóm. Nói như Tổng Bí thư là thiết kế cơ chế, cái lồng để “nhốt quyền lực”” - PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nói.
Đồng thời, ông Tuyến nêu ra một số giải pháp như cần phải có quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; rà soát sửa đổi bổ sung các quy định nhằm giải quyết hiệu quả sự hài hòa về lợi ích trong thu hồi đất; bổ sung quy định để khắc phục tồn tại trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Song song đó, các Phiên thảo luận khác về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trưng dụng quyền sử dụng đất; Chế độ sử dụng đất; Tài chính đất đai, giá đất và giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai… cũng được các chuyên gia, nhà khoa học thực hiện rất cụ thể, đầy tâm huyết.
Tất cả các ý kiến đề xuất, đóng góp tại hội thảo sẽ được ghi nhận, tổng hợp gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, bổ sung.
Nguyễn Kiên