Hội Nông dân Việt Nam: Chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình điểm về phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn
31/07/2024TN&MTThực hiện chương trình công tác bảo vệ môi trường năm 2024, với sự đồng ý của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, từ ngày 29 - 31/7/2024, tại xã Trực Thắng (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), Trung tâm Môi trường nông thôn (thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị tập huấn 'Chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn' cho cán bộ, hội viên, nông dân của xã Trực Thắng tham gia xây dựng mô hình điểm.
Ngoài ra, Hội nghị đã tổ chức bàn giao các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh cho các hộ tham gia xây dựng mô hình điểm, đồng thời hướng dẫn các hộ mua sắm thêm các trang thiết bị đối ứng, cách lắp đặt và sử dụng các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đinh Khắc Đính, Uỷ viên Đảng Đoàn, Phó chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo Trung tâm Môi trường nông thôn; đồng chí Bùi Đức Ngọc, Phó Bí thư tường trực huyện ủy Trực Ninh; đại diện Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền và trên 900 hội viên nông dân xã Trực Thắng.
Toàn cảnh Hội nghị
Sau bài phát biểu khai mạc của Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Phạm Văn Thiện, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đinh Khắc Đính cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bao gồm việc xây dựng và mở rộng các mô hình của Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để mô hình điểm ở Trực Thắng đạt được kết quả tốt, cần có sự đồng lòng và hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền cùng toàn thể người dân địa phương. Đây sẽ là tiền đề để mô hình được nhân rộng ra các khu vực khác trong huyện Trực Ninh và toàn tỉnh Nam Định.
Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính phát biểu chỉ đạo Hội nghị tập huấn
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trực Thắng, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Văn Lượng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Hội Nông dân Việt Nam và Trung tâm Môi trường nông thôn vì đã quan tâm và hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường nông thôn tại địa phương, nhất là trong giai đoạn xã được công nhận là “Nông thôn mới nâng cao” từ năm 2021.
Là một xã được Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp cho hai cuộc kháng chiến, đến nay xã Trực Thắng đã cố gắng vươn lên phát triển mọi mặt, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công tác bảo vệ môi trường luôn được lãnh đạo xã chú trọng, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, giúp cho đường làng ngõ xóm luôn xanh, sạch. Với sự tin tưởng được giao thực hiện dự án và mô hình điểm, lãnh đạo địa phương và nhân dân Trực Thắng đồng lòng quyết tâm sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra.
Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã Trực Thắng Nguyễn Văn Lượng phát biểu cảm ơn Hội Nông dân Việt Nam
Theo quy mô của dự án điểm tại xã Trực Thắng, các nội dung chính bao gồm: Tổ chức nghiên cứu và khảo sát địa điểm để triển khai xây dựng mô hình điểm; thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung và hiệu quả của dự án nhằm giúp các địa phương khác học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình; biên soạn và in ấn tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia xây dựng mô hình điểm; tổ chức tập huấn về "Nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng truyền thông, hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình cho tuyên truyền viên cấp tỉnh" tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh cho tất cả các hộ của xã Trực Thắng để xây dựng mô hình điểm về phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ.
Ngoài ra, dự án còn trang bị cho 984 hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình (cùng ở hoặc ở gần nhau) mỗi hộ một thùng ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ dung tích 160 lít, đảm bảo bền, đẹp và không độc hại với môi trường; trang bị cho 1.900 hộ tham gia xây dựng mô hình điểm mỗi hộ một thùng rác hai ngăn 40 lít (một ngăn chứa rác thải sinh hoạt hữu cơ, một ngăn chứa rác thải sinh hoạt còn lại) và một nắp hố rác hữu cơ; hỗ trợ mỗi hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình điểm hai gói chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình trong thời gian 6 tháng; hỗ trợ xã 60 thùng rác dung tích 120 lít để bố trí trên các tuyến đường của xã, thôn và nơi công cộng.
Dự án đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ, cũng như việc mua sắm thêm các trang thiết bị đối ứng, cách lắp đặt và sử dụng cho 900 hộ nông dân trong xã; tập huấn hướng dẫn việc thành lập Câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nội quy và nội dung hoạt động của câu lạc bộ, đồng thời tổ chức ra mắt câu lạc bộ Nông dân tham gia bảo vệ môi trường, dự kiến triển khai thí điểm tại 3 thôn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và tổng kết dự án.
Giảng viên TS. Nguyễn Hữu Giáp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) giải đáp những thắc mắc của bà con về Luật BVMT 2020 và dự án triển khai tại Trực Thắng
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai các nội dung của dự án, góp phần xây dựng mô hình điểm thành công, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Phạm Văn Thiện đề nghị các đồng chí giảng viên dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường; kỹ thuật lắp đặt các trang thiết bị, phân loại, thu gom, vận chuyển và sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả và tham gia bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn Phạm Văn Thiện đề nghị cán bộ và hội viên nông dân chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ những kiến thức được các giảng viên truyền đạt; đồng thời, áp dụng những kiến thức học được vào gia đình mình và tích cực tuyên truyền, vận động bà con, anh em, họ hàng, hàng xóm cùng tham gia thực hiện. Các hộ gia đình cần tổ chức đào hố, xây hố, mua sắm thêm một số trang thiết bị theo hướng dẫn của giảng viên và cán bộ kỹ thuật. Mỗi hộ cần tự trang bị một chiếc xô nhựa để hứng nước thải từ thùng ủ rác thải sinh hoạt hữu cơ, một thùng chứa rác hai ngăn 40 lít, và một giá đỡ bằng sắt để đỡ thùng ủ rác 160 lít, đảm bảo đúng theo thiết kế quy định.
"Đồng thời, đề nghị Hội Nông dân tỉnh Nam Định, huyện Trực Ninh và xã Trực Thắng tiếp tục tổ chức tuyên truyền và vận động các hộ tham gia xây dựng mô hình thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nội dung của mô hình điểm, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu của dự án. Cử một cán bộ có chuyên môn, kỹ thuật và kinh nghiệm phối hợp với địa phương để tiếp tục hướng dẫn các hộ về mặt kỹ thuật"- Giám đốc Phạm Văn Thiện nói!
Tâm Đức