Hội nghị quốc tế Kinh tế đại dương sẽ được tổ chức tại Hà Nội
07/05/2022TN&MTTheo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, việc tổ chức Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ góp phần thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Ngày 6/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi (TN&MT) trường đã họp nghe báo cáo về công tác chuẩn bị Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng cho biết, ngày 26/4/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn thông báo về việc Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đồng ý Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, UNDP và các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh buổi họp.
Theo Đề án tổ chức Hội nghị năm 2022 đã được phê duyệt, Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu với chủ đề chung “Các giải pháp cho một nền kinh tế biển có khả năng chống chịu” dự kiến sẽ tổ chức trong 2 ngày (12-13/5/2022), gồm 4 phiên toàn thể: Phục hồi và Xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch COVID-19 vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu; Quy hoạch không gian biển và Xây dựng các đô thị và hạ tầng ven biển có khả năng chống chịu với khí hậu; An ninh khí hậu, Giới và Khả năng chống chịu của các Cộng đồng dễ bị tổn thương và Nguồn tài chính cho Khí hậu và Đại dương…
Bên cạnh các phiên toàn thể và phiên chuyên đề, sẽ có các các cuộc họp và sự kiện bên lề bao gồm: Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế biển xanh - Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển; Mô hình nhà chống bão, lũ - Bài học kinh nghiệm từ miền Trung Việt Nam; Triển lãm Đóng góp của doanh nghiệp và các sáng kiến khác cho kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Hội nghị dự kiến sẽ đưa ra một Tuyên bố của các đồng Chủ tịch Hội nghị, trong đó trình bày các nội dung và kết luận chính của Hội nghị, cung cấp thông tin đầu vào cho các sự kiện và tiến trình quốc tế liên quan trong tương lai, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc vào năm 2022 được dự kiến sẽ diễn ra thảo luận về Thoả thuận toàn cầu ô nhiễm nhựa và các nội dung khác.
Cập nhật về tiến độ chuẩn bị nội dung Hội nghị, bà Phạm Thị Thu Hằng cũng cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) và UNDP tại Việt Nam hoàn thành việc trình phê duyệt các căn cứ, thủ tục tổ chức Hội nghị; phối hợp với Bộ Ngoại giao gửi Thư mời các đoàn đại biểu quốc tế (bao gồm 59 quốc gia và 12 Đại sứ quán các nước tại Việt Nam); xây dựng kịch bản tổng thể chi tiết của Hội nghị.
Do thời gian tổ chức Hội nghị chỉ còn chưa đầy 1 tuần, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan gấp rút chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị như: công tác hậu cần, lễ tân, kế hoạch truyền thông của Hội nghị;…
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, đây là Hội nghị quốc tế quan trọng và có quy mô lớn trong lĩnh vực phát triển bền vững kinh tế đại dương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tổ chức Hội nghị sẽ góp phần thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Để đảm bảo tổ chức Hội nghị thành công tốt đẹp, Thứ trưởng giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì về mặt nội dung, phối hợp với UNDP và các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo Tuyên bố chung và Sáng kiến của Việt Nam; giao các cơ quan có liên quan phối hợp chuẩn bị các hoạt động lễ tân, hậu cần, đảm bảo an ninh, an toàn của Hội nghị; chủ động quảng bá, tuyên truyền các nội dung, kết quả của Hội nghị./.
Theo dangcongsan.vn