Hành trình 11 năm giải cứu động vật hoang dã
10/06/2024TN&MTSuốt 11 năm, lực lượng kiểm lâm tại Khu bảo tồn Sao la, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã bền bỉ tuần tra, thực hiện tháo gỡ bẫy dây, giúp giảm 40% số lượng bẫy, góp phần giảm các mối đe dọa đối với động vật hoang dã ở một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất Việt Nam.
Khu bảo tồn Sao La thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, được biết đến là một trong những nơi đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam. Nơi đây là chốn sinh sống của một số loài đặc hữu quý hiếm và nguy cấp như mang lớn, mang Trường Sơn, cầy vằn, thỏ vằn Trường Sơn, trĩ sao, voọc chân xám và chân nâu, một số loài gà lôi.
Những năm qua, quần thể động vật hoang dã nơi đây bị đe doạ nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính là nạn sử dụng bẫy dây để săn bắt không chọn loài. Công sức và chi phí đặt bẫy thấp, hiệu quả mang lại cao, có thể hoạt động trong nhiều tháng là nguyên nhân khiến loại bẫy này được giăng khắp nơi ở Khu bảo tồn Sao La nói riêng cũng như nhiều khu bảo tồn khác trên cả nước.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF- Việt Nam), nạn bẫy dây đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Nam Á khiến quần thể động vật hoang dã ở nhiều khu vực bị suy giảm.
Một cuộc khảo sát khoa học gần đây cho thấy, bẫy dây đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đến hệ động vật ở Đông Nam Á hơn tình trạng suy thoái rừng ở một số khu vực. Ở dãy Trường Sơn nằm giữa biên giới Việt Nam và Lào, bẫy dây đã đẩy nhiều loài đặc hữu đến bờ vực tuyệt chủng như sao la, mang lớn, thỏ vằn Trường Sơn và cheo cheo lưng bạc.
Lực lượng tuần tra rừng tại Khu bảo tồn Sao La thực hiện gỡ bẫy dây. Ảnh: WWF - Việt Nam
Nhằm giảm thiểu số lượng bẫy dây ở Khu bảo tồn Sao La, từ năm 2011 đến năm 2021, WWF-Việt Nam và chính quyền địa phương đã thực hiện chiến dịch gỡ bẫy với các cuộc tuần tra thường xuyên của lực lượng kiểm lâm. Giải pháp này được khuyến khích áp dụng bởi tính đơn giản, không gây tranh cãi, mang lại hiệu quả cao.
Trong 11 năm, gần 120.000 bẫy dây đã được gỡ bỏ ở Khu bảo tồn Sao La - một kết quả rất đáng khích lệ bởi gỡ bẫy là công việc tốn nhiều công sức, các kiểm lâm viên phải đi bộ xuyên rừng dài ngày, vượt địa hình đồi núi cao và hiểm trở.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động thực vật hoang dã Leibniz, WWF, các trường Đại học Exeter và Montpellier đã phân tích dữ liệu tuần tra trong 11 năm và kết luận rằng, tăng cường tháo gỡ bẫy có thể làm giảm đáng kể mối đe dọa của bẫy dây đối với động vật hoang dã. Hiệu quả này thể hiện rõ rệt hơn ở những khu vực dễ tiếp cận nhờ hoạt động tuần tra được thực hiện thường xuyên hơn. Các chuyên gia cho rằng, việc tháo gỡ bẫy cần được coi như một giải pháp quan trọng bảo tồn động vật hoang dã.
Bẫy dây được tháo gỡ tại Khu bảo tồn Sao La ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam
Tuy nhiên, dù nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ bẫy, các nhà bảo tồn cũng cho rằng, chỉ giải pháp này thôi là chưa đủ. Nghiên cứu cho thấy, việc giảm thiểu số lượng bẫy sẽ càng trở nên khó khăn hơn mặc dù các cuộc tuần tra vẫn được duy trì. Mức độ đặt bẫy vẫn tương đối cao ở những khu vực rừng xa xôi, hẻo lánh. Các chuyên gia cũng phát hiện rằng mức độ đặt bẫy giảm chủ yếu trong vòng 6 năm đầu tuần tra. Sau đó, tần suất bẫy không giảm dù nỗ lực tuần tra vẫn tiếp tục.
Ông Andrew Tilker, chuyên gia tại Leibniz-IZW và Điều phối viên chương trình Bảo tồn Loài của tổ chức Re:wild chia sẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy có thể giải pháp tháo gỡ bẫy không đủ để bảo vệ động vật hoang dã tại các khu bảo tồn ở khu vực Đông Nam Á. Điều này đặc biệt đúng đối với các loài quý hiếm hoặc dễ mắc bẫy, nhiều loài trong số đó hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý chương trình Bảo tồn Động vật hoang dã của WWF-Việt Nam cũng cho rằng, chỉ dựa vào việc loại bỏ bẫy sẽ không đủ để giải quyết mối đe dọa trên quy mô lớn. Ông cho biết, WWF- Việt Nam đang phối hợp với các đối tác bảo tồn để thực hiện các sáng kiến bảo tồn toàn diện, bổ trợ cho việc tháo gỡ bẫy.
Một số giải pháp được chuyên gia này nêu ra như hợp tác xuyên biên giới trong việc giải quyết nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp, các chương trình cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi. “Bằng việc gia tăng những nỗ lực này, chúng ta có thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề và giúp cho các khu rừng tại Trung Trường Sơn trở thành nơi cư trú an toàn cho các loài động vật hoang dã”, ông Tín nói.
Một trong những sáng kiến đang được triển khai là dự án Dự trữ Các-bon và Đa dạng Sinh học giai đoạn II, thực hiện trong giai đoạn hơn 5 năm (2019 – 2024) bởi WWF-Việt Nam và WWF-Lào thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức và là một phần của Sáng kiến Khí hậu Quốc tế.
Dự án được thực hiện để góp phần bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học ở cảnh quan Trung Trường Sơn.
Một trong những cách tiếp cận của dự án là thành lập chương trình Quỹ phát triển Thôn, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương vay vốn thay đổi sinh kế và giảm động cơ khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp. Các nhóm bảo tồn dựa vào cộng đồng cũng được hỗ trợ để tăng cường nâng cao nhận thức và khuyến khích thay đổi thái độ và hành vi đối với nạn săn bắt động vật hoang dã bất hợp pháp.
Theo sggp.org.vn