Hàng loạt tỉnh tập trung nhiều giải pháp phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển
11/07/2024TN&MTDo tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình hình sạt lở ở bờ sông, bờ biển diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều tỉnh, thành gấp rút tập trung triển khai đề án phòng, chống đến năm 2030.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, các bờ sông Thạch Hãn, sông Hiếu, sông Bến Hải có tốc độ xói lở rất nhanh, trung bình mỗi năm sâu vào bờ từ 10-15m, khiến người dân ở các xã Triệu Long, Triệu Giang (huyện Triệu Phong), xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) đã phải di dời nhà ở.
Đến đầu tháng 7/2024, tỉnh Quảng Trị có trên 133km sạt lở bờ sông, bờ biển chưa được khắc phục xử lý, gồm: Gần 30km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gần 73km sạt lở nguy hiểm, trên 33km sạt lở bình thường.
Những năm qua tỉnh đã nỗ lực dành nguồn lực để khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Bờ sông Thạch Hãn đoạn qua phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà bị sạt lở nghiêm trọng
Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT, nguồn lực của địa phương còn khó khăn nên việc bố trí khắc phục sạt lở còn hạn chế, chỉ xử lý mang tính tạm thời trước mắt; việc xử lý sạt lở chủ yếu lồng ghép với nguồn lực của Trung ương hỗ trợ.
Hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển và đề xuất các giải pháp xử lý ở khu vực sạt lở trong thời gian tới.
Là địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc với 87 cửa biển, cửa sông thông ra biển và bờ biển dài 254km, hơn 10 năm qua, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cùng tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan đã làm cho bờ sông, bờ biển của Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254km.
Theo cơ quan chuyên môn, với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều đất, rừng phòng hộ, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong…
Trước tình trạng này, các ban ngành liên quan của tỉnh Cà Mau đã tập trung đẩy mạnh việc thực hiện đề án “Phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh”.
Mục tiêu là điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ biển, bờ sông, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành công tác cập nhật hiện trạng sạt lở bờ biển, bờ sông lên bản đồ WebGIS (thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý); nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, bờ biển; phấn đấu đến năm 2025, các khu dân cư ven biển, ven sông ở vùng có nguy cơ sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu ven sông, ven biển, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 177 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, với kinh phí hơn 31.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư xây dựng 30 công trình, với kinh phí trên 6.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030, đầu tư xây dựng 147 công trình, với kinh phí hơn 24.000 tỷ đồng.
Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng có yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành phố trên cả nước tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện. Qua đó, Bộ nhận thấy, hầu hết các địa phương đã chủ động huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện các nội dung của đề án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có địa phương lúng túng, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, một số nội dung mang nặng tính hình thức, hiệu quả không cao.
Bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế sạt lở nghiêm trọng giữa mùa khô
Để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại thời gian qua, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung của đề án. Trong đó, chú trọng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng và người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển để các tổ chức, cá nhân tự giác chấp hành. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ, sử dụng lòng, bờ, bãi sông và bờ biển, đặc biệt là xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông và khai thác cát, sỏi trái phép ở lòng sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển.
Các địa phương quản lý chặt chẽ việc sử dụng và phát triển rừng ngập mặn gắn với ổn định sinh kế của người dân; kiểm soát, ngăn ngừa có hiệu quả các hoạt động sinh kế làm suy thoái rừng ngập mặn ven biển. Tổ chức di dời các hộ dân đang sinh sống tại những khu vực đang có diễn biến sạt lở, nhất là những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Xây dựng công trình bảo vệ bờ tại những khu vực dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng không thể di dời; trường hợp vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.
Mặt khác, chú trọng lồng ghép các nội dung phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển vào các chương trình, đề án, dự án có liên quan đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tổng kết các mô hình huy động nguồn lực để xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, bờ biển kết hợp đa mục tiêu làm cơ sở để nhân rộng, giảm áp lực ngân sách nhà nước.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bổ sung vào Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tương tự, một số tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam,... cũng vừa ban hành văn bản, yêu cầu các ban ngành tập trung thực hiện đề án; kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền và xử lý, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có), từng bước hoàn thành các mục tiêu của đề án này.
Theo vietnamnet.vn