Hà Tĩnh: Giải pháp thu gom, xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt khu vực nông thôn
02/07/2024TN&MTBảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Trong xây dựng nông thôn mới, có thể nói, tiêu chí môi trường là một tiêu chí khó, trong đó, vấn đề đáng quan tâm là tình trạng thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt của con người (nước thải sinh hoạt); từ các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ và làng nghề.
Ảnh minh họa
Tình hình phát sinh, thu gom, xử lý nước thải
Tại Hà Tĩnh, môi trường nông thôn đã có những khởi sắc, nổi bật, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của người dân. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực đổi mới rõ nét. Đó là thành quả to lớn, được ghi nhận từ quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 177/182 xã đạt chuẩn NTM (NTM) (chiếm tỷ lệ 97% số xã), 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 07 huyện NTM đạt chuẩn NTM gồm: Nghi Xuân; Can Lộc; Cẩm Xuyên; Vũ Quang; Đức Thọ; Thạch Hà; Hương Sơn; thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh hoàn thành xây dựng NTM.
Xây dựng NTM đã góp phần giúp cảnh quan, môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch đẹp hơn; nhận thức, tư duy của người dân ngày càng thay đổi tích cực, chuyển từ “thụ động” sang “chủ động, phát huy cao vai trò chủ thể”. Kết quả xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu được tiếp tục khẳng định là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thiết thực, hiệu quả, đã tạo điều kiện tối đa cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình; môi trường sống được cải thiện; tình làng, nghĩa xóm gắn kết mật thiết hơn, từ đó đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư. Chất lượng môi trường có chuyển biến tích cực, nhất là công tác thu gom, xử lý nước thải; kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt khu vực nông thôn được quan tâm.
Lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực nông thôn ước tính khoảng 83.000 m3/ngày/đêm. Từ khi triển khai xây dựng NTM, các khu dân cư dần dần hoàn thiện hệ thống mương thu gom, tiêu thoát nước thải. Đến nay có 177/182 xã đạt chuẩn NTM (chiếm tỷ lệ 97% số xã) đã có hệ thống thu gom nước thải khu dân cư tập trung về vị trí theo quy hoạch.
Về xử lý nước thải sinh hoạt: Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình với 2 hình thức (có các loại hình như xử lý bằng bể compozit và bể lắng lọc bằng bê tông 3 ngăn hoặc thùng Compozit) và xây dựng mô hình xử lý nước thải cụm dân cư tập trung. Toàn tỉnh đã có 07 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các xã như xã Kỳ Châu, xã Kỳ Xuân - huyện Kỳ Anh (quy mô 150 hộ); xã Cẩm Nhượng (quy mô 88 hộ), xã Cẩm Vịnh - huyện Cẩm Xuyên (quy mô 50 hộ); xã Lưu Vĩnh Sơn - huyện Thạch Hà (quy mô 50 hộ); xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc (quy mô 150 hộ) và tại xã Thanh Bình Thịnh (quy mô 150 hộ) - huyện Đức Thọ. Đến nay, toàn tỉnh có 26.000 hộ/306.501 hộ dân cư nông thôn đã xây dựng mô hình thu gom, xử lý nước thải (bao gồm cả số hộ có mô hình xử lý nước thải tại hộ và số hộ thuộc mô hình xử lý nước thải tập trung) đạt tỷ lệ 8,5%.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ nguồn thải. Đối với các cơ sở có phát sinh lượng nước thải lớn tỉnh đã yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, kết nối và truyền số liệu quan trắc tự động nước thải về Trung tâm điều hành hệ thống quan trắc tự động tại Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo đúng quy định. Tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các KCN; yêu cầu các KCN, CCN đầu tư mới phải đầu tư hoàn thiện hạ tầng BVMT trước khi đi vào hoạt động. Đối với các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN hoặc trong các KCN, CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải để xử lý đạt QCVN trước khi thải ra nguồn tiếp nhận và thực hiện báo cáo quan trắc môi trường định kỳ theo quy định. Qua theo dõi, giám sát chất lượng nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp thời gian qua cho thấy hầu hết đều đạt QCVN.
Giải pháp thực hiện thu gom, xử lý nước thải
Thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025”, trong đó, mục tiêu đến năm 2025: 35% số hộ gia đình có biện pháp thu gom và xử lý nước thải phù hợp, hiệu quả. Để thực hiện được yêu cầu này phải có 107.276 hộ gia đình có hệ thống xử lý nước thải (đạt 35%), như vậy, thời gian tới cần phải thực hiện xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cho thêm 81.276 hộ. Trong đó, kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo (khoảng 15.325 hộ), mức hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ, cần kinh phí khoảng 15,3 tỷ đồng. Đối với các cụm dân cư tập trung có mật độ lớn, không đủ diện tích hoặc khó khăn trong việc thực hiện xử lý riêng lẻ từng hộ gia đình thì phải xây dựng mô hình xử lý nước thải theo cụm dân cư để đạt chỉ tiêu 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả. Dự kiến toàn tỉnh phải xây dựng khoảng 13-15 mô hình cụm, mỗi mô hình quy mô xử lý nước thải từ 100-150 hộ/mô hình, mỗi mô hình dự kiến kinh phí khoảng 2-3 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ gắn với xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực xây dựng thành công tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt Nghị quyết số 44) và Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025, trong đó, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho công tác BVMT như: Hỗ trợ xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp, đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có người tàn tật; mức hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng mô hình xử lý nước sinh hoạt tại hộ gia đình (tối đa 700 nghìn đồng/hộ thuộc vùng miền núi, 500 nghìn đồng/hộ còn lại (trừ các đối tượng được hỗ trợ theo chính sách Nghị quyết số 44 của HĐND tỉnh) và cụm dân cư cấp thôn sử dụng kinh phí chi sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM giai đoạn 2021-2023 theo Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn các địa phương thực hiện một số nội dung: Tiếp tục triển khai nhân rộng và hỗ trợ xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình, cụm dân cư trên địa bàn toàn tỉnh; phấn đấu tối thiểu 35% hộ gia đình khu vực nông thôn nước thải sinh hoạt được thu gom, có biện pháp xử lý phù hợp; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường; tập trung rà soát, tổ chức kiểm tra theo chuyên đề các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở nuôi trồng thủy sản, KCN, CCN,... để kịp thời hướng dẫn, có giải pháp chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT; hạn chế các nguồn thải do nước thải góp phần hạn chế ô nhiễm nguồn nước mặt khu vực nông thôn. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng BVMT như hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung của các khu đô thị, hạ tầng BVMT các KCN, CCN, làng nghề, khu dân cư nông thôn tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố gắn với nội dung yêu cầu tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
Bên cạnh đó, xây dựng một số mô hình điểm về xử lý và BVMT, như: Mô hình khu sản xuất sinh thái (cụm cồng nghiệp hoặc làng nghề sinh thái; sử dụng tuần hoàn các loại chẩt thài); mô hình xử lý ô nhiễm và cải tạo cảnh quan ao hồ ở các thôn, xóm; mô hình thí điểm “vành đai xanh” cho các cụm dân cư, khu/cụm công nghiệp và làng nghề; mô hình xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, chất thải y tế, chất thải công nghiệp và làng nghề (hoặc ở hình thức khu liên hợp xử lý chất thải tập trung); một số làng nghề xanh, thân thiện môi trường gắn với các giải pháp xử lý chất thải ngay từ nguồn phát sinh; mô hình mẫu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng nuôi trồng thủy sản tiếp cận hệ sinh thái bền vững.
ThS. LÊ ANH TUẤN
Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 9 năm 2024