Hà Nội thông tin về phương án giảm thiểu ô nhiễm sông Đáy
10/07/2024TN&MTUBND thành phố Hà Nội cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Cải tạo, nạo vét lòng sông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra các khu vực gây ô nhiễm môi trường; tiếp tục rà soát, kiểm soát các nguồn thải ra sông Đáy.
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân quanh khu vực. Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ tháng 10/2016 đến nay cho thấy, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có khoảng 1.982 nguồn thải, trong đó có 1.662 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 39 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ cơ sở y tế và 144 nguồn thải từ làng nghề. Thành phố Hà Nội là địa phương có tổng số nguồn thải cao nhất khi chiếm tới 60% trên toàn lưu vực. Trong khi đó số lượng nguồn thải tại các tỉnh khác như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình cũng có chiều hướng gia tăng.
Cử tri Hà Nội những năm qua đã liên tục có ý kiến đề nghị thành phố sớm có phương án “hồi sinh” dòng sông Đáy để đảm bảo tưới tiêu và phục vụ đời sống của người dân. Bác Nguyễn Thị Vy (63 tuổi), người dân tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, chia sẻ: “Hơn 20 năm trước, nhiều hộ dân sống ở ven sông vẫn sống được bằng nghề đánh cá, mò cua bắt ốc. Thế nhưng hiện nay nó đã trở thành nơi chứa nước thải của thành phố, mặt sông lúc nào cũng đen kịt, bốc mùi hôi thối. Người dân chúng tôi không thể sử dụng để canh tác nông nghiệp”.
Sông Đáy ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm qua nhưng các giải pháp xử lý vẫn còn khiêm tốn
Tại Báo cáo số 1259/UBND-TH ngày 26/4/2024, UBND thành phố Hà Nội đã thông tin về lộ trình cũng như một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm sông Đáy trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian vừa qua đã triển khai thực hiện Dự án “Nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy thành phố Hà Nội”. Quy mô dự án nạo vét từ Đập Đáy (huyện Đan Phượng) đến phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông với chiều dài tổng cộng 23,1km (K0+00 đến K23+100); chiều rộng sông 22m; khôi phục 7 cầu cơ giới tải trọng từ H8 đến H13; cải tạo, nâng cấp 5 trạm bơm tưới bên bờ sông.
Dự án được phân thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (nạo vét sông từ hạ lưu Đập Đáy (K0+00) đến K8+700 và xây dựng cầu Hiệp Thuận) đã hoàn thành. Giai đoạn 2 (nạo vét từ K8+700 đến cầu Mai Lĩnh, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông với dài 14,4 km; xây dựng 6 cầu qua sông và nâng cấp 5 trạm bơm ven sông) hiện chưa cân đối được nguồn vốn nên chưa thể triển khai thực hiện.
Riêng đối với đoạn sông Đáy từ Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đến Ba Thá (huyện Mỹ Đức), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất lập dự án, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn ngân sách thành phố (Trung ương hỗ trợ). Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
UBND thành phố Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm góp phần cải thiện ô nhiễm nguồn nước sông Đáy theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
TP. Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm sông Đáy
Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế … trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Định kỳ hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện giám sát trách nhiệm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, y tế, dự án trên địa bàn thành phố.
Các cơ quan hữu quan cũng tập trung chủ yếu vào các khu vực gây ô nhiễm môi trường, qua đó phát hiện các vi phạm, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu các cơ sở nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục rà soát, kiểm soát các nguồn thải ra sông Đáy để tham mưu thành phố các giải pháp thực hiện đồng bộ và yêu cầu đối với các quận huyện thuộc lưu vực sông Đáy thực hiện giải pháp kiểm soát nguồn thải theo quy định.
Theo baotainguyenmoitruong.vn