Giảm túi ni-lông dùng một lần và kiến nghị lộ trình thực thi thu phí tại Đà Nẵng và Phú Yên
01/08/2024TN&MTSự ra đời của túi nilon đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm này “sự lạm dụng thái quá” túi nilon của con người đang là một vấn nạn toàn cầu, nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để loại bỏ, trong đó có Việt Nam. Các nhà khoa học đã chỉ rõ, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500-1.000 năm mới có thể phân hủy được. Ước tính, mỗi năm nhân loại sử dụng khoảng 500 -1.000 tỷ chiếc túi nilon.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ bao bì nilon, trung bình một hộ gia đình sẽ sử dụng từ 5 - 7 bao bì nilon/ngày. Đa phần các túi nilon đều được sử dụng duy nhất một lần rồi thải ra ngoài môi trường tạo thành rác thải. Dân số của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới nhưng lại đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới. Thói quen tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần là nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường đất, nước,...
Đôi điều ghi nhận ở Đà Nẵng và Phú Yên
Theo nhóm nghiên cứu khoa học về môi trường của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam thì: Việc thay đổi thói quen tiêu dùng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhận thức, kiến thức và kỹ năng của người dân, các nhà bán lẻ và các bên có liên quan tại 2 địa phương này là chưa đầy đủ (50% khách hàng không biết túi ni lông có thể tái chế, 37/120 khách hàng nêu lý do sử dụng túi ni lông là do tính tiện lợi).
Hậu họa của túi ni-lông khi thải tự do ra môi trường, kệnh rạch
Một trong những thách thức lớn là nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông một lần của người dân tại Đà Nẵng và Phú Yên (khoảng 13,3% khách hàng chưa tiếp cận được thông tin tuyên truyền, tiếp nhận thông tin qua truyền hình chiếm 94,2%). Cần có các chiến dịch giáo dục và truyền thông hiệu quả hơn để tăng cường nhận thức và khuyến khích việc sử dụng túi thay thế.
Sự thích ứng và thay đổi của nhiều người dân còn chậm
Sự thích ứng của người tiêu dùng diễn ra chậm chạp và có thể vấp phải sự phản kháng: Cung cấp các lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường và tiện lợi là một thách thức quan trọng (tất cả các siêu thị khảo sát đều đã bán túi thân thiện với môi trường nhưng tỷ lệ lựa chọn chiếm 1- 2%). Hiện nay, việc cung ứng túi đựng hàng hóa không thuộc mặt hàng kinh doanh có điều kiện tại Đà Nẵng và Phú Yên. Cần có sự đa dạng và sẵn có của túi thay thế, bao gồm túi vải, túi giấy tái chế và số hóa cá nhân tạo thuận lợi cho việc mượn, kí quỹ mượn túi mua sắm. Đồng thời, cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích sự sáng tạo và sản xuất các sản phẩm thay thế.
Thực thi và giám sát tuân thủ quy định còn yếu, do các qui định hiện do Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, các sở ban ngành là cơ quan phối hợp thực hiện. Do đó, xuất hiện khoảng trống đảm bảo thực thi và tuân thủ chính sách giảm sử dụng túi ni-lông dùng một lần. Hai địa phương đều chưa áp dụng biện pháp chế tài và xử phạt liên quan đến túi ni-lông sử dụng 1 lần, chưa có hệ thống giám sát và quản lý hiệu quả để đảm bảo các quy định được tuân thủ.
Đồng thời, cần xây dựng sự nhất quán và sự hỗ trợ từ phía chính quyền quận huyện, các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu giảm sử dụng túi ni-lông. Đẩy mạnh phân cấp, kết hợp nâng cao năng lực và số lượng nhân lực thực thi theo chức năng, nhiệm vụ.
Chính sách giảm sử dụng túi ni-lông dùng một lần có thể sẽ gây tác động tạm thời đến một số doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông. Việc chuyển đổi sang các loại túi thay thế có thể đòi hỏi đầu tư và sự thay đổi trong quy trình sản xuất. Cần có sự hỗ trợ và khuyến khích từ chính quyền địa phương và các tổ chức để giúp các doanh nghiệp thích ứng và tạo ra cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực mới.
Hệ thống quản lý chất thải rắn của hai địa phương hiện nay đều chưa có kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện giảm sử dụng túi ni-lông. Cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật về giảm sử dụng túi ni-lông dùng một lần đã có nhưng hai địa phương đều chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực tế.
Nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu, hợp tác giữa các nhà bán lẻ thúc đẩy giảm sử dụng túi ni-lông dùng 1 lần chưa được xây dựng và phát triển. Cần thành lập mạng lưới nhà bán lẻ cùng cam kết thực hiện giảm túi ni-lông. Bổ sung chính sách nhằm thu hút mạnh các dự án tái chế công nghệ cao, công nghệ thông tin, thân thiện với môi trường trong sản xuất túi.
Chưa có mô hình giảm sử dụng túi ni-lông dùng 1 lần đã triển khai hoặc thí điểm triển khai đều ở quy mô nhỏ, phần lớn chưa được đo lường, đánh giá để có thể để nhân rộng.
Lan tỏa "ý thức xanh" trong tiêu dùng
Xây dựng lộ trình triển khai giảm thiểu túi ni-lông tại hệ thống siêu thị
Xây dựng và thực hiện lộ trình giảm thiểu túi ni-lông tại siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng và Phú Yên phù hợp các chính sách của chính phủ đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.
Lộ trình thực hiện gồm: Hạn chế phân phối túi ni-lông sử dụng 1 lần tại siêu thị và trung tâm thương mại, tính phí khi sử dụng và cấm dùng trong siêu thị và trung tâm thương mại.
Phân tích lựa chọn lộ trình hành động giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi ni-lông tại siêu thị, trung tâm thương mại nhằm nâng cao hiệu quả của thực thi các chính sách. Dựa trên bài học kinh nghiệm Quốc tế, hiện trạng pháp lý, hiện trạng sử dụng túi ni-lông dùng một lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng và Phú Yên xây dựng lộ trình các biện pháp được thực hiện theo từng giai đoạn để tránh tác động tiêu cực đến mọi tầng lớp người dân. Lộ trình lựa chọn phù hợp với thời gian và mục tiêu của chính phủ đề ra trong chỉ thị số 33/CT-TTg và nghị định 08/2022 TN&MT bao gồm: Hạn chế phân phối và sử dụng các loại nhựa sử dụng 1 lần tại các trung tâm thương mại, siêu thị, bắt đầu từ năm 2024. Thu phí túi ni-lông sử dụng 1 lần kể từ năm 2025. Cấm bán và cung cấp ni-lông sử dụng 1 lần tại siêu thị và trung tâm thương mại năm 2026.
Giai đoạn 1 (2024-2025):
Trước khi đưa ra lệnh cấm hoàn toàn túi ni-lông cung cấp tại siêu thị và trung tâm thương mại, cần có bước chuẩn bị bước đầu tiên hạn chế cung cấp cho khách hàng đựng hàng hóa. Dựa trên kết quả khảo sát tại hai địa phương cho thấy 33,3% ý kiến cho rằng túi ni-lông tiện lợi và vệ sinh; 11,4% Thích túi ni-lông sử dụng 1 lần; 9,6% cho rằng chưa được tuyên truyền tác hại của túi ni-lông. Điều này cho thấy sẽ có kháng cự đối với việc loại bỏ hoàn toàn túi ni-lông ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Việc cấm sử dụng có thể sẽ gặp phải một số phản đối ban đầu. Dựa vào kinh nghiệm của các nước đã triển khai và các kết quả phân tích ở trên cho thấy giai đoạn đầu (2024 -2025) lựa chọn các giải pháp hạn chế cung cấp túi ni-lông tại các siêu thị và trung tâm thương mại cụ thể như số lượng mặt hàng >10000 mã hàng, lượng khách trung bình ngày>5000 khách. Các siêu thị thay việc cấp tự do việc cung cấp túi ni-lông khi khách hàng yêu cầu.
Từ kinh nghiệm thực hiện ở siêu thị Mega Market, các biện pháp ban đầu nên tập trung vào khuyến khích áp dụng tự nguyện của khách hàng thông qua chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng, các chiến dịch tặng túi sử dụng nhiều lần, tặng quà, tích điểm khuyến khích mang túi đựng hàng hóa. Tự nguyện của các siêu thị như tổ chức thực hiện các sáng kiến như “Nói không với túi ni-lông sử dụng 1 lần vì môi trường xanh sạch”, “Hãy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường ” “Mang túi đi siêu thị - phong cách sống xanh”,
“Hãy cùng chúng tôi không sử dụng túi ni-lông bạn nhé”,“Hãy mang theo túi đựng để giảm túi ni-lông ” “ngày lành, tuần lành” tạo thói quen hay cùng siêu thị giảm túi ni - lông... Lồng ghép nội dung giảm thiểu sử dụng túi ni-lông trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường. Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…; trong các hội nghị tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn... Tổ chức các hoạt động thiện nguyện gây quỹ cho các hoạt động tuyên truyền giảm sử dụng túi ni-lông dùng 1 lần. Chủ động lựa chọn hình thức đóng gói hàng hóa thay thế. Các yếu tố dẫn đến thành công của giải pháp bao gồm: Có sự hưởng ứng, hợp tác của các siêu thị, trung tâm thương mại bất kể là các hạn chế sử dụng túi ni-lông được áp dụng ngay từ đầu hay trong các giai đoạn tiếp theo. Do đó, cần thành lập các liên minh giảm tiêu thụ túi ni-lông để tạo ra sự công bằng và bình đẳng giữa các nhà bán lẻ.
Các siêu thị mini, cần có những chính sách hỗ trợ về kinh tế và kỹ thuật để họ có thể bắt kịp với sự thay đổi. Nhân viên bán hàng là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng thay đổi thói quen mang túi trong mua sắm.
Việc trưng bày bán các loại túi thay thế cho túi ni-lông dùng một lần thuận tiện cho khách hàng và giá cả phải chăng phải được ưu tiên. Điều quan trọng cần lưu ý là đối với bất kỳ túi thân thiện môi trường thay thế được pháp luật quy định, trước tiên cần phải đánh giá tác động kỹ càng để xác định tác động môi trường tiềm ẩn của những loại túi này. Do đó, cần triển khai nghiên cứu phát triển, tài trợ cho việc giảm và tái sử dụng, tái chế túi đựng hàng hóa.
Giai đoạn 2 (2025-2026):
Sau giai đoạn chuyển tiếp cho phép các siêu thị và người tiêu dùng thích nghi với việc tự nguyện giảm sử dụng túi ni-lông dùng 1 lần, giai đoạn bắt đầu từ năm 2025 thực hiện tính phí đối với túi đựng hàng hóa mua sắm. Tính phí giúp giảm số lượng túi ni-lông được dùng và do đó, giảm phát sinh chất thải và xả rác. Kết quả khảo sát khách hàng cho thấy khi siêu thị không cấp túi ni-lông miễn phí có tới 70,8% khách hàng sẽ mang túi đựng hàng khi mua sắm, chỉ 20% khách hàng sẵn sàng mua túi đựng. Theo nghiên cứu đánh giá Ngân hàng Thế giới năm 2021 tại Việt Nam, lợi ích và chi phí của việc thu phí đối với túi ni-lông với mức phí giả định 0,03 USD/túi và dựa trên kinh nghiệm triển khai ở Trung Quốc, mức giảm tiềm năng đối với túi ni-lông là 49%. Các bài học kinh nghiệm việc tính phí túi ni-lông sử dụng 1 lần như đã trình bày ở trên ví dụ như từ kết quả thực hiện thu phí túi ni-lông tại Trung Quốc cũng cho thấy tần suất tái sử dụng túi ni-lông tăng từ 0,7 lên 1,3 (He 2012). Tương tự Campuchia thu phí túi ni-lông 0,10 USD cho mỗi túi nhựa tại siêu thị giảm 50% lượng túi cung cấp. Tại Ireland tăng mức phí cho mỗi túi từ 0,15 Euro, lên 0,22 Euro đã giảm khoảng 90% lượng túi ni-lông trong 5 năm (2002- 2008).
Tính phí cho người tiêu dùng đã được chứng minh là một biện pháp phù hợp khi các lựa chọn thay thế là các túi thân thiện môi trường không có sẵn và do đó, không thể dễ dàng đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với các túi ni-lông hiện đang được cung cấp miễn phí tại siêu thị. Biện pháp này cũng là một biện pháp chuyển tiếp phù hợp vì nó có thể kích thích nhà phân phối cung cấp túi thân thiện với môi trường và khuyến khích các bên liên quan sản xuất hoặc tìm túi thay thế.
Qua phân tích các chính sách trên cho thấy hiện nay người tiêu dùng hiện không phải trả phí cho túi ni-lông. Theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12, các đơn vị sản xuất và nhập khẩu hiện phải nộp thuế đối với túi nhựa khó phân hủy lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, bằng chứng từ các cuộc điều tra cho thấy giá túi ni-lông hiện các siêu thị cung cấp còn thấp hơn mức thuế túi ni-lông đáng lẽ phải đóng. Như vậy doanh thu từ thuế không tương xứng với số lượng túi ni-lông được cung cấp ra thị trường, cho thấy thuế chưa được thực thi nghiêm túc và các đơn vị sản xuất và nhập khẩu không áp thuế đầy đủ đối với túi ni-lông. Kết quả khảo của Dự án Khép kín Vòng lặp về ô nhiễm rác thải nhựa tại TP. Đà Nẵng cho thấy, tỷ lệ rác túi ni-lông chiếm 48,1% trong khối lượng rác thải nhựa phát sinh, nằm trong số hàng đầu gây ô nhiễm môi trường. Điều này cho thấy, thuế đã không có hiệu quả như kế hoạch và làm nổi bật sự cần thiết của các chính sách bổ sung chính sách thu phí đối với túi ni-lông sử dụng 1 lần.
Ngoài ra, cho dù túi được làm bằng chất liệu gì, rác thải dùng một lần đều có tác động đến môi trường của chúng ta trong quá trình sản xuất, vận chuyển và thải bỏ. Việc tiêu thụ các sản phẩm dùng một lần sẽ tạo ra chất thải và khí carbon, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu, do đó thu phí là công cụ khuyến khích người dân sử dụng các loại túi tái sử dụng nhằm giảm lượng rác thải.
Mặc dù, nguyên tắc đằng sau việc đánh thuế và thu phí túi ni-lông sử dụng 1 lần là giống nhau (giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông và tác động tiêu cực của chúng đến môi trường), nhưng cơ chế thực hiện lại khác nhau. Thuế sẽ được thu và quản lý ở cấp quốc gia thông qua hệ thống thuế, và phí sẽ được quản lý ở cấp địa phương. Tính hiệu quả của thu phí hơn so với việc thu thuế mà chính phủ đang triển khai đó là: i) Thu phí ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng, làm giảm hơn 90% mức tiêu thụ. ii) Khách hàng mua lẻ bị tính phí trực tiếp trên mỗi túi, dẫn đến việc mang túi tải sử dụng theo khi mua sắm (theo kết quả phỏng vấn khách hàng cơ hội lên đến 70,8%), làm giảm lượng rác thải nhựa khó phân hủy và rác thải ra môi trường. iii) Địa phương sử dụng nguồn tiền thu được cho công tác bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm ở Ireland cho thấy việc thu phí tại địa phương và gửi tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường và sử dụng toàn bộ cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ cơ chế tài chính của Việt Nam, Đà Nẵng và Phú Yên có thể sử dụng một phần nguồn thu cho các hoạt động quản lý chất thải hoặc bảo vệ môi trường. Mức thu phí xác định nhằm khuyến khích người dân sử dụng các loại túi tái sử dụng. Theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân Đà Nẵng và Phú Yên có thể giám sát việc áp dụng mức phí đối với túi ni-lông (yêu cầu trung tâm thương mại siêu thị niêm yết công khai giá bán túi ni lông cho khách hàng). Doanh thu từ thu phí sau đó sẽ do Sở Tài chính quản lý. Cuối cùng, doanh thu có thể được phân bổ và tái đầu tư cho các dự án môi trường.
Những điểm cần lưu ý khi triển khai thu phí đó là: Hiện nay, có nhiều nhà bán lẻ hàng hóa ở nhiều cấp độ khác nhau, việc kiểm soát gặp khó khăn nên việc cần đảm bảo sự ủng hộ và sẵn sàng tham gia của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng. Khi triển khai cần đòi hỏi tham vấn rộng rãi với các bên liên quan. Theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg, Ủy ban nhân dân Đà Nẵng và Phú Yên sẽ giám sát các đơn vị bán lẻ để đảm bảo tuân thủ chính sách. Việc thực hiện đòi hỏi hợp tác giữa các đơn vị của chính phủ, cũng như sự tham gia của chính quyền cấp tỉnh. Theo quy định Ủy ban nhân dân Đà Nẵng và Phú Yên sẽ thực hiện thu phí ở cấp địa phương, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm điều phối ở cấp quốc gia và theo quy định chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch đảm bảo giảm thiểu túi ni-lông trong các chợ, siêu thị và trung tâm mua sắm. Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Công thương sẽ chủ trì ở cấp tỉnh, với sự tham gia của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố.
Sự bất bình đẳng giữa các mức phí tại các địa phương: Hiện mức thu phí do chính quyền cấp tỉnh quyết định. Như vậy, có khả năng dẫn đến việc giảm mức phí do cạnh tranh giữa các tỉnh để thu hút đầu tư bằng cách giảm gánh nặng chi phí của nhà đầu tư. Mức phí thấp hơn cũng sẽ ít tác động hơn đến việc giảm sử dụng túi ni-lông. Bổ sung thu phí gây những lo ngại từ nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng nếu sử dụng hai công cụ tài chính (thuế đánh vào đơn vị sản xuất và nhập khẩu, cũng như phí đánh vào người tiêu dùng).
Trên cơ sở các kết quả phỏng vấn Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và các đại diện quả lý siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng và Phú Yên, nhóm tư vấn của Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đề xuất thu phí túi ni-lông có thể triển khai bước:
Bước 1: Các siêu thị, trung tâm thương mại tự nguyện thực hiện, triển khai mô hình thí điểm tạo cơ sở cho việc nhân rộng. Thông qua siêu thị thí điểm để cung cấp cái nhìn ban đầu về tác động của việc thu phí, sau đó mức phí sẽ được áp dụng trên thành phố/tỉnh. Kinh nghiệm từ Mega Market không phát túi ni-lông dùng 1 lần tại quầy đóng hàng, khách hàng không mang túi theo đựng hàng hóa, có thể mua túi sử dụng nhiều lần với giá phải chăng, siêu thị cũng có được nguồn thu từ việc bán túi, mặc dù doanh thu này chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng mang lại lợi ích đáng kể về mặt môi trường.
Bước 2: UBND tỉnh quy định mức phí bắt buộc và thiết lập cơ chế thu phí. Doanh thu từ việc thu phí sau đó có thể được sử dụng cho các mục đích môi trường. Nguồn phí này có thể giúp chính quyền địa phương thực hiện giám sát lớn hơn đối với các siêu thị và trung tâm thương mại. Tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức và thực hiện tuyên truyền cho các bên liên quan và các nhà bán lẻ. Để triển khai thu phí thành công, trước khi đưa ra mức phí, cần có một chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm giải thích cơ sở lý luận đằng sau việc thu phí và cung cấp đầy đủ các túi thân thiện với môi trường để thay thế với mức giá chấp nhận được.
Dựa trên kinh nghiệm từ việc thực hiện thu thuế đối với sản xuất và nhập khẩu túi nhựa khó phân hủy có thể được dùng để xác định mức phí phù hợp đối với người tiêu dùng; đảm bảo mức phí là hợp túi tiền; và khoản phí đó sẽ không gây ra tăng giá quá mức, đồng thời vẫn duy trì được hiệu quả trong việc cắt giảm sử dụng túi ni-lông dùng 1 lần. Mức phí cũng phải linh hoạt để doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi của thị trường. Ngoài ra, cần tiến hành phân tích các lựa chọn túi thân thiện môi trường thay thế cho túi ni-lông sử dụng 1 lần.
Hiện có nhiều lựa chọn như túi dùng nhiều lần, và cần khuyến khích các lựa chọn thay thế này khi áp phí đối với người tiêu dùng. Tính phí được ghi cụ thể trong hóa đơn và nhân viên bán hàng thông báo cho khách hàng việc tính phí để khách hàng lựa chọn sử dụng túi phù hợp đồng thời giúp nâng cao nhận thức của khách hàng và góp phần giảm tiêu thị túi ni-lông.
Cần có một chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm giải thích cơ sở lý luận của việc sử dụng đồng thời hai công cụ thuế và phí. Sử dụng công cụ thuế đánh vào các đơn vị sản xuất sẽ kém hiệu quả hơn trong việc giảm tiêu thụ túi ni-lông sử dụng 1 lần, nhưng có thể tạo động lực giúp các đơn vị sản xuất chuyển sang sản xuất các túi thân thiện với môi trường thay thế. Thực tế cho thấy thuế đánh vào đơn vị sản xuất và nhập khẩu hầu như không ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng. Để đảm bảo có đủ các lựa chọn thay thế túi ni-lông dùng một lần trên thị trường vào cuối năm 2025, khi các loại túi nhựa khó phân hủy sẽ bị loại bỏ dần, cần có các biện pháp chuyển tiếp.
Quá trình chuyển đổi suôn sẻ đối với lệnh cấm, việc đánh phí người tiêu dùng sẽ có tác động đáng kể đến việc tiêu thụ túi nhựa và có thể kết hợp với việc đánh thuế hiện nay đối với các đơn vị sản xuất và nhập khẩu. Thuế và phí giúp củng cố lẫn nhau và tăng khả năng thành công trong mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ túi ni-lông.
Giai đoạn 3 (bắt đầu từ năm 2026):
Lệnh cấm bao gồm việc bán và cung cấp túi ni-lông sử dụng 1 lần (những túi này là túi có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày dưới 50 micron) tại siêu thị và trung tâm thương mại bắt đầu thực hiện năm 2026. Triển khai cấm này là phù hợp khi đã hoàn thành các bước chuẩn bị về nhận thức, túi thay thế, và không tác động đột ngột đối với siêu thị và người tiêu dùng. Kết quả khảo sát nhân viên siêu thị cho thấy 72,2% cho rằng lệnh cấm là nhân tố quan trọng dẫn đến việc siêu thị sẽ không cung cấp túi ni-lông sử dụng 1 lần, trong khí đó việc không sản xuất có tỷ lệ lựa chọn là 55,6%.
Nhiều tọa đàm được diễn ra giữa các Tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý nhà nước nhằm thay đổi nhận thức người tiêu dùng
Việc triển khai lệnh cấm sử dụng túi ni-lông dùng một lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng và Phú Yên vào năm 2026 có thể khả thi khi có sẵn các túi thân thiện với môi trường thay thế, sự nhận thức của người dân nâng cao đủ để thay đổi hành vi tiêu dùng và lệnh cấm sẽ không gây ra các tác động đột ngột cho các nhà bán lẻ. Yếu tố quan trọng để thực thi lệnh cấm dùng túi ni-lông sử dụng 1 lần tại siêu thị và trung tâm thương mại tại Đà Nẵng và Phú Yên đó là cần thời gian đủ để siêu thị và trung tâm thương mại thích ứng và tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế phù hợp và đầy đủ. Các đơn vị cung cấp sẽ có đủ thời gian để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn. Người tiêu dùng đủ thời gian thay đổi hành vi sang lựa chọn túi thân thiện với môi. Giá túi thân thiện với môi trường thay thế phải chăng hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Khi triển khai cần cơ chế giám sát đảm bảo rằng các hành vi vi phạm bị xử phạt và mức phạt sẽ khác nhau tùy thuộc vào hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần có mức phạt cao áp dụng đối với các đơn vị sản xuất và nhập khẩu không tuân thủ lệnh cấm để tạo ra sự răn đe các hành vi vi phạm.
Kiến nghị lộ trình thực hiện
Theo nhóm chuyên gia tư vấn về môi trường của Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Tổ chức WWF đã đề xuất lộ trình thực hiện giảm thiểu, loại bỏ sử dụng túi ni-lông tại siêu thị, trung tâm thương mại tại Đà Nẵng và Phú Yên như sau: Giai đoạn 2024-2025: Hạn chế cung cấp túi ni-lông sử dụng 1 lần tại siêu thị, trung tâm thương mại được triển khai giai đoạn đầu các biện pháp áp dụng mang tính tuyên truyền nhận thức, khuyến khích sự tự nguyện cắt giảm từ người dân và siêu thị. Trong khi sản xuất túi nilông sử dụng 1 lần vẫn được cho phép, việc phân phối tại siêu thị sẽ bị hạn chế, trừ khi khách hàng yêu cầu. Biện pháp này được sử dụng tiến tới chuyển đổi sang lệnh cấm nghiêm ngặt hơn.
Giai đoạn 2025-2026: Sử dụng túi ni-lông thân thiện môi trường tại siêu thị, trung tâm thương mại là bước kế tiếp trong lộ trình giảm túi ni-lông. Tính phí đối với túi ni-lông cho khách hàng đựng hàng hóa do người tiêu dùng chi trả khuyến khích khách hàng tự mang túi sử dụng nhiều lần để đựng hàng hóa.
Giai đoạn 2026-2030: Không bán và sử dụng túi ni-lông sử dụng 1 lần tại siêu thị, trung tâm thương mại là hình thức thực thi nghiêm ngặt nhất nhằm loại bỏ 100% túi ni-lông sử dụng 1 lần dùng trong siêu thị và trung tâm thương mại.
Việt Anh