Giảm thiểu rác thải nhựa: Phụ nữ- Nhân tố tích cực
08/03/2024TN&MTPhụ nữ là nhân tố tích cực và cũng là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình; được xem là những nhà giáo dục đầu tiên nên nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng hay người quản lý, họ đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường trong gia đình, ngoài cộng đồng
Phụ nữ có vai trò là tác nhân thay đổi, nâng cao nhận thức cho các thành viên khác trong gia đình về tiêu thụ và quản lý rác
Trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của nước ta nói chung, giới và môi trường nói chung, phụ nữ và môi trường nói riêng là một trong những vấn đề xuyên suốt đồng thời là mục tiêu quan trọng được xác định. Trong công việc hay cuộc sống hàng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái bởi rác thải bủa vây.
Mặt khác, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình; được xem là những nhà giáo dục đầu tiên nên nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng hay người quản lý, họ đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ở nước ta, một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã ưu tiên đến việc phát huy tối đa vai trò của nữ giới trong các hoạt động hỗ trợ của mình. Theo báo cáo của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế đã triển khai nhiều mô hình hồi sinh rác thải nhựa thành công, duy trì bền vững mà ở đó nhân tối tích cực nhất vẫn là phụ nữ.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ về Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương giữa Bộ TN&MT với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên và UBND tỉnh Quảng Bình
Tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình), trong năm 2021, Dự án đã hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đồng Hới để xây dựng và thực hiện thí điểm Đề án “Giảm thiểu sử dụng túi nilong” tại Chợ Đồng Hới, với nhiều hoạt động ý nghĩa, bao gồm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thúc đẩy hành động tích cực của cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố nói chung và phụ nữ tiểu thương nói riêng trong việc giảm thiểu sử dụng túi nilong để chung tay thực hiện nếp sống văn minh đô thị; Thực hiện thí điểm Đề án “Giảm thiểu sử dụng túi nilong” tại Chợ Đồng Hới nhằm bước đầu nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho tiểu thương và khách hàng về giảm thiểu sử dụng túi nilong dùng 1 lần; Tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của tiểu thương, nhân dân và du khách về tác hại của việc sử dụng túi nilon dùng 1 lần trên mức cần thiết gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường hiện nay; Phát huy vai trò, trách nhiệm, sự đoàn kết của cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc tổ chức và vận động hội viên hưởng ứng, thực hiện mô hình, hoạt động do Hội phát động.
Phụ nữ Quảng Bình với phòng, chống rác thải nhựa
Các hoạt động được tổ chức với hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình, điều kiện của các cấp Hội, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố, vận động được đông đảo nhân dân và du khách tham gia thực hiện.
Tại huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên, trong khuôn khổ hoạt động tăng cường năng lực cho các Chi hội cơ sở của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên nhằm thực hiện các hoạt động truyền thông tại địa phương, Dự án đã hỗ trợ nguồn lực để Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên tổ chức một chuỗi hoạt động tại địa phương trong tháng 5, 6/2022. Cụ thể, Chi hội "Văn minh - Môi trường xanh-sạch-đẹp" đã được thành lập tại thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc với 50 hội viên. 50/50 hội viên, phụ nữ đã phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và đào hố rác khu vực sau nhà ở với kích thước chiều sâu và chiều rộng khoảng từ 60 đến 100cm (tùy vị trí đào hố); tận dụng các loại ván gỗ, tôn để làm nắp đậy. Không những vậy, nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ chủ động trồng cây xanh và hoa các loại trong khuôn nhà ở; giữ gìn vệ sinh khu vực công cộng, hai bên tuyến đường ở khu dân cư. Bên cạnh đó, các hội nghị truyền thông về tác hại của rác thải nhựa và phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình cũng được tổ chức tại xã Suối Bạc, và tại huyện Sơn Hoà.
Tại TP. Phú Quốc, Dự án đã phối hợp với Thành đoàn Thành phố Phú Quốc tổ chức tập huấn “Trại làm phim-Kể chuyện bằng hình ảnh" nhằm năng cao năng lực cho Thành đoàn cũng như 60 Đoàn viên thanh niên và các thầy cô giáo đến từ 3 trường THPT trên địa bàn thành phố Phú Quốc. Thông qua buổi tập huấn, các Đoàn viên đã được cung cấp những kiến thức bổ ích về thực trạng rác thải nhựa tại Phú Quốc, tác động của rác thải nhựa nói chung. Lớp tập huấn đã trang bị cho các học viên kỹ năng để kể lại những hoạt động, hành động giảm nhựa và những hoạt động công tác Đoàn-Hội và phong trào thanh niên tại trường học bằng những câu chuyện hình ảnh theo hình thức đoạn video, xử lý dữ liệu hình ảnh/video làm công tác truyền thông tại đơn vị. Cuối khoá tập huấn, 09 video đã được thực hiện hoàn chỉnh, với hình thức thể hiện sáng tạo, nội dung truyền tải những thông điệp sâu sắc về hành động giảm nhựa.
Mô hình tái sử dụng túi nilon đã qua sử dụng tại chợ thành phố Hà Tĩnh
Tại TP. Hà Tĩnh, trong tháng 7/2023, Dự án đã phối hợp với Thành đoàn thành phố Hà Tĩnh tổ chức tập huấn truyền thông "Kể chuyện bằng hình ảnh" cho các Đoàn viên thanh niên đến từ các trường THPT trên địa bàn. Lớp tập huấn trang bị cho các học viên những kỹ năng để kể lại những hoạt động, hành động giảm nhựa bằng những câu chuyện hình ảnh theo hình thức đoạn phim ngắn (video), xử lý dữ liệu hình ảnh/video làm công tác truyền thông. Thông qua các sản phẩm video tại tập huấn, Dự án kỳ vọng hoạt động sẽ giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục đoàn viên, thanh thiếu niên nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở Đoàn, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, từ đó hình thành ý thức trong đoàn viên về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống.
Có thể khẳng định, những việc làm cụ thể, cách làm rất thiết thực của phong trào “Chống rác thải nhựa” của Hội LHPN các địa phương các cấp đã dần nâng cao nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm dễ tiêu hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường, qua đó giảm thiểu rác thải nhựa, cùng chung tay xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; góp phần đắc lực vào chu trình phát triển kinh tế tuần hoàn của địa phương và đất nước.
Xuân Thành