Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023: Hào hứng với sự chuyên nghiệp
31/08/2023TN&MTGần một nửa các CLB lừng danh của nước Anh xuất thân từ các công xưởng. Bóng đá chuyên nghiệp mà ngày nay chúng ta biết đến hầu hết đều được phát triển từ cộng đồng những người công nhân các nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc vào ngày 28-7 vừa qua
Và tại Việt Nam, lần đầu tiên một giải bóng đá dành cho công nhân sẽ được tổ chức trên quy mô cả nước, dưới sự phối hợp của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Vì sao lại là bóng đá?
Hành trình phát triển của bóng đá chuyên nghiệp ngày nay in đậm dấu ấn của lực lượng công nhân. Năm 1850, nước Anh ban hành Đạo luật nhà máy nhằm cho phép người công nhân có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi và giải trí vào những ngày cuối tuần.
Không lâu sau đó, lần lượt những cái tên Arsenal, Manchester United, Everton... xuất hiện với dàn cầu thủ được tập hợp từ các công nhân nhà máy, xí nghiệp. Sau nhiều thập niên, họ trở thành những CLB có hàng chục triệu người hâm mộ toàn cầu.
Vì sao lại là bóng đá? HLV huyền thoại của CLB Stoke City gọi trò chơi 11 người là "vở ba lê dành cho những người công nhân. Bóng đá luôn được xem là môn thể thao vua, thu hút lượng người xem đông đảo. Và với riêng giới công nhân, bóng đá còn trở nên gần gũi nhờ luật lệ dễ hiểu, điều kiện dễ dàng, giúp gia tăng tinh thần đồng đội.
Đặc biệt, nó là môn thể thao vô cùng sôi động, giàu tính giải trí, phù hợp với nhu cầu cũng như lợi thế của tầng lớp người lao động ở các công xưởng, xí nghiệp, nhà máy.
Vì thế, khi ý tưởng về việc tổ chức giải bóng đá toàn quốc dành cho công nhân mọi miền đất nước được báo Tuổi Trẻ khởi xướng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo ban ngành khác đã ủng hộ nhiệt liệt.
Ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chia sẻ đầy xúc động trong buổi lễ ký kết giữa các đơn vị tổ chức giải: "Tôi thường nói với mọi người thế này: Đời sống người công nhân có ba căn nhà. Một là căn nhà của cha mẹ, nơi họ lớn lên. Rồi sau đó là nhà máy và nhà trọ - nơi họ sinh sống sau này. Cuộc đời người công nhân vì thế cứ loanh quanh từ nhà trọ lại đến nhà máy, đầu tắt mặt tối cả ngày mà ít niềm vui. Chúng ta vì thế cần phải nỗ lực tạo thêm sân chơi, thêm niềm vui cho các công nhân".
Vui hơn khi được chuyên nghiệp hóa
Các giải bóng đá phong trào vốn đã quá quen thuộc ở Việt Nam. Ở nhiều giải đấu còn có sự tham gia của người lao động từ các công ty, xí nghiệp, nhà máy. Nhưng có thể khẳng định đây là lần đầu một giải bóng đá ưu tiên dành riêng cho công nhân được tổ chức quy mô đến vậy.
Theo đó, giai đoạn khu vực của giải diễn ra tổng cộng ở tám khu vực, trải dài từ Bắc vào Nam bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, TP.HCM, Bình Dương và Cần Thơ. Tám đội vô địch khu vực của giải sau đó sẽ tham gia vòng chung kết toàn quốc tại Bình Dương.
Ngoài quy mô tổ chức, giải đấu còn hứa hẹn hấp dẫn nhờ tính chuyên nghiệp với sự phối hợp của VFF. Đặc biệt là khi VFF cũng vừa ban hành Luật Bóng đá sân bảy người. Và Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 sẽ là lần đầu tiên luật này chính thức được áp dụng. Nhiều đội bóng tỏ ra háo hức trước thông tin này.
Háo hức chờ ngày thi đấu
HLV Vũ Đình Quyền của đội LG display (Hải Phòng) cho biết: "Công ty chúng tôi khoảng 20.000 người, nhưng tập trung được đội bóng chỉ tầm hơn 30 người. Dù vậy, để đi tập thì cũng chỉ tập được một buổi/tuần và có mặt trên sân cũng chỉ 7-8 người thay nhau có mặt ở từng buổi tập.
Điều này do chúng tôi dính kíp làm việc, công nhân chúng tôi làm 3 ca 2 kíp (ca ngày - ca đêm). Trước đây, Hải Phòng cũng từng tổ chức giải có 60 đội tham dự, chúng tôi thứ sáu tập, chủ nhật đi đá. Nhưng mà lần này quy mô giải lớn hơn nhiều nên mọi người rất chờ đợi.
Chúng tôi ở ngoài này cũng đá bảy người/đội, nhưng lại là trên sân năm. Nên để có thể làm quen với luật mới, chúng tôi cũng chỉ có thể tìm sân lớn hơn để tập làm quen không gian, chứ khung thành to hơn thì không có. Dù vậy, vào giải có luật lệ chính thức, rõ ràng từ VFF thì ai cũng yên tâm hơn".
Anh Duy Lân, công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, cho biết nhiều đội bóng ngay khi nghe tin có giải đã háo hức đăng ký và tập luyện cả tháng để chuẩn bị tham dự giải. Phong trào bóng đá vốn rất quen thuộc với các công ty, xí nghiệp nên ngay từ lần đầu tổ chức, giải đấu lập tức thu hút nhiều đội bóng có chất lượng, có tên tuổi trong giới bóng đá phong trào ở mỗi tỉnh thành. Và giải cũng vơi đi nỗi lo "cầu thủ ảo", khi nhiều đội bóng cố tình tuyển cầu thủ chuyên nghiệp tham gia giải.
Ông Trương Quang Định, trưởng đoàn đội Công ty CP Dệt may ĐTTM Thành Công, cho biết: "Tôi đọc kỹ điều lệ và thấy Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm nay sẽ có bước kiểm tra tư cách cầu thủ phải là công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư... trực tiếp sản xuất.
Đây là điều ít thấy ở nhiều giải đấu khác và được kỳ vọng sẽ hạn chế sự xuất hiện của nhiều cầu thủ chuyên đá phủi. Nếu làm được điều đó, giải đấu này sẽ là ngày hội của công nhân".
Lễ ký hợp tác tổ chức Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 diễn ra ngày 21-6 tại TP.HCM
Tổng giải thưởng trên 840 triệu đồng
Giai đoạn khu vực của Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 diễn ra lần lượt tại các tỉnh thành từ ngày 8-9 đến hết ngày 29-10. Khu vực thi đấu đầu tiên là Hải Phòng, diễn ra trong ba ngày 8, 9 và 10-9 tại sân vận động Trường ĐH Hàng hải Việt Nam.
Kế đó lần lượt là các khu vực Hà Nội (15, 16 và 17-9, sân Trung tâm thể thao quận Tây Hồ), khu vực Nghệ An (22, 23 và 24-9, sân ĐH Vinh), khu vực Cần Thơ (29, 30-9 và 1-10, cụm sân nhân tạo Nhà thi đấu đa năng Cần Thơ), khu vực TP.HCM (6, 7 và 8-10, Trung tâm thể dục thể thao Bình Thạnh), khu vực Bình Dương (13, 14 và 15-10, sân bóng đá VSIP), khu vực Quảng Nam (20, 21 và 22-10, sân Tân Nhật Minh) và khu vực Bình Định (27, 28 và 29-10, sân vận động Ban chỉ huy quân sự Bình Định).
Mỗi khu vực sẽ có tám đội thi đấu, riêng Hà Nội có chín đội. Đội vô địch các khu vực sẽ giành quyền vào chơi vòng chung kết diễn ra tại Bình Dương (sân VSIP1) vào ngày 10, 11 và 12-11. Tổng giải thưởng lên tới trên 840 triệu đồng, trong đó đội vô địch khu vực nhận được 20 triệu đồng, còn vô địch vòng chung kết nhận 150 triệu đồng.
9h hôm nay (31-8) sẽ diễn ra buổi họp báo và bốc thăm chia bảng đấu của giải tại khách sạn Lotte Sài Gòn (2A-4A Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM).
Thông tin về giải đấu
"Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 - National Worker's Football Championship 2023" do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, báo Tuổi Trẻ và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp tổ chức, Vietnews Media là đơn vị vận hành giải.
Giải đấu sẽ diễn ra tại tám cụm ở tám khu vực trên cả nước từ tháng 9 đến tháng 11-2023, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 840 triệu đồng và nhiều hiện vật giá trị.
Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 với sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhãn hàng: Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO), nhãn hàng nước tăng lực RockStar, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nhãn hàng nước điện giải Revive, Công ty CP Động Lực, Tổng công ty Viglacera.
Theo tuoitre.vn