Giải pháp cho công tác quản lý môi trường các khu công nghiệp

30/11/2023

TN&MTThời gian qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã từng bước quan tâm, chú trọng và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp. Các khu công nghiệp đã góp phần hạn chế việc phân tán cơ sở sản xuất công nghiệp, thực hiện tập trung sản xuất, di dời cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ nội đô, làng nghề vào trong khu công nghiệp. Do đó, công tác bảo vệ môi trường được kiểm soát chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với công tác xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải.

Giải pháp cho công tác quản lý môi trường các khu công nghiệp

Tình hình thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Theo số liệu thống kê mới nhất, hàng năm, các KCN đang hoạt động phát sinh khoảng 650.000 tấn chất thải nguy hại, 4,3 triệu tấn chất thải rắn thông thường. Các KCN đã đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong việc quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại để đảm bảo chất thải được thu gom, bàn giao cho các đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.

Nhìn chung, các KCN đang hoạt động đã tuân thủ quy định pháp luật về BVMT, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT như hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý chất thải (XLNT) tập trung, hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT khác. Hơn nữa, các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng KT-XH và môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Mặc dù NSNN còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các địa phương đều quan tâm đầu tư cho công tác BVMT, cơ bản bố trí đủ, hoặc vượt 1% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác BVMT nói chung, trong đó có các KCN. Trung bình khoảng 75% số phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác BVMT; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ BVMT của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật XLNT. 

Tổ chức bộ máy quản lý BVMT tại KCN ở các địa phương cơ bản đã được hình thành, tổ chức hoạt động và được phân cấp thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền. Ban Quản lý KCN thực hiện chức năng QLNN trực tiếp đối với các KCN; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư thứ cấp trong KCN. Ban Quản lý KCN có thẩm quyền trực tiếp quản lý về đầu tư và quản lý KCN theo hướng dẫn của các bộ và theo sự ủy quyền của các cơ quan có thẩm quyền trên một số lĩnh vực: Thương mại, xây dựng, lao động. Các Ban Quản lý KCN đều bố trí nhân sự làm công tác BVMT. Trên cả nước hiện có khoảng 300 công chức, viên chức làm công tác BVMT tại các Ban Quản lý KCN. Nhiều địa phương có Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KCN và các ngành chức năng có liên quan trong công tác QLNN về môi trường. Về cơ bản, các Ban Quản lý KCN đều có nhiều cố gắng trong thực thi nhiệm vụ của mình, trong đó có công tác BVMT trong các KCN.

Các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN đều có bộ phận phụ trách về môi trường hoặc bố trí cán bộ chuyên trách có chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát môi trường. Các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong KCN bố trí bộ phận chuyên môn hoặc nhân sự có chuyên môn phù hợp phụ trách về BVMT tùy theo quy mô hoạt động và các vấn đề môi trường phát sinh.

Thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT đối với KCN, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, các bộ và UBND cấp tỉnh đã xử lý vi phạm pháp luật về BVMT của gần 5.000 doanh nghiệp, trong đó có các KCN và cơ sở trong KCN với tổng số tiền xử phạt 300.970 triệu đồng. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, các vi phạm chủ yếu tập trung vào các hành vi: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc cam kết BVMT đã được phê duyệt; hoạt động khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý về môi trường; vi phạm về quản lý chất thải; xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ TN&MT tại các KCN trong cả nước cho thấy các lỗi vi phạm chủ yếu là: Xả nước thải vượt tiêu chuẩn tiếp nhận của chủ đầu tư KCN; lưu giữ và chuyển giao chất thải không đúng quy định; xây dựng các công trình BVMT không đúng với báo cáo ĐTM được phê duyệt; thiếu báo cáo giám sát chất thải định kỳ.

Giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường khu công nghiệp

Hoàn thiện chính sách, pháp luật, trong đó tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật BVMT năm 2020 có liên quan đến BVMT KCN, bao gồm: Quy hoạch BVMT trong đó tính đến yếu tố BVMT KCN; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải, không thải chất thải ra môi trường; rà soát, điều chỉnh hoặc ban hành mới các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường phù hợp với thực tiễn, có lộ trình phù hợp với cam kết quốc tế, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường phục vụ lựa chọn loại hình, công nghệ sản xuất, bảo đảm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; tính toán, dự báo khả năng phát sinh chất thải phù hợp để xác định công tác chuẩn bị hạ tầng tương ứng; thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và phát triển các KCN sinh thái mới; kiểm toán chất thải, xây dựng cơ sở dữ liệu để tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia, tiến tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; rà soát, đánh giá, điều chỉnh công cụ kinh tế, thuế, phí về môi trường đang áp dụng cho phù hợp với nguyên tắc thị trường; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy xã hội hóa công tác BVMT, huy động các nguồn lực đầu tư không chỉ cho cơ sở hạ tầng BVMT mà còn các hoạt động hiện đại hóa công nghệ sản xuất, cộng sinh công nghiệp, sử dụng chung hệ thống XLNT của KCN và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong KCN, giữa KCN và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ từ NSTW, Quỹ BVMT đối với việc đầu tư, xây dựng công trình BVMT tại địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Thực hiện rà soát, đề nghị sửa đổi các văn bản có liên quan để phát huy hiệu lực, hiệu quả các quy định liên quan đến BVMT KCN, bao gồm: Áp dụng các biện pháp xử lý bổ sung, chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT để đủ tính răn đe, ngăn ngừa hiệu quả, khắc phục việc chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm; quy định tỷ lệ chi từ nguồn thu thuế BVMT được sử dụng để đầu tư trực tiếp cho công tác BVMT; cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng từ ngân sách trung ương ưu tiên bố trí cho các chương trình, dự án quan trắc phục vụ kiểm soát, giám sát BVMT các KCN; chính sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN tại các địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trong phạm vi cả nước bảo đảm yêu cầu BVMT gắn với mục đích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; rà soát, sửa đổi, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Ban Quản lý KCN; khuyến khích phát triển các KCN sinh thái.

Ngoài việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật về BVMT, Bộ TN&MT cũng như các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào những nhiệm vụ: Một là, khẩn trương tổ chức lập quy hoạch BVMT cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung về BVMT KCN để bảo đảm phát triển các KCN đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH. Thường xuyên rà soát, đánh giá tổng thể tình trạng thu gom, xử lý nước thải tại các KCN trong phạm vi cả nước. Khẩn trương tiến hành các thủ tục môi trường của KCN; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT của các KCN đã đi vào hoạt động. Tăng cường quan trắc môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường tại các khu vực tập trung nhiều KCN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; sớm khắc phục tình trạng vi phạm còn phổ biến hiện nay là dự án đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thành các thủ tục về BVMT. Áp dụng chế tài mạnh đối với KCN không tuân thủ quy định về đầu tư hạ tầng kỹ thuật về BVMT trước khi đi vào hoạt động.

Hai là, bảo đảm việc thành lập và phát triển KCN tuân thủ đúng với quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; kiên quyết không cho mở rộng KCN hiện có hoặc đầu tư thêm các KCN mới tại địa phương khi còn KCN có tỷ lệ lấp đầy thấp; không cấp giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư thứ cấp khi KCN chưa có hạ tầng kỹ thuật về BVMT; kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các loại hình sản xuất đầu tư trong KCN trên địa bàn. Các KCN đã lấp đầy nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung và không có kế hoạch xây dựng cần phải được xem xét đưa ra khỏi danh mục các KCN và chuyển đổi loại hình hoạt động để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Ba là, cân đối nguồn lực để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN; có chính sách khuyến khích nhà đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN trong đó có hệ thống XLNT tập trung. Tăng cường nguồn vốn hoạt động cho Quỹ BVMT Việt Nam theo hướng đầu tư, xây dựng công trình BVMT KCN tại địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Tổ chức thực hiện chính sách phát triển KCN sinh thái tại địa phương. Giám sát chặt chẽ việc phát sinh chất thải từ các KCN và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao từ các KCN.

Bốn là, hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN trong việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ các biện pháp, cam kết về BVMT; đầu tư xây dựng, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình BVMT của KCN; xây dựng bộ máy, bố trí đủ nhân lực có trình độ chuyên môn về BVMT để quản lý công tác BVMT cũng như vận hành, giám sát các công trình xử lý môi trường của KCN. Chủ động áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ để bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác BVMT. Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, đặc biệt là nước thải công nghiệp trước khi đưa vào hệ thống XLNT tập trung của KCN. Xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của cơ sở; thường xuyên tổ chức diễn tập, ứng phó theo các kịch bản sự cố và báo cáo công tác BVMT theo đúng quy định. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn kỹ thuật cũng như tăng cường phổ biến, nâng cao hiểu biết về các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về BVMT cho cán bộ, nhân viên, người lao động.

Năm là, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm và nắm bắt xu thế hoạt động phát triển của các mô hình KCN; huy động các nguồn vốn đầu tư, vốn viện trợ quốc tế để thực hiện các giải pháp phát triển bền vững KCN, trong đó tập trung nhân rộng mô hình KCN sinh thái.

Sáu là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT; áp dụng các biện pháp đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT đối với KCN; có các giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác BVMT và khuyến khích xã hội hóa hoạt động BVMT.

TS. TRẦN VĂN TẤN

Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 5 (Kỳ 1 tháng 3) năm 2023

Tin tức

Cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và những định hướng chiến lược

Thông cáo báo chí số 10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ trưởng Trần Quý Kiên tiếp công dân định kỳ tháng 10/2024

Tài nguyên

Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai Luật Đất đai 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành

Bộ TN&MT làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về công tác quản lý đất đai

PGS. TS Lê Anh Tuấn: Mạch nước ngầm khai thác tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến vụ sụt lún

Hoàn thiện danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng

Môi trường

Khởi động dự án giảm sử dụng nhựa một lần trong trường học

Nâng cao nhận thức trong việc giảm thiểu rác thải nhựa

COP16: Tăng cường cam kết bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến Liên minh toàn cầu vì 'Hòa bình với thiên nhiên'

Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình, giải pháp quản lý Vườn di sản ASEAN bền vững

Video

Không để khoảng trống và độ trễ trong thời điểm giao thoa giữa Luật Đất đai mới và cũ

Điều chỉnh bảng giá đất phải tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024/NĐ-CP

Kết quả bước đầu kiểm tra 2 cuộc đấu giá đất tại huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức

Bộ TN&MT phổ biến các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024

Khoa học

Bài 1: Bản đồ cảnh báo lũ quét và nguy cơ sạt lở đất- Công cụ thiết yếu còn manh mún, dàn trải

Chiến lược quản trị kinh doanh nhà hàng

Xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp cho huyện đảo Phú Quý

Tập huấn sử dụng Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh của công dân ngành TN&MT

Chính sách

Gợi mở những định hướng phù hợp chiến lược phát triển cao nguyên xanh Lâm Đồng

Dự án tâm điểm quận Hoàng Mai: 2 trường học sát kề, hàng hiếm cho khách có con nhỏ

Tổng công ty Giấy Việt Nam phát triển gắn với bảo vệ môi trường?

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy làm thành viên Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án

Phát triển

NSND Xuân Bắc được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 3 tháng cuối năm 2024 của tỉnh Bắc Ninh

Tích hợp giáo dục môi trường trong công tác giảng dạy tại Nam Định

Thị trường thủ công mỹ nghệ hướng đến con số 2394 tỷ USD vào năm 2032

Diễn đàn

Vai trò của lãnh đạo báo chí, doanh nghiệp với phát triển bền vững

Bắt kịp xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh

Hoàn thiện khung pháp lý, tạo niềm tin phát triển thị trường tài chính xanh

Thực tiễn triển khai các quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở tại các Bộ, ngành