Doanh nghiệp công nghệ số có cơ hội lớn vươn ra toàn cầu
24/02/2023TN&MTNguồn nhân lực dồi dào, tính sáng tạo cao, giá cả cạnh tranh là thế mạnh để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế. Tại hội nghị “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” ngày 23.2, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ triển khai chiến dịch tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới.
Cơ hội không giới hạn
Những năm gần đây, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng và năng lực cạnh tranh, đã và đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyên thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới”
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cùng với sự bùng nổ nhu cầu chuyển đổi số trên thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang đứng trước cơ hội “trăm năm có một” là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi “mở cõi”. Internet và công nghệ số ngày càng đóng vai trò quan trọng nhưng còn khoảng 49% dân số thế giới, tức gần 4 tỷ người chưa được kết nối Internet. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm đóng góp cho thu hẹp khoảng cách số, xây dựng tương lai số bền vững không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới đối với doanh nghiệp Việt.
Ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech…
Thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ viễn thông của Việt Nam năm 2022 có dung lượng xấp xỉ 2 tỷ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Tuy vậy, Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư. Cũng trong năm 2022, doanh thu xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam là 2,2 tỷ USD do 1.000 doanh nghiệp và 80.000 kỹ sư thực hiện.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết, con số này rất nhỏ nếu so với tổng doanh thu của dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm trên thế giới đang là 1.803 tỷ USD. Với lượng nhân lực như hiện nay và sẽ tăng mạnh trong những năm tới, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại. Do đó, việc dịch chuyển ra nước ngoài là rất cần thiết và cơ hội của doanh nghiệp Việt ở quốc tế là không giới hạn.
Cũng theo ông Nghĩa, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt là nhân sự giá rẻ nhưng chất lượng cao. Nếu xét về mặt bằng thế giới, lương kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam chỉ bằng 1/10 nhưng chất lượng sản phẩm làm ra được đánh giá rất cao. Để mang lại hiệu quả tổng thể, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần đi cùng nhau. Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.
Kinh nghiệm từ các tập đoàn hàng đầu
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, những năm 2000, khi lần đầu tiên bước ra ngoài với thị trường Ấn Độ, thủ phủ của phần mềm thế giới ở thời điểm đó, FPT gặp rất nhiều khó khăn, 2 năm liền không ký được hợp đồng nào. FPT chỉ thực sự có những thành công đầu tiên khi tham gia vào thị trường Nhật với chiến lược khác biệt đó là: học tiếng Nhật để phục vụ, làm việc với người Nhật. Về sau, học cùng, làm việc bằng tiếng bản địa là yêu cầu đầu tiên FPT đưa ra khi xâm nhập các thị trường quốc tế khác. Đến nay FPT đã hiện diện ở 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.
Đưa ra lời khuyên cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khi tiến ra thị trường nước ngoài, Chủ tịch FPT cho rằng, điều quan trọng là phải ở gần khách hàng, ví dụ mở văn phòng đại diện tại nước đó để nắm bắt rõ các nhu cầu cụ thể. Bên cạnh đó, phải nói tiếng bản địa, cho ra các sản phẩm sát với nhu cầu bản địa.
Chia sẻ kinh nghiệm của Viettel, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, phải hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư; luôn thượng tôn pháp luật; phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh.
Bên cạnh đó, ông Ravi Vajpayee Đại diện phòng thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (Incham), nhấn mạnh, nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của doanh nghiệp khi tiến ra thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Bộ sẽ cùng với các cơ quan liên quan mở đường, các doanh nghiệp đã thành công sẽ hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp khác cùng đi. "Cùng nhau để đi xa, cùng nhau để tự tin hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo daibieunhandan.vn