Đến năm 2030: Đạt mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường
20/05/2023TN&MTĐến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%,…
ảnh minh họa
Nhiệm vụ đó được chỉ rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), trong đó:
Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất, nước, khoáng sản, theo nguyên tắc thị trường. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, minh bạch các yếu tố thị trường để có khả năng vốn hóa các nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả. Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch. Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Kông và sông Hồng. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN.
ảnh minh họa
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược. Kiểm soát an toàn, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Tăng cường giám sát, công khai đầy đủ, kịp thời thông tin và nâng cao chất lượng môi trường không khí, có biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, xử lý rác thải ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu vực nông thôn.
Phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án khai thác tài nguyên, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt quan tâm đến những dự án lớn, công nghệ phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao).
Ngăn chặn suy thoái, tối ưu hóa các mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng và tăng độ che phủ rừng, nhất là duy trì độ che phủ rừng đầu nguồn; bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3 triệu héc-ta. Tăng cường và thực thi nghiêm chế tài xử phạt vi phạm về môi trường. Thực hiện nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; đối tượng được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.
Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.
Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế, thực hiện các giải pháp thông minh để thích ứng trong nông nghiệp, thủy sản và phát triển rừng. Giảm thiểu những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn, sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long, lũ ống, lũ quét, sạt lở núi ở khu vực trung du, miền núi.
Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%.
ảnh minh họa
Trong giai đoạn đến năm 2030, mục tiêu phát triển tổng quát của ngành TN&MT nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên của đất nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; Bảo tồn, sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học; Chủ động kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường; Cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm; Cải tạo, phục hồi hệ sinh thái đang bị suy thoái; Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, góp phần đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Theo đó, các mục tiêu phát triển cụ thể của ngành bao gồm:
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp xu hướng quản lý tổng hợp, gắn với không gian và sự tham gia của nhiều bên với cam kết và yêu cầu về SDGs;
Phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh giản bộ máy, phân cấp, phân nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường;
Tăng cường, thúc đẩy các công cụ quản lý dựa vào thị trường, hạch toán và kiểm toán các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường nhằm thực hiện yêu cầu về công khai, bình đẳng và hài hòa trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ môi trường; Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thông tin dữ liệu TN&MT, tận dụng, ứng dụng tối đa thành quả của KH&CN, đặc biệt là Hệ thống thông tin địa lý (GIS), Kết nối vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (big data), Công nghệ đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI) và Chuỗi - Khối (block chain) để hỗ trợ việc quy hoạch, giám sát và quản lý tài nguyên, môi trường.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng các hoạt động: Nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách về TN&MT để kiến nghị điều chỉnh kịp thời, phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế hội nhập sâu với kinh tế thế giới, hợp tác song phương và đa phương ngày càng mở rộng; Nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và đề xuất các mô hình phát triển các-bon thấp, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững đất nước.
Phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực: Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối trung gian và tránh chồng chéo, chức năng và nhiệm vụ với các bộ, ngành khác; Phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Hiện đại hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở thông tin dữ liệu TN&MT.
Lê Nguyệt Hằng