Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường
11/07/2023TN&MTViệt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ. Do đó, việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ để góp phần kiến tạo tương lai xanh là hết sức cần thiết.
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Phạm Minh Hải - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường về giải pháp nhằm phát huy vai trò của các nhà khoa học trẻ, chủ động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phục vụ công tác quản lý ngành, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
PGS. TS. Phạm Minh Hải - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ
PV: Thưa ông, được biết, năm 2022 Câu lạc bộ (CLB) các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường được ra đời, tuy nhiên ở một phương diện nào đó bên ngoài vẫn chưa biết rõ về tổ chức này và hoạt động này, xin ông chia sẻ về mô hình này?
PGS. TS. Phạm Minh Hải: Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ TN&MT, ngày 28/7/2022, CLB các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT được thành lập với sứ mệnh khuyến khích các nhà khoa học trẻ của Bộ tham gia công tác nghiên cứu để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong ngành TN&MT. CLB hướng đến các mục tiêu chính: Xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ trong và ngoài ngành TN&MT; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên đề xuất các sáng kiến, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp nghiên cứu khoa học, tập sự nghiên cứu khoa học, chủ động đăng ký nghiên cứu các đề tài khoa học thiết thực. Đồng thời, chia sẻ quan điểm và trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học giữa các cán bộ nghiên cứu khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên từ các trường đại học, có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường.
Từ khi thành lập đến nay, tuy thời gian chưa dài song Ban Chấp hành CLB cùng toàn thể hội viên đã gây dựng một phong trào nghiên cứu khoa học trong Bộ TN&MT. Điển hình như hiện nay chúng tôi đã xây dựng được cụm các nhiệm vụ nghiên cứu cấp cơ sở bao gồm 12 đề xuất phục vụ công tác chuyển đổi số và giải pháp số trong 9 lĩnh vực của Bộ TN&MT. Các thành viên của CLB cũng tham gia các báo cáo khoa học tại các hội nghị khoa học được tổ chức tại các trường, các cơ quan trong Bộ. Các báo cáo khoa học đều được Ban tổ chức hội nghị đánh giá cao.
Một hoạt động thường xuyên khác của CLB là liên tục khuyến khích, hỗ trợ các cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên của Bộ để tổ chức các buổi tọa đàm, giúp các nhà khoa học trẻ nâng cao năng lực nghiên cứu, giúp họ phát triển các ý tưởng thành những nhiệm vụ nghiên cứu, đề tài nguyên cứu các cấp và hướng dẫn các nhà khoa học trẻ công bố kết quả nghiên cứu đó ở những tạp chí trong và ngoài nước có uy tín.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa là công tác định hướng nghề nghiệp cho các nhà nghiên cứu trẻ để họ được làm công việc họ đam mê, đi đường dài với nó và có thể thành công.
Lễ ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường
PV: Theo ông, yếu tố nào để các nhà khoa học trẻ nghiên cứu khoa học nói chung và ngành TN&MT nói riêng gắn bó lâu dài với công tác nghiên cứu lặng thầm và nhiều khó khăn?
PGS. TS. Phạm Minh Hải: Tôi cho rằng, để các cán bộ trẻ gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học, trước hết, họ phải có kỹ năng làm công tác nghiên cứu, hiểu về lĩnh vực mà mình đang công tác, nắm bắt được những vấn đề thời sự, những tồn tại trong đời sống xã hội để tháo gỡ những nút thắt đó bằng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các cán bộ trẻ khi làm công tác nghiên cứu cần xác định rằng: Đây là công việc có tính chất đặc thù. Làm nghiên cứu, không chỉ cần kỹ năng đọc, lĩnh hội tiếp thu các kiến thức mà cần hội tụ đầy đủ các yếu tố như “giác quan nghiên cứu”, sự chủ động, sáng tạo và trên hết là niềm đam mê nghiên cứu.
Đam mê nghiên cứu đến từ sự hiểu ngành, hiểu nghề, trân quý các kiến thức khoa học và nỗ lực tự thân tìm tòi, khám phá ra điểm mới trong khoa học. Nghiên cứu sẽ có thành công song cũng có thất bại. Bạn phải kiên trì, bởi một nhà khoa học khó có thể trưởng thành, gặt hái thành quả trong “một sớm, một chiều”. Làm khoa học là cả một quá trình. Khi tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thành công sẽ đến và đam mê sẽ luôn được duy trì, cũng là chất xúc tác để các nhà khoa học tiếp tục cống hiến.
Tình yêu với khoa học xuất phát từ chính đòi hỏi từ thực tiễn. Khoa học phải giải quyết được những vấn đề đặt ra trong thực tế, giải được bài toán mà xã hội cần; từ đó, các nghiên cứu khoa học mới mang lại giá trị gia tăng và tiếp lửa cho người làm nghiên cứu.
PV: Là một nhà khoa học đi trước, đã có những trải nghiệm và kinh nghiệm trong hoạt động này, ông có điều gì nhắn gửi, mong muốn tới các nhà khoa học trẻ của ngành Tài nguyên và Môi trường?
PGS. TS. Phạm Minh Hải: Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, làm khoa học phải có đam mê; làm công tác nghiên cứu khoa học là công việc đặc thù, phải gắn bó trong một thời gian dài. Trên hành trình đó, người làm nghiên cứu vừa phát triển bản thân, vừa phải học hỏi những kiến thức, công nghệ từ bên ngoài để biến nó thành tri thức của mình, sau đó, mới đề xuất được những ý tưởng và từ ý tưởng hình thành nhiệm vụ nghiên cứu, đóng góp cho ngành, cho xã hội, cộng đồng. Và đó chính là quá trình trưởng thành của bản thân người làm nghiên cứu.
Thành công hay hạnh phúc của người làm nghiên cứu là khi giải quyết được những vấn đề mà ngành cần, xã hội cần. Đó là niềm vui giản dị, lặng thầm song quý báu, bởi những tri thức khoa học đem đến cho xã hội thể hiện giá trị của chính con người dám đam mê và quyết tâm, học hỏi và cống hiến.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Khang (thực hiện)