Đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng
06/07/2024TN&MTTheo Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), tính đến nay, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt hơn 4.156 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân đã cơ bản hoàn thành, hỗ trợ quản lý, bảo vệ cho gần 7,3 triệu héc-ta rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng toàn quốc…
Kiểm tra, xác minh diện tích để chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam Trần Quang Bảo cho biết, ngành lâm nghiệp đang tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường theo Nghị định số 156/2018/NÐ-CP và thí điểm thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NÐ-CP của Chính phủ bảo đảm thu đúng, thu đủ và chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Phấn đấu đạt mục tiêu thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn quốc năm 2024 (theo Nghị định số 156/2018/NÐ-CP) là 3.200 tỷ đồng; giải ngân cho các chủ rừng đạt 70% số tiền thu được trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư ở thôn, bản; đồng thời, bảo đảm duy trì 7,3 triệu héc-ta rừng trong lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng của cả nước. Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất tăng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện và cơ sở sản xuất nước sạch theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NÐ-CP của Chính phủ.
Tính đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận tổng số tiền 115,6 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đạt 96% so với kế hoạch năm, trong đó, VNFF ủy thác 68,7 tỷ đồng, thu nội tỉnh 46,9 tỷ đồng. Quỹ đã chi tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 cho 4 chủ rừng là tổ chức và 5 UBND cấp xã với số tiền là 27,9 tỷ đồng.
Hiện nay, Yên Bái đã hoàn thành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 cho các đối tượng thụ hưởng 139,2 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch điều chỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt. Toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả từ Quỹ không dùng tiền mặt, thông qua các phương thức như: chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng, kho bạc và thanh toán qua dịch vụ Bưu điện (PayPost).
Tại tỉnh Ðiện Biên, trong 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích rừng cung ứng năm 2023 là 408.259 ha; diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là hơn 316.359 ha. Tổng nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng đạt 43,113 tỷ đồng. Kết quả giải ngân, thanh toán nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 cơ bản đã hoàn thành, đạt 102% so với kế hoạch, đạt 95,4% so với nguồn tiền phải giải ngân...
Tại tỉnh Ðắk Lắk, nơi có diện tích rừng đạt gần 500.000 ha, trong đó diện tích rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 207.838,84 ha, chiếm khoảng 41,8% diện tích rừng toàn tỉnh. Sau hơn 10 năm thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn, đến nay tỉnh đã ký được 48 hợp đồng ủy thác, trong đó có 18 hợp đồng thuộc lưu vực hai tỉnh trở lên do VNFF ký kết; Quỹ tỉnh đã ký kết được 30 hợp đồng ủy thác (gồm 9 hợp đồng đối với các nhà máy thủy điện; 3 hợp đồng với các đơn vị nước sạch và 18 hợp đồng với các cơ sở sản xuất nước công nghiệp). Tổng nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng của tỉnh hiện nay bình quân khoảng 80 tỷ đồng/năm, chủ yếu do VNFF điều phối, chiếm khoảng 90%, thu nội tỉnh chiếm khoảng 10%.
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ðắk Lắk Võ Minh Quân chia sẻ, hằng năm, tỉnh đều phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng thực hiện công tác rà soát diện tích rừng và xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ðến nay, tỉnh Ðắk Lắk đã hoàn thành công tác xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị cung ứng dịch vụ môi trường rừng chậm báo cáo diễn biến rừng, nguyên nhân các đơn vị này chưa có nhân sự phụ trách về lĩnh vực lâm nghiệp dẫn đến lúng túng trong công tác báo cáo biến động diện tích rừng.
Cũng như các tỉnh Ðắk Lắk, Yên Bái, Ðiện Biên, nhiều địa phương khác trên cả nước đã thực hiện và hoàn thành tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần hỗ trợ kịp thời các chủ rừng bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.
Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của dịch vụ môi trường rừng, ngành lâm nghiệp đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến Luật Lâm nghiệp, trong đó phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng từ bao nhiêu mét khối nước/năm trở lên sẽ thuộc đối tượng phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng và danh sách các ngành nghề sản xuất công nghiệp phải thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các địa phương có rừng đẩy nhanh công tác đồng bộ diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng với kết quả theo dõi diễn biến rừng, nhằm bảo đảm tính thống nhất về diện tích, trạng thái, nguồn gốc rừng để phục vụ cho công tác xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm bảo đảm theo quy định. Tập trung rà soát diện tích rừng, để diện tích rừng đưa vào chi trả dịch vụ môi trường rừng bảo đảm các tiêu chí, điều kiện theo quy định, trong đó chú trọng đến diện tích của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng để tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thêm vào đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị cung ứng, bảo đảm diện tích rừng đưa vào chi trả đúng với diện tích rừng thực tế hiện có nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động thu, chi dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật...
Theo nhandan.vn