Đào tạo và nghiên cứu khoa học: Hai nhiệm vụ của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
06/10/2022TN&MTCách mạng Công nghiệp 4.0 đang trao cơ hội cho ngành Tài nguyên và Môi trường phát triển bứt phá, đưa công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lên một tầm cao mới. Vì vậy, yếu tố con người là quyết định, nguồn nhân lực của ngành Quản lý tài nguyên và Môi trường đang được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng hơn bất cứ lúc nào trước yêu cầu của giai đoạn mới.
TS. Hoàng Anh Huy- đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường thăm hỏi và động viên các em sinh viên
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình phát triển đã tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Trước thực trạng trên, để đảm bảo nguồn tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thì cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành TN&MT. Bộ TN&MT luôn quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo các lĩnh vực của ngành TN&MT, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao ở trường 2 trường đại học thuộc Bộ là: ĐH TN&MT Hà Nội (HUNRE) và ĐH TN&MT TP. Hồ Chí Minh. Với nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, quy mô, ngành nghề đào tạo của 2 trường ngày càng được mở rộng, hoạt động nghiên cứu khoa học có nhiều chuyển biến tích cực và được lồng ghép hiệu quả, đến nay hệ thống cơ sở đào tạo của 2 trường đã đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành và xã hội.
Đổi mới toàn diện và xây dựng thương hiệu
Những năm qua, Trường Đại học TN&MT Hà Nội luôn quan tâm đổi mới cơ bản, toàn diện và xây dựng thương hiệu “Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ, hướng tới hội nhập mạng lưới các trường đại học khu vực và quốc tế, cung cấp cho người học một môi trường giáo dục đại học hiện đại, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh và thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động.
Theo đó, Nhà trường luôn xác định rõ ràng các định hướng nghiên cứu theo từng giai đoạn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, phải giải quyết được những vấn đề liên quan đến sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
nét đẹp của nữ sinh Trường Hunre
Nhà trường cũng chú trọng tạo cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Trường đã giảm các công việc và thời gian làm hành chính để giảng viên tập trung cho nghiên cứu khoa học; tăng kinh phí hỗ trợ cho việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế.
Hơn nữa, Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học như: sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của Trường để nghiên cứu; huy động nguồn nhân lực khoa học (giảng viên, người học) của Trường tham gia hỗ trợ nghiên cứu; liên hệ với các đơn vị khác để có thể sử dụng cở sở vật chất (phòng lab) phục vụ nghiên cứu.
Trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu; nghiên cứu tiềm năng để cùng nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm khoa học có chất lượng và có tính ứng dụng cao, như: các bài báo công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín quốc tế; nghiên cứu tạo ra sản phẩm là các mô hình nuôi ngao, tôm phục vụ phát triển kinh tế tại một số địa điểm nghiên cứu; nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ cảnh báo trượt lở tại một số địa bàn thuộc vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, Nhà trường đã tìm kiếm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học quốc tế và cán bộ giáo viên Nhà trường hợp tác xây dựng và triển khai các dự án/chương trình và các hoạt động nghiên cứu.
Trường đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đối tác trong nước và quốc tế, cụ thể: Nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhằm giải quyết được các vấn đề ưu tiên phát triển tại các địa phương trong nước; hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ triển khai các hoạt động nghiên cứu hướng tới bảo vệ môi trường; cũng như đề xuất một số cơ chế chính sách với các cơ quan quản lý trong việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
sinh viên thảo luận
Đồng thời, Nhà trường đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số trong quản lý Nhà trường nói chung và các đề tài nghiên cứu khoa học nói riêng. Các kết quả nghiên cứu được chuyển giao nhanh, tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà trường tăng cường ứng dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các kết quả nghiên cứu.
Nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ được Nhà trường triển khai trong những năm vừa qua. Các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên và môi trường được bao trùm lên toàn bộ các nghiên cứu do Trường chủ trì thực hiện, có thể kể đến như: môi trường, tài nguyên nước, đất đai, địa chất khoáng sản, biến đổi khí hậu, viễn thám và GIS, Trắc địa bản đồ... Năm học 2021-2022. Kết quả đã có 22 đề tài đạt loại xuất sắc, trong đó có 5 đề tài được đánh giá cao nhất tham gia giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Giải thưởng ‘‘Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường” được Nhà trường tổ chức thường niên nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên trong nhà trường. Năm nay, có tất cả 86 đề tài nghiên cứu của sinh viên được hội đồng khoa học đánh giá cao và đã được nghiệm thu. Trong 86 đề tài nghiên cứu khoa học có 22 đề tài đạt loại xuất sắc với nhiều điểm mới và đột phá trong nghiên cứu và tham gia xét giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường” năm học 2021 – 2022. Trong đó, Khoa Công nghệ thông tin có 3 đề tài; Khoa Môi trường có 7 đề tài; Khoa Khoa học biển và Hải đảo có 1 đề tài; Khoa Lý luận chính trị có 3 đề tài; Khoa Quản lý Đất đai có 1 đề tài; khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường có 5 đề tài; Khoa Khí tượng Thủy văn có 2 đề tài.
Ngoài ra, rất nhiều công trình khoa học và công nghệ cấp Bộ khác của Nhà trường được sử dụng trong các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hỗ trợ cho việc đề xuất, xây dựng các chính sách sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Một số đề xuất đẩy mạnh và phát huy
Những thành tựu trong hoạt động NCKH đạt được đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao danh tiếng của Trường Đại học TN&MT Hà Nội, là đơn vị thực hiện các đề tài khoa học, tổ chức hội thảo, đồng thời là địa chỉ đáng tin cậy để các tổ chức trong nước và quốc tế mời tham dự vào các diễn đàn khoa học. Các kết quả của đề tài NCKH có tính thực tiễn cao đã và sẽ có tác dụng nâng cao hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, tạo nên hình ảnh ngày càng tốt đẹp và nguồn thu cho Nhà trường.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cùng với đào tạo nguồn nhân lực, thiết nghĩ hàng năm, Nhà trường có cơ chế khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia các hoạt động NCKH, có chế độ khen thưởng kịp thời đối với mỗi cá nhân và tập thể có thành tích trong NCKH để tạo động lực và kích thích tính tích cực tự giác của giảng viên đối với công tác NCKH.
Nghiên cứu khoa học là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi phải đầu tư thời gian dài, phương pháp làm việc nghiêm túc và khoa học, cần phải có tinh thần tự giác và sự đam mê mới có thể theo được. Thực tế cho thấy, rất hiếm có những trường đại học đẳng cấp quốc tế mà không đồng thời là một trường đại học mạnh về NCKH. Như vậy, vai trò của NCKH trong trường đại học là rất lớn, không chỉ đối với riêng trường đại học mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Để nâng cao thương hiệu của Nhà trường, trong thời gian tới Nhà trường cần hoàn thiện quy chế xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh để phát huy năng lực nghiên cứu của mỗi giảng viên có năng lực cho thực hiện các dự án, đề tài trong nước và hợp tác quốc tế và đặc biệt là công bố bài báo quốc tế, tăng uy tín, thương hiệu của Nhà trường.
Hồng Minh