Còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn kiên định thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm, cam kết của mình tại COP28
14/12/2023TN&MTHội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã bế mạc ngày 12/12. Với Việt Nam, tại COP28 Thủ tướng Phạm Minh Chính các bài phát biểu quan trọng với nhiều thông điệp lớn, gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt.
TS. Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại sự kiện
TS. Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, quá trình đàm phán tại COP 28 về nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên cơ sở một văn bản dự thảo hiện đang là vấn đề nóng nhất do có nguồn tin cho rằng, các quan chức hàng đầu của OPEC đã kêu gọi các nước thành viên phản đối bất kỳ điều khoản trong văn bản nhằm loại bỏ nhanh chóng nhiên liệu hóa thạch.
Trong những ngày họp cuối cùng tại Hội nghị COP28, mọi sự chú ý được dồn vào thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Trong đó, Đề xuất "giảm dần/loại bỏ" việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo. Đây là vấn đề mà các đại biểu của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nỗ lực tìm tiếng nói chung.
2 ngày trước khi COP 28 kết thúc, ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận của COP28 về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong suốt gần ba thập kỷ qua, COP chưa bao giờ đề cập đến vai trò tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Có ít nhất 80 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương về khí hậu đang yêu cầu thỏa thuận COP28 có các quyết định rõ ràng về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đoàn Việt Nam đã chia sẻ về những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và cùng thảo luận với các quốc gia
"Chủ đề COP28 năm nay đã cho thấy sự tham vọng và tích cực của các quốc gia, ngay trong ngày đầu tiên đã thống nhất Quỹ Tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động. COP 28 là lần đầu tiên các bên tiến hành Đánh giá nỗ lực toàn cầu (global stocktake) nhằm đánh giá việc thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để các bên cập nhật NDC vào năm 2025" - TS. Tăng Thế Cường chia sẻ!
Chủ tịch COP28 kêu gọi mọi người thể hiện tính linh hoạt và chấp nhận thỏa hiệp. Cuộc họp diễn ra ngay tại nơi các Bộ trưởng có thể nghe thấy những người biểu tình ở gần đó kêu gọi chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chủ tịch COP28 nói: "Thất bại, thiếu tiến bộ hay làm giảm đi tham vọng tại COP28 không phải là một lựa chọn".
Các Bộ trưởng đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn và chân thành, giải quyết các vấn đề bằng những câu hỏi, mối quan tâm và đưa ra các giải pháp. Trong khi đó, đại diện EU lặp đi lặp lại lời kêu gọi: Loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, đại đa số các quốc gia, đại diện cho đại đa số thế giới ủng hộ ngôn ngữ trong văn bản phải thật mạnh mẽ để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Rất nhiều trưởng đoàn đàm phán, bộ trưởng các quốc gia tham gia đều cho thấy cần phải có văn bản rất chặt chẽ và hướng tới việc nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Hội nghị COP28 lần này được coi là cơ hội "cuối cùng" để các nước trên thế giới thực hiện được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tính đến hết ngày 11/12, 83 tỷ USD là con số mà COP28 huy động được cho các hoạt động đầu tư về khí hậu. Ngoài ra còn có một số cam kết khác.
UAE cho biết đang đầu tư 30 tỷ USD vào Quỹ đầu tư khí hậu tư nhân mới có tên Alterra, tập trung một phần vào các dự án khí hậu ở các nước đang phát triển và hy vọng sẽ kích thích đầu tư với tổng trị giá 250 tỷ USD vào năm 2030.
Còn với Việt Nam, tại Hội nghị COP28 Thủ tướng Phạm Minh Chính các bài phát biểu quan trọng với nhiều thông điệp lớn, gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt. Đặc biệt, Việt Nam có 3 hoạt động chính thể hiện trách nhiệm, tính tính cực, chủ động với quốc tế. Đó là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu, Tọa đàm về "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than", công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và thực thi đề án duy nhất trên thế giới về trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, ít phát thải.
Quang cảnh phiên họp toàn thể cuối cùng của Hội nghị COP28
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đại diện đoàn Việt Nam
tham dự phiên toàn thể Hội nghị COP28
Ấn tượng với những kết quả mà Việt Nam đạt được trong 2 năm qua, kể từ sau Hội nghị COP26, ông Kevin Horsburgh, Giám đốc Khoa học khí hậu, Quỹ khí hậu xanh cho biết, Quỹ này sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong đó có Việt Nam tăng cường khả năng phối hợp giữa các bên, tập trung vào các hoạt động thí điểm cùng với việc tạo ra các nguồn tài chính giúp triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những lời hứa, tuyên bố và các khoản huy động tài chính tại Hội nghị COP28, có một phần không nhỏ dành cho vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu - Đây là điều rất cần thiết với các quốc gia chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu như đất nước Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn kiên định thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với nguyên tắc "không bị động, không trông chờ, không ỉ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự chủ, tự vươn lên với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính bản thân mình. Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm công bằng, công lý về chống biến đổi khí hậu".
TS. Tăng Thế Cường kỳ vọng các đối tác quốc tế sẽ dành nhiều nguồn lực ưu đãi cho thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
PV (tổng hợp)