Cơ hội và thách thức của người làm báo trong thời kỳ mới
19/03/2023TN&MTTrong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023, sáng 18/3, Liên chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội Tạp chí Người Làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Người làm báo trong kỷ nguyên số”.
Hoạt động có sự tham gia của nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Báo Điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay cùng đông đảo lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông.
Tọa đàm "Người làm báo trong kỷ nguyên số" với sự tham gia của nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà báo Nguyễn Minh Đức và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Với chủ đề "Vai trò, cơ hội và thách thức của người làm báo trong thời kỳ mới", các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm của mình để nắm bắt thông tin nhanh, chính xác; sự phát triển nhanh chóng, tiện lợi của công nghệ; tầm quan trọng của báo chí đa phương tiện…
Trao đổi tại tọa đàm, nhà báo Hồ Quang Lợi – Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, dù ở bất kỳ thời kỳ nào, tinh thần cống hiến, chiến đấu của các nhà báo cũng không bao giờ thay đổi. Công nghệ số càng phát triển, trách nhiệm của nhà báo càng lớn hơn. “Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng, nội dung và công nghệ luôn phải song hành, nếu kết hợp với nhau sẽ ra một tác phẩm báo chí vừa hay vừa có sức lan tỏa cực mạnh”.
Nhà báo Hồ Quang Lợi còn nhấn mạnh, quan hệ giữa nội dung và công nghệ luôn quan trọng với báo chí hiện nay, nhưng điều quan trọng hơn cả là tinh thần dấn thân của người làm báo, vì nghề báo là nghề đặc biệt, chúng ta luôn đối mặt với thách thức hiểm nguy. Nghề cao quý nhưng cũng rất gian khổ.
Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ tại tọa đàm
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, công chúng ở đâu thì báo chí ở đó. Có câu hỏi có nên tách biệt giữa nội dung và công nghệ không? Nhà báo cho rằng người làm nội dung phải nghĩ đến công nghệ. Các cơ quan báo chí nếu muốn có sức mạnh thì cần phải kết hợp thật tốt nội dung và công nghệ.
Tại tọa đàm, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ, báo chí đang hướng tới những bài viết chuyên sâu để dần dần tiến tới thu phí báo chí. Các cơ quan báo chí cần tập trung sản xuất nội dung chuyên sâu, mang tính giá trị thông tin cao, chuyên ngành để đáp ứng được yêu cầu của người đọc, hướng tới làm kinh tế báo chí một cách bền vững.
Khi được hỏi điều gì chi phối người làm báo và kinh tế báo chí hiện nay, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, hiện nay mỗi cơ quan báo chí đang phải đối mặt với 3 vấn đề, đó là nội dung, công nghệ và kinh tế báo chí. "Báo chí bây giờ có nhiều thể loại phục vụ nhiều bạn đọc, có thể sản xuất longform, emagazine, xem ảnh, box thông tin và có thể bán được những tin đấy rất cao thông qua hình thức phục vụ nhiều bạn đọc. Độc giả ở đâu, nhà báo ở đó", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại diễn đàn
Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội cho biết tinh thần chiến đấu, cống hiến của các nhà báo không bao giờ thay đổi. Các bài báo thời nào cũng phải cống hiến, phải truyền tải thông tin hữu ích tới độc giả. Trước đây công cụ hỗ trợ ít, năng suất làm báo thấp, mỗi phóng viên, nhà báo trong một tuần có thể chỉ viết được 2 bài, hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, một tuần có thể viết được 4 bài, năng suất làm báo hiện nay lớn hơn nhiều.
Cùng quan điểm với nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà báo Nguyễn Minh Đức cũng nhấn mạnh “nội dung là vua, công nghệ là hoàng hậu”. Nhà báo phải biết chọn lọc thông tin, khẳng định được trình độ, năng lực của bản thân. Báo chí hiện nay không những đối mặt với nội dung, công nghệ, còn cả với kinh tế báo chí. Do đó, ngoài các thông tin miễn phí, báo chí có thể tiến tới thực hiện các sản phẩm, bài viết chuyên sâu, chuyên biệt, độc quyền để có thể thu phí đọc báo điện tử.
Khách tham dự đặt câu hỏi cho các diễn giả tại tọa đàm
Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho biết tại Báo Kinh tế và Đô thị, các phóng viên phải chia sẻ bài viết, tiêu chí chấm nhuận bút có 4 yếu tố, trong đó có tiêu chí view. Nhà báo Nguyễn Minh Đức quan điểm: "Phóng viên hiện nay rất áp lực, tác phẩm báo chí phải có người đọc, tác phẩm báo chí mà không có người đọc thì có nghĩa là không có giá trị. Lượt view liên quan đến nhuận bút, tôi sẽ trao đổi với những phóng viên có lượt view thấp nhất đó để cải thiện lượt view".
Nhân dịp này, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hà Nội gửi thông điệp đến các sinh viên - những người đã, đang và sẽ làm báo: “Phải yêu nghề, bởi không yêu nghề thì không thể làm báo, phải có trách nhiệm, yêu thương con người, bảo vệ lẽ đúng, luôn học hỏi, sáng tạo”.
Tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Qua nội dung vừa được lắng nghe ở đây, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm rất hay, rất bám sát, rất đúng, rất thời sự về vấn đề nóng được quan tâm hiện nay, đó là cơ hội và thách thức của người làm báo trong kỷ nguyên số”. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hy vọng sau hội thảo này, những sinh viên - những nhà báo trong tương lai sẽ có những kinh nghiệm và chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để bước vào nghề.
Huy Thế - Tú Quyên