Cần Thơ, An Giang chú trọng phòng ngừa các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu
08/06/2024TN&MTThời gian tới, Cần Thơ và An Giang - 2 địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiên phong triển khai dự án nâng cao năng lực cấp tỉnh nhằm giải quyết các mối đe dọa y tế công cộng liên quan đến biến đổi khí hậu.
Thông tin tại Lễ khởi động Dự án “Tăng cường tiếp cận Một sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu và môi trường” diễn ra ngày 7/6, tại TP. Cần Thơ, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: Hạn hán, xâm nhập mặn và bão ngày càng gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác, cũng như làm lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Dự án sẽ hỗ trợ các cơ quan chính quyền, cộng đồng và các đối tác khác ở Cần Thơ và An Giang trong việc phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng liên quan đến biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho các bên về mối liên quan chặt chẽ giữa sức khỏe con người với sức khỏe động vật, sức khỏe môi trường.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam và ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khởi động dự án
Dự án do UNDP và Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp cùng chính quyền các địa phương triển khai thực hiện. Mục tiêu nhằm tăng cường khả năng ứng phó "một sức khỏe" (có thể hiểu là sự dự phòng các bệnh lây truyền từ động vật sang người bằng việc kiểm soát sự lây nhiễm và bệnh ở các quần thể động vật trong hệ sinh thái) liên quan đến biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực: sức khỏe con người, sức khỏe động vật và sức khỏe môi trường.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam
Các hoạt động dự kiến triển khai bao gồm: nâng cấp các cơ sở y tế ban đầu để hỗ trợ cung cấp các dịch vụ y tế liên tục khi xảy ra các sự kiện thời tiết cực đoan; tăng cường các dịch vụ y tế từ xa, trang bị tốt cho các cơ quan chức năng cũng như hệ thống y tế địa phương; tăng khả năng sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Những hoạt động này được cho là rất cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam có nguy cơ cao xuất hiện và tái xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Nguy cơ này càng gia tăng do Việt Nam dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm sự thay đổi lượng mưa, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan và thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, dữ dội hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng tiếp xúc giữa động vật hoang dã, gia súc và con người và do đó, làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh. Biến đổi khí hậu cũng gây thiệt hại hạ tầng y tế địa phương và khiến người dân khó tiếp cận các dịch vụ y tế, làm giảm hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại sự kiện
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ chia sẻ: Thành phố Cần Thơ hiểu rõ các thách thức từ biến đổi khí hậu và đã sớm ban hành, triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Các hoạt động của dự án rất có ý nghĩa và hữu ích, nhằm giúp thành phố nâng cao năng lực phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi liên quan đến biến đổi khí hậu. Qua đó, tăng cường thực hiện các chiến lược điều phối tiếp cận nguồn nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe tại thành phố, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân trên địa bàn.
Theo baotainguyenmoitruong.vn