Bình Thuận: Sử dụng mặt biển và đáy biển hợp lý cho các hoạt động kinh tế
09/12/2021TN&MTBình Thuận là một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng. Vùng biển Bình Thuận với diện tích 52.000 km2, là một trong những ngư trường lớn của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, ngư trường bị thu hẹp do hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do khai thác không đúng quy định; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn khiêm tốn, nhiều nơi phát triển chưa đồng bộ,... Vì vậy, để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh cần có một phương án quy hoạch sử dụng mặt biển và đáy biển nhằm sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các hoạt động kinh tế của tỉnh.
Định hướng phát triển nền bền vững
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (KTB) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong giai đoạn 2011-2020 cả nước đã chú trọng phát triển KTB theo định hướng phát triển nền KTB bền vững, hay nói cách khác là nền KTB xanh, với định hướng phát triển kinh tế đi đôi với khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Các ngành KTB được chú trọng phát triển bao gồm phát triển du lịch, dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản biển, thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi, phát triển hệ thống cảng biển và giao thông vận tải biển, năng lượng tái tạo,… Để thực hiện tốt các định hướng chiến lược vạch ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết số 36-NQ/TW, rất nhiều văn bản pháp luật như: Luật Biển Việt Nam số năm 2012, Luật TN, MT B&HĐ số 2015, Luật Quy hoạch số năm 2017, Luật BVMT năm 2014 và năm 2020, Luật Thủy sản năm 2013 và nhiều luật khác cũng như các văn bản dưới luật. Việt Nam cũng đã thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên B&HĐ, quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ gắn với lưu vực sông, BVMT, bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Do đó, KTB Việt Nam phát triển vượt bậc, có những thành tựu đột phá. Hệ tầng KTB và đời sống người dân khu vực ven biển được cải thiện rất đáng kể.
Tuy có nhiều nỗ lực nhưng việc phát triển bền vững KTB và hải đảo vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tài nguyên biển, nhất là nguồn lợi cá biển, đang bị đánh bắt tới mức cạn kiệt. Nhiều hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn bị suy thoái tới mức nghiêm trọng. Ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đang gây ra những thiệt hại rất lớn cho hệ sinh thái, đa dạng sinh học và KT-XH. Hiện tượng phân lô bán nền đất sát biển đang xảy ra rất nghiêm trọng tại nhiều địa phương, làm suy thoái và lãng phí tài nguyên du lịch, vi phạm quyền tiếp cận của người dân với biển. Các khu công nghiệp trên bờ biển hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, Bình Thuận đã xác định mục tiêu “tập trung xây dựng tỉnh có kinh tế mạnh về biển trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; bảo đảm phát triển bền vững KTB và có đóng góp quan trọng vào kinh tế của tỉnh. Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chương trình hành động số 60-CTr/TU với mục tiêu đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển KTB mạnh, bền vững, toàn diện, an ninh, an toàn. Tỉnh xác định để phát triển nhanh, bền vững KTB gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, BVMT biển, chủ động ứng phó với thiên tai, BĐKH và phát triển KTB. Tỉnh cũng tập trung đầu tư đào tạo các nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu nhân lực thực hiện xây dựng Bình Thuận thành trung tâm năng lượng, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; quan tâm đào tạo nghề quản trị các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao bảo đảm đạt cấp độ ASEAN và các nhân lực có trình độ nghề kỹ thuật cao như sửa chữa máy tàu, chế biến và bảo quản thủy sản, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, kỹ thuật chế biến món ăn và các công nghệ, kỹ thuật khác.
Rạn san hô tuyệt đẹp ở đáy biển Bình Thuận.
Hiệu quả trong việc sử dụng mặt biển, đáy biển Bình Thuận
Trong giai đoạn 2011-2020, Bình Thuận đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc sử dụng mặt biển, đáy biển và vùng đất ven biển để phát triển KT-XH. Tỉnh đã xác định những thế mạnh của KTB và tập trung phát triển những thế mạnh, xây dựng và củng cố các thương hiệu biển của Bình Thuận.
Nắm bắt được thế mạnh nhất của biển Bình Thuận là du lịch biển, nhằm khai thác lợi thế, Bình Thuận đã tập trung đầu tư cho phát triển du lịch và nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước và có tiếng tăm trên trường quốc tế. Hạ tầng du lịch đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn, đặc biệt là tại các trung tâm du lịch của tỉnh như Hàm Tiến, Mũi Né. Lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 10,95%/năm, trong đó lượng du khách quốc tế tăng bình quân 12,8%/năm; doanh thu từ du lịch tănng trưởng bình quân đạt 24,78%/năm; giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức tăng bình quân 12,3%/năm. Hoạt động du lịch đã thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và hỗ trợ các ngành, nghề khác cùng phát triển, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách.
Để phát triển kinh tế thủy sản, tỉnh đã chú trọng phát huy năng lực khai thác hải sản với việc đầu tư tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh có 7.054 tàu cá với tổng công suất 1.066.035 CV; tàu cá có công suất từ 90CV trở lên có 3.046 chiếc, trong đó có 179 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ; công suất bình quân tàu thuyền toàn tỉnh đạt 151,12 CV/chiếc. Hoạt động nuôi trồng thủy sản của tỉnh, đặc biệt là nuôi biển đang phát triển mạnh, đem lại nguồn thu rất lớn cho người dân và ngân sách của tỉnh. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO; xây dựng mối liên kết chuỗi từ khâu khai thác đến thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Do quá trình đô thị hoá và tốc độ phát triển du lịch của tỉnh tiếp tục tăng, nên mức độ ảnh hưởng đến môi trường và nguồn tài nguyên biển cũng ngày càng gia tăng. Do đó, để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững du lịch biển - thế mạnh của tỉnh. Trong năm qua, tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch biển, chỉ đạo, hướng dẫn các Ban quản lý Khu du lịch, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ TNMT biển trong hoạt động du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho du khách tại các khu du lịch, điểm du lịch ven biển nhằm tạo lòng tin và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tỉnh tham quan, nghỉ dưỡng. Chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế thủy sản và kinh tế du lịch nhất là vấn đề môi trường do hoạt động chế biến, sản xuất hải sản ở các khu du lịch ven biển.
Công tác bảo tồn biển cũng được chú trọng. Tỉnh đã củng cố khu bảo tồn biển Hòn Cau và đang trong quá trình đề xuất xây dựng và đưa khu bảo tồn biển Phú Quý vào hoạt động để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh và phát triển du lịch sinh thái biển. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp, dịch vụ khu vực biển, đảo từng bước được đầu tư, khai thác có hiệu quả, nhất là công nghiệp năng lượng khu vực ven biển và tại huyện đảo Phú Quý phát triển khá nhanh và đa dạng (thủy điện, nhiệt điện than, điện đi-ê-den, điện gió và điện mặt trời) với tổng công suất đạt 3.322,5 MW; sản lượng điện phát ra hằng năm khoảng 13 tỷ kWh. Ngoài ra, có khoảng 90 dự án điện mặt trời, 19 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương khảo sát hoặc đầu tư, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện, lập dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nhiều dự án điện gió ngoài khơi đang trong giai đoạn xây dựng dự án. Công nghiệp chế biến khoáng sản ven biển từng bước được đầu tư với 2 dự án nghiền bột zircon, với tổng công suất 15 nghìn tấn/năm và 1 dự án luyện xỉ titan công suất 24 nghìn tấn/năm đã triển khai xây dựng,... góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong đó có một số mặt hàng quan trọng thuộc khu vực biển, đảo của tỉnh.
Với chủ trương phát triển mạnh dịch vụ logistics, Bình Thuận cũng đang nỗ lực phát triển các cảng biển, sân bay và hệ thống đường giao thông trong tỉnh và kết nối tỉnh với các khu vực lân cận. Tỉnh đã có những định hướng phát triển KTB ngày càng đúng hướng, trong đó chú trọng những trụ cột như phát triển du lịch, dịch vụ, nghề cá và hậu cần nghề cá, phát triển công nghiệp, năng lượng, đặc biệt là điện gió xa bờ; bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển.
NGUYỄN HÙNG MẠNH
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận