Bình Thuận: Hiến kế về giảm rác thải nhựa tại đảo Phú Quý
10/08/2024TN&MTNhằm tuyên truyền, hiến kế cho đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận về việc phân loại, giảm rác thải nhựa trên đảo, các chuyên gia, nhà quản lý về môi trường đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học và ý kiến góp ý,… Tạp chí Tài nguyên và Môi trường xin lược ghi những ý kiến của chuyên gia về vấn đề này tại Hội nghị "Nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa" tại đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND huyện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) tổ chức ngày 1-3/8/2024.
Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân và có phương án phân loại rác
Làm rõ hơn về chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân về rác thải, TS. Nguyễn Đình Đáp (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt (còn gọi là rác thải sinh hoạt) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại (chậm nhất từ ngày 01/01/2025): Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc phân loại rác là nội dung rất quan trọng. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
TS. Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Trên tinh thần những quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND huyện Phú Quý cần xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại rác tại nguồn với các nội dung, giải pháp như: Ban hành chương trình, kế hoạch, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; tuyên truyền viên từ cấp huyện đến xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Bố trí điểm tiếp nhận chất thải nguy hại và chất thải rắn cồng kềnh để hộ gia đình, cá nhân đổ thải đúng nơi quy định. Tham mưu ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (chậm nhất ngày 31/12/2024).
Bố trí phương tiện, con người để thực hiện phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại. Nghiên cứu, tối ưu lộ trình, tần xuất và thời gian thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực trên địa bàn. Đối với việc thí điểm thực hiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại: Mỗi xả, thu gom trên 01 tuyến đường/01 thôn khu dân cư tập trung do UBND các xã thống nhất với Ban quản lý Công trình Công cộng huyện.
Kinh nghiệm từ mô hình hay
Chia sẻ về các kinh nghiệm, giải pháp phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa tại các đảo, PGS.TS. Kiều Thị Kính (Đại học Đà Nẵng) cho biết, ô nhiễm trắng đã trở thành khái niệm không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, bài học của Cù Lao Chàm thực sự đang trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương khi thực hiện “nói không với rác thải nhựa”, nhất là các huyện đảo đang làm theo như: Cô Tô, Phú Quý hay Lý Sơn.
Đơn cử, ở Cù Lao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), PGS.TS. Kiều Thị Kính cho biết, Cù Lao Chàm là địa bàn du lịch đang được du khách yêu thích, đồng thời lại nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên việc bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường không chỉ phát triển du lịch mà còn gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới của xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm).
Trong sinh hoạt hàng ngày, các chi hội tự quản; các tổ chức chính trị xây dựng mô hình “Ngôi nhà 0 đồng”, chủ yếu là thu gom rác thải từ chai, lọ có thể tái chế được để tận dụng làm kệ, trồng cây, hoa, rau xanh và gây quỹ hỗ trợ các gia đình khó khăn.
PGS.TS. Kiều Thị Kính, Đại học Đà Nẵng
Đặc biệt, hội phụ nữ của xã hoạt động rất tích cực với các buổi sinh hoạt chuyên đề “Nói không với túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần”, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn cách làm phân compost cho hội viên,… Chương trình này được lồng ghép trong các buổi tập huấn làm du lịch cộng đồng nên hội viên hội phụ nữ rất tích cực tham gia.
Bên cạnh đó, các tiểu thương, hiện 100% hộ kinh doanh trên địa bàn xã Tân Hiệp đã ký cam kết thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong kinh doanh buôn bán bằng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Với khách du lịch, những người trước đây mang rác thải từ đất liền ra đảo, nhất là rác thải nhựa thì nay đã thay đổi. Nhờ công tác tuyên truyền vận động và các hình thức đổi túi thân thiện môi trường ngay tại cảng đón du khách ra đảo nên trong 4 năm trở lại đây lượng rác thải nhựa do du khách mang ra đảo Cù Lao Chàm gần như bằng 0. Thông qua 2 cuộc vận động: “Giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi ni lông” năm 2009 và “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” năm 2018, đến nay rác thải nhựa gần như vắng bóng tại Cù Lao Chàm”.
Quyết liệt từ địa phương
Nói về sự sát sao, vào cuộc của chính quyền địa phương trong vấn đề môi trường, ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quý cho biết, Phú Quý là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, nằm cách đất liền khoảng 56 hải lý (120 km) về hướng Đông Nam. Diện tích tự nhiên 17 km2, với dân số khoảng 30.000 người. Cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông Nam, huyện đảo Phú Quý được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý một phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hoang sơ với nhiều bãi tắm đẹp. Từ đầu năm 2016 đến nay, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, nhất là từ khi nguồn điện được phát 24/24 giờ trong ngày, mở ra một thời kỳ mới cho Phú Quý. Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển là vấn đề ô nhiễm môi trường, mà vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn đến môi trường sinh thái ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quý phát biểu
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 890/QĐ-UBND ngày 16/4/2024 về ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh năm 2025. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Do vậy, kế hoạch yêu cầu tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và ý thức tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
UBND huyện Phú Quý cũng khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai các mô hình hay, hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng tại địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng nhân dân tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo đúng quy định.
Huyện đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 14/5/2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn huyện Phú Quý; Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 08/12/2023 của UBND huyện về việc triển khai thí điểm mô hình hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rác tại nguồn theo tiêu chí 17 của Chương trình Nông thôn mới. Theo đó, huyện Phú Quý có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp du lịch và du khách chung tay, tích cực và quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa gắn với vận động du khách không mang rác thải nhựa lên đảo.
Ngoài ra, 100% ca nô làm dịch vụ chở khách ra đảo Hòn Tranh và các đảo lẻ sẽ không sử dụng chai nhựa, sản phẩm nhựa, túi ni lông sử dụng một lần; vận động du khách tuyệt đối không vứt rác xuống biển, không mang rác thải nhựa lên đảo Hòn Tranh.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn toàn huyện đảo, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phú Quý xây dựng video clip tuyên truyền du khách đến đảo Phú Quý không mang theo chai nhựa, sản phẩm nhựa, túi nhựa sự dụng một lần, không vứt rác xuống biển và phối hợp với các chủ tàu để phát video clip trên các chuyến tàu Phan Thiết - Phú Quý. Phòng Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý Cảng Phú Quý triển khai lắp đặt 2 pa nô tấm lớn đặt 2 đầu cảng Phan Thiết và cảng Phú Quý nội dung “Phú Quý - Điểm đến không mang theo đồ nhựa”.
Tại Lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa vừa qua tại địa bàn, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã kêu gọi toàn thể huyện đảo cùng cam kết, đồng hành, chung tay hành động chống rác thải nhựa nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, tiến đến huyện Phú Quý không có rác thải nhựa, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Cùng chung tay xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Xây dựng các hình mẫu tiêu biểu như: Khách sạn không rác thải nhựa; nhà hàng, quán nước không rác thải nhựa; cơ quan, đơn vị, trường học không rác thải nhựa,…
Cũng tại buổi lễ, các đại biểu, người dân cùng đoàn thanh niên đều đồng tình và cam kết quyết tâm cùng nhau đẩy lùi vấn nạn rác thải nhựa, kế hoạch rất cụ thể: 100% chuyến tàu vận chuyển khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý không sử dụng chai nhựa, sản phẩm nhựa, túi ni lông sử dụng một lần; 100% ca nô đưa rước khách ra đảo hòn Tranh và các đảo nhỏ không sử dụng sản phẩm nhựa; vận động du khách không vứt rác xuống biển, không mang rác thải nhựa lên đảo. Các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý, chuyển sang sử dụng các loại túi, bao bì thân thiện với môi trường, các loại sản phẩm sử dụng nhiều lần. Thực hiện tốt phương châm “Phú Quý- Điểm đến nói không với rác thải nhựa”.
Các đoàn viên, thanh niên đang vận động du khách không vứt rác xuống biển trên huyện đảo Phú Quý
Nói không với rác thải nhựa, tiến đến phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh là cơ hội và cũng là thách thức, khó khăn. Nhưng, đây là mục tiêu quan trọng trong phát triển bền vững của huyện đảo. Với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của các cấp chính quyền, với sự cam kết đồng hành của các chủ doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ca nô, sự chung tay hành động của mỗi người dân, sự hỗ trợ từ các cấp của chính quyền địa phương, bằng những hành động thiết thực, cụ thể, những việc làm nhỏ nhất, nhưng có trách nhiệm lớn nhất đối với cộng đồng và xã hội thì phong trào chống rác thải nhựa huyện Phú Quý sẽ thành công.
Nhất Nam