Bình Dương: Nâng cao trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu nhằm giảm thiểu chất thải nhựa
14/08/2024TN&MTNhằm thúc đẩy việc truyền thông về trách nhiệm mở rộng sản xuất (EPR) đối với các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhựa, tái chế, thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Vụ Pháp chế và Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia tổ chức “Hội nghị truyền thông nâng cao trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu nhằm giảm thiểu chất thải nhựa” vào ngày 12/8/2024 tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu từ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu nhựa và bao bì, cùng các doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải và đại diện các cơ quan truyền thông.
Ông Vũ Minh Lý Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh, trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất mà còn mở rộng tới toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng cho đến thải bỏ.
Theo ông Vũ Minh Lý, EPR là một công cụ quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn, tuân theo nguyên tắc thị trường, đồng thời cung cấp các giải pháp tài chính để xử lý chất thải. Điều này không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, tạo cơ hội kinh tế và việc làm, mà còn giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Từ năm 2021, sau khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hội thảo và tập huấn để phổ biến nội dung EPR cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Vũ Minh Lý cho biết, nhu cầu tìm hiểu và thực hiện EPR vẫn rất lớn, đặc biệt là đối với một số hiệp hội và doanh nghiệp chưa được tiếp cận đầy đủ. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cũng như các cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích những sáng kiến thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Đại diện Doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia; Vụ Pháp chế; Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường và Hiệp hội Tái chế chất thải đã có báo cáo chia sẻ, giới thiệu các quy định chi tiết về EPR theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải; Quản lý chất thải nhựa theo các quy định về kinh tế tuần hoàn và đồng thời, trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều lượt câu hỏi của các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải đặc biết là chất thải nhựa.
Việc thực hiện tốt EPR sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn và ngành công nghiệp tái chế, đồng thời giúp Việt Nam tiến gần hơn tới các mục tiêu về môi trường và phát triển bền vững trong tương lai.
Ngọc Huyền