Bến Tre: Tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt
14/06/2024TN&MTCần triển khai đồng bộ các giải pháp từ phân loại, thu gom, công nghệ, tài chính,… đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường về phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt,… là những chia sẻ của ThS. Võ Văn Ngoan, Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre) với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường.
ThS. Võ Văn Ngoan
PV: Xin ông cho biết thực trạng chất thải sinh hoạt và công tác thu gom rác tại tỉnh Bến Tre hiện nay?
ThS. Võ Văn Ngoan:
Năm 2023, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các hộ gia đình, cộng đồng dân cư khoảng 1.150 tấn/ngày. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị khoảng 340 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn khoảng 810 tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đưa về cơ sở xử lý tập trung (bãi chôn lấp rác thải và nhà máy xử lý rác thải) khoảng 400 tấn/ngày.
Trong đó, khu vực đô thị khoảng 280 tấn/ngày, chiếm 82%; khu vực nông thôn khoảng 120 tấn/ngày, chiếm khoảng 14%. Đối với khu vực nông thôn, phần lớn lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và tự xử lý tại hộ gia đình đảm bảo đạt các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, với khối lượng khoảng 430 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 53%.
Thành phần chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh bao gồm: rác hữu cơ chiếm khoảng 73,7%, có độ ẩm lớn và khả năng phân huỷ sinh học cao; rác có thể tái chế, tái sử dụng (giấy, kim loại và các loại nhựa) chiếm 13,5%; gạch, gốm, thuỷ tinh và các loại khác chiếm 12,5%; chất thải chứa thành phần nguy hại (đồ điện gia dụng thải bỏ; pin thải, chai, lon thuốc diệt côn trùng,…) chiếm tỷ lệ khoảng 0,3%.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng và nhanh chóng trở thành vấn đề môi trường bức xúc. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra các chỉ tiêu cho ngành tài nguyên và môi trường là đến năm 2025 tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 95%, tại khu vực nông thôn đạt 80% và tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện.100% xã, phường và thị trấn đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn.
Cùng với đó công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả của phân loại rác thải tại nguồn chưa đạt được như mong muốn, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, cá nhân chỉ đạt khoảng 25% tính đến cuối năm 2023.
Nguyên nhân chính là do chưa có sự đầu tư đồng bộ giữa phân loại rác thải tại nguồn với cơ sở hạ tầng, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sau phân loại. Chủ nguồn thải chủ yếu thực hiện phân loại nhóm rác thải tái sử dụng, tái chế để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu, với khối lượng khoảng 100 tấn/ngày, phần còn lại chuyển cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển.
Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre do các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 11 trạm trung chuyển rác thải với tổng công suất thiết kế khoảng 116 tấn/ngày nên còn thấp hơn so với công suất tiếp nhận rác thải thực tế là khoảng 120 tấn/ngày. Trong đó, có 5/11 trạm trung chuyển rác thải (chủ yếu của thành phố Bến Tre) tiếp nhận rác thải vượt công suất thiết kế, chiếm 45%. Các huyện còn lại chưa đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển rác thải, rác thải sau khi được thu gom, tập kết tạm thời tại các điểm tập kết rác thải trước khi vận chuyển về các cơ sở xử lý rác thải tập trung; hầu hết các điểm tập kết chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
PV: Trước thực tế như vậy, địa phương đã có những biện pháp xử lý như thế nào thưa ông?
ThS. Võ Văn Ngoan:
Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp trực tiếp tại các bãi chôn lấp rác thải, chiếm tỷ lệ hơn 90%. Toàn tỉnh có 05 bãi chôn lấp rác thải đang hoạt động, bao gồm: Bãi rác Châu Bình huyện Giồng Trôm với diện tích 1,3ha, tiếp nhận và xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn huyện với khối lượng khoảng 30 tấn/ngày; bãi rác An Thạnh huyện Mỏ Cày Nam với diện tích khoảng 02ha, tiếp nhận và xử lý rác thải của huyện với khối lượng khoảng 40 tấn/ngày; bãi rác Thị trấn Chợ Lách huyện Chợ Lách có diện tích khoảng 0,6ha, đang tiếp nhận và xử lý khoảng 25 - 30 tấn rác thải/ngày trên địa bàn huyện; bãi rác Thị trấn Bình Đại có diện tích khoảng 02ha, tiếp nhận và xử lý khoảng 40 tấn rác thải/ngày phát sinh trên địa bàn huyện; bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri với diện tích khoảng 7,8ha đang tiếp nhận, xử lý rác thải tại huyện Ba Tri, huyện Châu Thành và thành phố Bến Tre với khối lượng khoảng 220 - 230 tấn/ngày. Trong đó, có 02/05 bãi chôn lấp rác đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường của bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh và 03/05 bãi chôn lấp rác chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đang trong tình trạng quá tải, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa mưa hàng năm.
Ngoài ra, tỉnh có 03 bãi chôn lấp rác thải đã dừng hoạt động, gồm: Bãi rác Phú Hưng tại xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre (là một trong các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ) và bãi rác Ba Vát tại xã Phước Mỹ Trung huyện Mỏ Cày Bắc đã được xử lý ô nhiễm triệt để và đóng cửa theo quy định vào năm 2020.
01 bãi rác tại xã Tân Thanh huyện Giồng Trôm đã ngưng tiếp nhận, xử lý rác thải vào năm 2022 và chưa được thực hiện đóng cửa, xử lý ô nhiễm theo quy định. Tỉnh có 02 Nhà máy xử lý rác thải tập trung: Nhà máy xử lý rác thải huyện Thạnh Phú (do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Môi trường Rồng Xanh là chủ đầu tư) có công suất xử lý 100 tấn/ngày với công nghệ xử lý là phân loại, ủ phân hữu cơ và đốt, đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của dự án với công suất xử lý 45 tấn/ngày; đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng chậm nhất trong tháng 6/2024.
Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (do Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre làm chủ đầu tư) đã tạm dừng hoạt động từ ngày 20/10/2022, đang thực hiện phương án tái cơ cấu và đầu tư lại thành nhà máy điện rác Bến Tre, có sự thay đổi công nghệ đốt sang đốt có kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, nâng công suất xử lý đạt 650 tấn rác thải/ngày, thời gian hoàn thành và đưa nhà máy vào hoạt động trong năm 2026.
UBND tỉnh cũng có 01 nhà máy đang trong giai đoạn đầu tư là Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Bình Đại do Công ty TNHH Phong Thạnh Phát làm chủ đầu tư, đang chậm tiến độ và đã nhiều lần xin gia hạn chủ trương đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện, càng gây khó khăn hơn cho công tác quản lý, xử lý rác thải của địa phương.
PV: Trong quá trình triển khai điều hành, thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bến Tre đang gặp những vướng mắc gì thưa ông?
ThS. Võ Văn Ngoan: Còn nhiều vướng mắc, một trong số đó là vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn gặp những khó khăn, vướng mắc như: Hàng năm UBND cân đối ngân sách chi cho bảo vệ môi trường (khoảng 0,7% tổng chi cân đối ngân sách địa phương cho chi thường xuyên và đầu tư phát triển), nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, không đủ kinh phí để hỗ trợ địa phương (cấp huyện, cấp xã) nhất là đối với nhu cầu hỗ trợ triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải rắn (chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường, y tế, nguy hại,…).
Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hình thành về cơ bản, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều quy định còn mang tính chung chung; thiếu nguyên tắc, thiếu đồng bộ, chồng chéo; một số quy định còn thiếu hoặc đã có quy định nhưng chưa đầy đủ. Một trong số đó là việc tái chế rác thải, xử lý rác thải có thu hồi năng lượng, đơn giá thu gom vận chuyển xử lý rác thải, cải tạo và khắc phục ô nhiễm môi trường; chưa có hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi trong các hoạt động về bảo vệ môi trường, cơ chế bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, giải quyết các tranh 65 chấp, xung đột về môi trường,… điều này gây khó khăn trong việc xây dựng các văn bản quy định, các chính sách ưu đãi, giải quyết triệt để các vấn đề về môi trường như bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp, tại Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; kêu gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực xử lý rác thải có thu hồi năng lượng phát điện (đây là vướng mắc gây chậm ôến độ triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre).
Đối với việc quy hoạch, xây dựng Nhà máy xử lý rác thải, Khu liên hợp xử lý rác thải tại tỉnh Bến Tre đang còn gặp khó khăn liên quan đến khoảng cách an toàn về môi trường theo QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng (đối với Nhà máy xử lý rác thải, khu liên hợp xử lý rác thải có khoảng cách an toàn môi trường tối thiểu 500m). Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý CTRSH, chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã) chưa chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác quản lý CTRSH.
Ở rất nhiều địa phương đã có xây dựng các quy ước, hương ước nhưng rất ít đề cập đến các quy định về quản lý CTRSH hoặc đề cập chung chung. Hơn nữa, công tác phối hợp trong quản lý CTRSH giữa các địa phương và cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường chưa được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên và nghiêm túc.
Về công tác kiểm tra, thanh tra thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, mặc dù các chế tài quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường trong quản lý CTRSH đã có ban hành, nhưng việc thực thi quy định pháp luật chưa nghiêm; lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã còn rất mỏng, không đủ người, không đủ thiết bị cần thiết nên công tác này đã gặp không ít các khó khăn khi giải quyết các vấn đề thực tế.
Về năng lực của các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH, do nguồn lực (tài chính, nhân lực, thiết bị, máy móc...) còn hạn chế nên đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH của tỉnh (Công ty cổ phần công trình đô thị Bến Tre) chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn vấn đề về thu gom, vận chuyển rác thải của tỉnh. Mô hình quản lý hiện nay phổ biến mang tính riêng biệt từng địa phương, chưa có sự gắn kết, hợp tác cao để giải quyết vấn đề về rác thải liên xã hoặc liên huyện. Công tác thu gom, vận chuyển rác thải tại một số xã được thực hiện bởi các đơn vị thu gom, vận chuyển nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả và không bền vững.
Về Công nghệ xử lý CTRSH: xử lý CTRSH chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, phần lớn các bãi rác vận hành chưa đúng quy trình nên gây ô nhiễm môi trường; các bãi rác được đầu tư, xây dựng không theo quy hoạch tổng thể; một số bãi rác lại có đường giao thông đi vào không thuận ôện tăng kinh phí để vận chuyển và xử lý CTRSH.
Tại một số địa phương còn tồn tại các bãi rác nhỏ, tự phát trong khu dân cư, thị trấn, khu chợ... là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như Bãi rác Thị Trấn Chợ Lách, Thị trấn Bình Đại... Ngoài ra, về phía Trung ương vẫn chưa có mô hình chuẩn, chưa có hướng dẫn các tiêu chí cụ thể lựa chọn nhà đầu tư, công nghệ xử lý đối với lĩnh vực đầu tư xử lý CTRSH; có nhiều công nghệ xử lý CTRSH ôên ôến trên thế giới, nhưng chi phí đầu tư cao và chưa được khẳng định sự phù hợp về tính chất, thành phần CTRSH của tỉnh.
Về ý thức của cộng đồng dân cư trong quản lý CTRSH, người dân còn thiếu ý thức trong ôết kiệm và cách thức ôêu dùng thân thiện với môi trường hay tái sử dụng CTRSH nên khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng gia tăng; vẫn còn tồn tại tư tưởng “thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH là trách nhiệm của các nhà quản lý, cấp chính quyền”. Ngoài ra, các hoạt động tổ chức cộng đồng tham gia quản lý CTRSH còn mang nặng ;nh phong trào, chủ yếu thực hiện trong các dịp lễ, tết.. mà chưa được duy trì thường xuyên, chưa trở thành nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm của các sở, ngành, địa phương và người dân.
PV: Dưới góc độ là nhà chuyên môn, ông có những đề xuất gì với cấp trên?
ThS. Võ Văn Ngoan:
Về văn bản quy định, chính sách, cần hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh, với các quy định hiện hành. Đặc biệt, là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Tỉnh tiếp tục tích hợp nội dung quản lý chất thải rắn tỉnh Bến Tre vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện. Trong đó, bổ sung mạng lưới các trạm trung chuyển rác, các điểm tập kết rác thải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. Điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phù hợp theo điều kiện thực tế, từng bước có lộ trình tiến đến mức thu đủ chi cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Xây dựng quy định điều kiện tiêu chuẩn công nghệ, chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư; vận dụng các chính sách khuyến khích đối với các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định số 69/2008/NĐ-CP). Xây dựng quy định hoặc hướng dẫn phân loại rác tại nguồn; sổ tay hướng dẫn quản lý rác thải.
Về tài chính, tăng nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường. Tăng đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đảm bảo chi sự nghiệp môi trường ít nhất 1% tổng chi cho ngân sách hằng năm và từng bước tăng dần qua các năm. Tăng cường nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, ưu tiên đầu tư xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc các điểm nóng về ô nhiễm môi trường thuộc lĩnh vực công ích (bãi chôn lấp rác tập trung,...).
Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Về công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cần huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực thành thị và nông thôn. Thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm cơ sở hạ tầng, thiết bị để mở rộng địa bàn thu gom, nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải.
Có kế hoạch và từng bước triển khai hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Về năng lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng phân loại, tái chế, tái sử dụng và ủ phân compost nhằm giảm tối đa lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lắp trực tiếp dưới 30%.
Xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các bãi chôn lấp rác tự phát; từng bước xóa bỏ các bãi rác cấp xã, bãi rác tạm thay vào đó là đầu tư xây dựng điểm tập kết, trạm trung chuyển rác đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Về lâu dài, kêu gọi đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn hoặc nhà máy xử lý chất thải rắn cấp tỉnh; từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp rác cấp huyện sau khi đã được lấp đầy hoặc chuyển sang đầu tư xây dựng trạm trung chuyển rác.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật mới, những cơ chế, chính sách mới như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản thực thi các quy định do tỉnh ban hành, đặc biệt cho cán bộ môi trường cấp huyện, xã và tổ trưởng tổ nhân dân tự quản, trưởng ấp. Từ đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề từ thực tiễn tại địa phương.
Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, nhất là đến từng ấp, tổ nhân dân tự quản... bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục người dân thông qua phương tiện truyền thông và tiếp xúc trực tiếp tại các buổi họp tổ hoặc tiếp xúc cử tri,...
Về công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường thanh tra, kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, sai phạm và xử lý nghiêm minh các vi phạm; tăng cường giám sát thi hành thông qua Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc tại địa phương. Nhất là vai trò giám sát xã hội của các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội và người dân, đối với việc tuân thủ các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt của các cơ quan có thẩm quyền khi thực thi nhiệm vụ. Qua đó, chấn chỉnh kịp thời những khuất tất, sai phạm và xử lý nghiêm minh các vi phạm, cũng như đảm bảo các khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, dứt điểm và đúng pháp luật.
Về công tác quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhanh chóng triển khai Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050, về quy hoạch xử lý rác thải, tỉnh có 03 khu xử lý rác thải tập trung:
(1) Khu xử lý rác thải cho khu vực đô thị phía trên (xử lý rác thải của huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm và Thành phố Bến Tre) tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành mở rộng trên nền Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre cũ (với tổng diện tích khoảng 21,24 ha) và vị trí tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam (tổng diện tích 22 ha). Trong đó, giai đoạn 2024 - 2025 sẽ mở rộng thêm 3,24ha đầu tư tái cơ cấu nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (tại xã Hữu Định). Khu còn lại (xã An Thạnh) để dự phòng rác thải cho tỉnh, đưa vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đến giai đoạn 2025 hoặc sau 2025 đề xuất giải phóng mặt bằng khoảng 10ha để làm phương án dự phòng rác thải của tỉnh (trong trường hợp nhà máy xử lý rác của tỉnh ngưng hoạt động sửa chữa hoặc gặp sự cố trong hoạt động không thể tiếp nhận rác thải của tỉnh), đồng thời tạo mặt bằng sạch mời gọi đầu tư xử lý rác thải công nghiệp, nguy hại và khu chứa bùn thải (đổ thải bùn thải từ nạo vét cống rảnh đô thị, bùn từ hệ thống xử lý nước thải).
(2) Khu liên hợp xử lý rác thải cho khu vực kinh tế ven biển 20ha (định hướng cho phát triển hướng Đông của tỉnh sau năm 2030, định hướng đến năm 2050) được mở rộng trên nền bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri. Trong năm 2023 đã mở rộng thêm 03 ha, nâng tổng diện tích bãi rác An Hiệp lên khoảng hơn 07ha; giai đoạn năm 2024 - 2025 tiếp tục mở rộng thêm khoảng hơn 04 ha và giai đoạn 2026 - 2030 sẽ mở rộng đủ diện tích theo Quy hoạch, đồng thời kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải An Hiệp để xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại,…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhất Nam – Đỗ Hùng (thực hiện)