Bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước
04/04/2024TN&MTBảo tồn đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ này không dễ dàng, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội trong công tác ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, bảo đảm duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, phát triển bền vững đất nước.
Tiềm năng và thách thức
Việt Nam được công nhận là một trong 25 nước có ĐDSH cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Việt Nam là nơi trú ngụ của gần 14 nghìn loài thực vật, hơn 10 nghìn loài động vật trên cạn. Số loài sinh vật nước ngọt đã được biết đến là hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt. Số lượng loài sinh vật biển được biết là hơn 11 nghìn loài (6.300 loài động vật đáy, 2.500 loài cá biển, 653 loài rong biển, 657 loài động vật nổi, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và năm loài rùa biển). Dù vậy, các số liệu nêu trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ tính ĐDSH của Việt Nam, khi số lượng loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh những năm gần đây. Điều đó chứng minh nguồn tài nguyên về đa dạng loài động, thực vật ở Việt Nam chưa thật sự được hiểu biết đầy đủ.
Báo cáo của Bộ TN&MT cho biết đến năm 2023, cả nước đã thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia; 59 khu dự trữ thiên nhiên; 23 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; và 62 khu bảo vệ cảnh quan. Ngoài ra, cả nước có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển KT-XH hiện nay, công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay hơn nữa của toàn xã hội thời gian tới.
Theo một số chuyên gia về ĐDSH, Việt Nam đã và đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn ĐDSH như: Tình trạng khai thác trái phép các loài động, thực vật hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, giải trí hoặc thương mại đã đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng trong tự nhiên và gây sức ép nghiêm trọng lên các quần thể khác.
Đáng lo ngại, tình trạng chặt phá rừng vì mục đích thương mại, phá rừng do du canh là một trong những đe dọa trực tiếp làm mất rừng hoặc suy thoái rừng. Trong khi đó, việc giảm diện tích rừng đầu nguồn do các dự án thủy điện, phát triển giao thông và do các nguyên nhân khác đã và đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường, trong đó có các tác động làm giảm lớp phủ thực vật, phân mảng môi trường sống hoang dã của nhiều loài sinh vật nguy cấp, làm suy giảm nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông.
Hiện nay, việc cải tạo từng phần các bãi triều bằng cách trồng rừng ngập mặn tại vùng cửa sông đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nơi trú ngụ và kiếm ăn ưa thích của nhiều loài chim di cư nguy cấp toàn cầu như loài cò thìa (platalea minor) và các loài chim di cư nguy cấp khác. Nhiều khu rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển đã bị cải tạo nhanh chóng với quy mô lớn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến ĐDSH ở mọi cấp độ. Ngoài ra, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Do đó, các hệ sinh thái vốn đã bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém hơn đối với những biến đổi này và có thể không tránh khỏi sự mất mát với tốc độ rất cao. Nhiều loài động, thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán và mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.
Luật BVMT năm 2020 cũng quy định rõ nội dung của báo cáo ĐTM phải nhận định, đánh giá hệ thực, động vật, xem xét đến mối quan hệ giữa sinh vật với hệ sinh thái. Đánh giá mức độ tác động ĐDSH đến khu vực, đến hệ sinh thái, đến hiện trạng sử dụng và sự can thiệp về sự bảo tồn ĐDSH. Đặc biệt, báo cáo ĐTM phải đánh giá, nhận dạng các sự cố môi trường có thể xảy ra; đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về BVMT và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, hiện nay công tác đánh giá tác động ĐDSH còn một số hạn chế như chất lượng báo cáo còn phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng, cơ quan thẩm định. Có những trường hợp quá trình đánh giá tác động ĐDSH chưa dự báo đúng mức, chưa lường trước các vấn đề môi trường nhạy cảm, phức tạp của dự án. Việc đầu tư ngân sách cho công tác đánh giá tác động ĐDSH còn hạn chế, chưa có đủ kinh phí để xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH, đây là rào cản không nhỏ trong công tác quản lý và bảo tồn hiện nay.
Bảo tồn bền vững đa dạng sinh học
TS. Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cho biết, thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật BVMT năm 2020; Luật Tài nguyên nước; Luật Thủy sản. Đặc biệt, gần đây nhất là Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,... Đây được xem như kim chỉ nam cho các hành động bảo tồn trong thời gian tới. Với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam được quốc tế và các nước trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao về việc thực thi các hành động bảo vệ ĐDSH,…
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH trong điều kiện mới quốc tế và trong nước, chúng ta cần tập trung vào một số giải pháp trọng yếu sau:
Tích cực riển khai đầy đủ Luật BVMT 2020. Triển khai có nội dung theo thứ tự ưu tiên là củng cố hệ thống chính sách và pháp luật về ĐDSH bao gồm: Rà soát đồng bộ, chỉnh sửa, bổ sung Luật ĐDSH; triển khai Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các văn bản dưới luật hướng dẫn về ĐDSH; thống nhất hệ thống khu bảo tồn trên toàn quốc và phân cấp, phân loại khu bảo tồn phục vụ quản lý hiệu quả các khu vực có giá trị ĐDSH cao ở Việt Nam.
Tăng cường hệ thống tổ chức quản lý, phân công, phân cấp, trong đó, tăng cường tổ chức, triển khai thực hiện quản lý ĐDSH ở cấp tỉnh, đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm quản lý ĐDSH ở địa phương; tăng cường lực lượng thực thi pháp luật về ĐDSH. Đồng thời, tăng tính hiệu quả thực thi pháp luật như: thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về ĐDSH; công khai các thông tin về các vụ vi phạm ĐDSH; tăng cường giám sát thực thi pháp luật, bao gồm cả việc giám sát của cộng đồng; thực hiện các sáng kiến về chính sách và cơ chế khuyến khích thay đổi hành vi (đối với cán bộ quản lý và cộng đồng).
Chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vai trò của ĐDSH trong phát triển bền vững, nhất là thay đổi hành vi và thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên; hướng tới xóa đói, giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo tồn ĐDSH, sản xuất tiêu dùng bền vững.
Kết hợp hiệu quả công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từng bước tiếp cận và áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến của quốc tế phù hợp với điệu kiện thực tế của Việt Nam. Các biện pháp bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ là những hành động được ưu tiên thực hiện đồng bộ, song song với các biện pháp giảm các mối đe dọa đối với loài.
Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức và xã hội hóa công tác bảo tồn ĐDSH. Cụ thể, hướng dẫn tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; phát huy quyền cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH; mô hình bảo tồn mới: Vai trò của tổ chức xã hội và cộng đồng; thể chế hóa giáo dục về bảo tồn ĐDSH trong hệ thống giáo dục phổ thông; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến các vi phạm và hình phạt áp dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa.
TS. BÙI VĂN THÀNH
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2024